Thương hiệu áo dài
12:00 | 04/05/2017
Xứ Huế không chỉ nổi tiếng nhờ núi Ngự, sông Hương mà còn bởi tà áo dài. Thiếu nữ mặc áo dài Huế toát lên vẻ đẹp giản dị, tha thiết nhưng hết mực trữ tình. Vẻ đẹp ấy một lần nữa được khẳng định trong Festival Nghề truyền thống Huế 2017.
Tại sân khấu cầu Trường Tiền tối 30/4 vừa qua, hơn 200 bộ áo dài được các nhà tạo mẫu thiết kế dựa trên ý tưởng kết hợp các tác phẩm hội họa của các cố họa sĩ, họa sĩ xứ Huế. Lý do chọn cầu Trường Tiền để biểu diễn, theo NTK Minh Hạnh là vì cây cầu đã gắn liền với kỷ niệm 100 năm trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng khi nhiều thế hệ nữ sinh Huế đã từng đi học qua cầu.
![]() |
Vẻ đẹp tà áo dài |
Mọi người khi biết về Huế sẽ có những hình ảnh bất biến, mặc định cho Huế là áo dài tím, nón lá và mái tóc thề. Tất cả những hình ảnh đó xuất hiện trên cầu Trường Tiền trong đêm diễn đã tạo nên một hình ảnh rất Huế - một Huế rất mới.
Quả thực, nói đến Huế là người ta nhớ ngay đến hình ảnh đã đi vào thơ ca nhạc họa. Nhiều văn nghệ sĩ đến Huế đều cố gắng tìm cho được những hình ảnh thi vị. Ngay cả tôi, biết bao lần đến Huế đều chùng chình xuôi theo những vệt ký ức để đi tìm những tà áo dài thiếu nữ bên những công trình kiến trúc cổ kính. Ở đó, sự cổ kính như được chuốc thêm men say của ngàn năm. Còn thiếu nữ như được tôn bồi thêm vẻ thanh tân yêu kiều.
Và thể nào tôi cũng không thể ngăn lòng đừng tìm về những lời hát của Trịnh Công Sơn: “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay/Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/ Lối em đi về, trời không có mây/ Đường đi suốt mùa, nắng lên thắp đầy...” để tìm tà áo dài thướt tha những mùa yêu đầu. Xưa Trịnh Công Sơn có nhiều năm sống trong căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ.
Ông đem lòng yêu mến một nữ sinh vẫn hằng ngày đi về qua căn gác. Hình ảnh tà áo dài Huế cứ trở đi trở lại trong những ca khúc của ông. Vì thế mà nhiều người sau này đến Huế thường hay thả bộ trên đường phố “phiêu” trong nhạc Trịnh và dõi mắt tìm những tà áo dài.
Cách đây ít năm vào Huế, trong một mùa hè bất chợt, tôi tìm về cố hương như để tìm lại những phong vị của đời mình sau bao thăng trầm của cuộc sống. Tôi chọn “đường phượng bay” của mình là đường Đoàn Thị Điểm, con đường mang tên trang giai nhân giỏi thơ phú văn chương. Con đường là chốn dạo gót của biết bao tà áo trắng ngày qua ngày đi về ngôi trường Hai Bà Trưng nức tiếng thuở nào.
Và tôi đã tìm thấy dáng áo dài của nữ sinh đi-về. Tôi cũng tìm được em trong niềm cảm mến và sự xúc động nhiệt thành của con tim yêu thương cuộc sống. Chúng tôi trao tặng nhau những cuốn sách mình thích. Và em đã chưng cất lên trong tôi niềm cảm hứng sáng tạo. Một chùm thơ về Huế đã được viết. Tôi gửi thư cho em. Và em thư lại với nét mực tím duyên dáng như ánh mắt em yêu kiều…
Bây giờ thì tôi trở lại với tà áo dài trong Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Những tà áo dài đã tạo nên thương hiệu của Huế, của thành phố nhỏ nhưng hết mực trữ tình và thêm yêu quê hương đất nước. Tại đó tôi cũng được gặp lại nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh, người có đôi bàn tay tài hoa đã làm nức tiếng nghề thêu của Huế.
Lão nghệ nhân tâm sự rằng, chiếc áo dài đã từng đi qua những cuộc chiến tranh khói lửa, đi qua biết bao thập niên khó khăn vì kinh tế thời hậu chiến, rồi từng trở lại rực rỡ, thu hút tình cảm, tâm sức sáng tạo của biết bao nhà thiết kế cố tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp của người phụ nữ qua biến tấu áo dài. Cuộc sống sẽ bớt sinh động và và đáng yêu nếu không có tà áo dài xuất hiện trên đời.
Một lão nghệ nhân còn có cái nhìn trẻ trung như vậy, huống hồ là những nghệ sĩ, những người trai trẻ trung! Vâng, lúc này trong tôi ngập tràn sắc trẻ của Huế và áo. Chiếc áo dài dưỡng cho nữ sinh những nét duyên đằm thắm, kìm nén những bồng bột, giận dỗi quá đà, kéo bước chân đi khoan thai…
Ngô Thục Miên