Bức xúc nhà vệ sinh công cộng

Theo các chuyên gia, để cải thiện môi trường đô thị cần làm nhiều biện pháp đồng bộ và lâu dài. Trong đó, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bố trí đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng... Nếu có đầy đủ mà vẫn xả rác, tiểu bậy thì phải phạt nặng. Còn nếu chưa đáp ứng được điều đó thì phải công bằng với cộng đồng.

Đường Trần Quang Khải (Hà Nội) đoạn cầu vượt cầu Chương Dương thường khá vắng vẻ vào đầu giờ chiều. Nhiều lần đi qua đoạn đường này bắt gặp lái xe ô tô đứng nấp sau xe, quay người về phía tường để “giải quyết nỗi buồn”. Người qua lại cũng nhiều, là đàn bà con gái thì quay mặt phóng vụt qua, còn đàn ông con trai cũng nhăn mặt phản ứng. Có lẽ bác tài vừa ra khỏi quán bia hơi và không tìm được nhà vệ sinh? Bởi chỉ cách đó không xa có một điểm vệ sinh công cộng, nhưng luôn vắng “khách”.

Bức xúc nhà vệ sinh công cộng
Một nhà vệ sinh công cộng bị hàng quán che chắn

Theo Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 thì người tiểu bậy sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị, phạt từ 5 - 7 triệu đồng. Đây là mức phạt khá nặng, tăng 10 lần so với trước đây, có đủ sức răn đe đối với nhiều người, được kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình vệ sinh đô thị hiện nay.

Thế nhưng, khá nhiều người dân băn khoăn không chỉ là lo bị phạt tiền khi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng. Điều họ lo ngại hơn cả đó là nhà vệ sinh công cộng, cũng như các địa điểm có đặt nhà vệ sinh công cộng rất khó tìm. Hoặc là, sự hiện diện vẫn quá ít, quá thiếu, khiến cho việc “giải quyết nỗi buồn” của mọi người sẽ rất khó khăn.

Ngay cả những khu vực mới xây dựng như các khu đô thị mới, kiểu mẫu thì tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng vẫn hiện diện, khiến nhiều người “chẳng biết phải làm sao”. Anh Nguyễn Mạnh Cường (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, có lần anh xuống thăm người nhà ở khu đô thị mới The Manor. Thế nhưng khi xuống đến nơi rồi mới biết người nhà có việc bận đột xuất phải đến trưa mới về. Thế là loay hoay cả buổi sáng trong khu đô thị mà không tìm được “đầu ra”, bí quá anh phải chạy vào quán gọi đại một ly cà phê rồi để đó và nhanh chóng đi “giải quyết nỗi buồn”.

“Cả khu đô thị khang trang, hiện đại mà tìm hoài không thấy một nhà vệ sinh công cộng cho khách vãng lai. Chẳng biết là chủ đầu tư “quên”, hay sợ nhà vệ sinh công cộng sẽ làm mất mỹ quan đô thị nên “giấu” kỹ quá!”, anh Cường kể lại.

Thiếu nhà vệ sinh công cộng ngay tại các khu đô thị mới, đô thị kiểu mẫu là tình trạng khá phổ biến tại Hà Nội. Ngay tại những khu đô thị mới ở xa nội thành như Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cũng rất khó để tìm thấy nhà vệ sinh công cộng. Dù hiện trạng khu vực này đất trống còn tương đối rộng, song chủ đầu tư dường như đã “bỏ qua” việc phải đặt nhà vệ sinh cho khách vãng lai ở vị trí thuận tiện.

Bạn Đức Toàn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, ngay giữa những khu đô thị khang trang kiểu mẫu của thành phố mà còn “bí bách”, hoặc phải tìm “đỏ mắt” mới thấy nhà vệ sinh công cộng thì thử hỏi trên những tuyến đường cũ dài cả chục, cả trăm cây số mà cũng không có lấy một điểm dừng để hành khách đi vệ sinh thì người dân có “nhu cầu” biết làm thế nào?

“Tôi nghe nói, trong cẩm nang cho khách nước ngoài đến Hà Nội, nếu muốn giải quyết nỗi buồn hãy vào quán bia. Uống 1 cốc là đi vệ sinh được... Điều này cũng xuất phát từ tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng đặc biệt là ở các khu vực xa trung tâm như Tây Hồ, Cầu Giấy…”, anh Toàn chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để cải thiện môi trường đô thị cần làm nhiều biện pháp đồng bộ và lâu dài. Trong đó, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bố trí đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng... Nếu có đầy đủ mà vẫn xả rác, tiểu bậy thì phải phạt nặng. Còn nếu chưa đáp ứng được điều đó thì phải công bằng với cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển thành phố thì cũng đừng quên xây dựng, lắp đặt các điểm nhà vệ sinh công cộng, bởi một khi đã có nhiều nhà vệ sinh công cộng tạo thuận lợi cho người dân thì tình trạng phóng uế, tiểu tiện bừa bãi mới không diễn ra. Qua đó, chắc chắn dần dần ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường sống, mỹ quan đô thị cũng vì thế mà nâng lên cao.

Anh Toàn hiến kế: Theo tôi, nhà nước nên có cơ chế khuyến khích cho người đang sinh sống gần mặt phố mở nhà vệ sinh công cộng có thu phí theo quy định của thành phố như thế vừa tạo được nguồn thu cho gia đình, vừa góp phần giải quyết những bức xúc về nhà vệ sinh công cộng.

“Khi đã có nhiều nhà vệ sinh công cộng rồi thì không còn lý do gì nữa để bộ phận những người dân còn thiếu ý thức tiểu, xả bậy có thể bào chữa cho hành vi xấu của mình...!”, anh Cường chia sẻ quan điểm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/buc-xuc-nha-ve-sinh-cong-cong-62227.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.