Cầu nối sản phẩm Ý đến thị trường Việt

Những cái tên như Ariston hay Piaggo ngày càng trở nên thân thiết với người tiêu dùng Việt Nam. Đó là những điển hình cho sự thành công của các DN Ý khi đầu tư vào Việt Nam.
Rộn ràng Lễ hội ẩm thực Ý
DN Italia xúc tiến đầu tư vào ngành gỗ

Thị trường tin dùng

“Bí quyết” khiến Ariston thành công tại thị trường Việt Nam là nhờ nền tảng kinh nghiệm trong ngành nhiệt gia dụng kết hợp với sự am hiểu thị trường địa phương. Bên cạnh đó, là những cam kết mạnh mẽ, luôn đồng hành cùng người tiêu dùng Việt Nam trong nhiều năm qua. Khẳng định là chuyên gia trong ngành nhiệt gia dụng, Ariston luôn tạo ra các xu thế mới, thông qua việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vừa bền vừa an toàn, tiết kiệm năng lượng mà rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cầu nối sản phẩm Ý đến thị trường Việt
Đà Nẵng đang nhận được sự quan tâm của các DN Italia

Trong khi đó, Piaggio luôn hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam, ưa chuộng những sản phẩm đẹp và cao cấp, khác hẳn với các thị trường khác trong khu vực. Vì vậy, những ý kiến của khách hàng Việt Nam luôn được đại diện Tập đoàn tại Italia phản hồi nhanh chóng trong suốt quá trình nghiên cứu, phát triển những mẫu xe. Đơn giản, bởi thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng nhờ kinh tế phát triển tốt và giới trẻ chiếm đa số.

Quan hệ Việt Nam và Italia đã thực sự thăng hoa trong thời gian gần đây, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi vào năm 2014. Tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella năm 2015 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Italia vào năm 2016 càng củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế của hai quốc gia. Những chuyến viếng thăm cấp nhà nước này là bước mở đầu, tạo ra khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, tạo sự giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa giữa nhân dân hai nước.

Trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đã gấp 10 lần trong 10 năm, đạt hơn 4,6 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư của Italia vào Việt Nam tăng hơn 360 triệu USD với 78 dự án trong năm 2016. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Italia là đối tác thương mại thứ 8 và đứng thứ 4 trong các đối tác của Ủy ban châu Âu và là nước xuất khẩu thứ 2 của EU tới Việt Nam. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Italia là máy móc, sản phẩm làm từ da, các sản phẩm nông nghiệp, hải sản.

Song, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam vẫn tự tin khẳng định: Mức đầu tư này chưa thể hiện hết tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, vẫn còn nhiều dư địa để DN Italia đầu tư vào Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2018 sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam-EU, Việt Nam-Italia. EVFTA chính là đòn bẩy vô cùng quan trọng với cả hai quốc gia, góp phần tăng cường xúc tiến thương mại lẫn đầu tư.

Phát huy vai trò cầu nối

Nhằm tạo đòn bẩy, thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai quốc gia, Phòng Thương mại Ý tại nước ngoài (ICCA) và Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Khu vực thường niên các Phòng Thương mại Italia tại châu Á và Nam Phi và Diễn đàn DN “Italy-Asia: Doing business together” (Italy-châu Á: Cùng xúc tiến thương mại).

Đây là dịp để đại diện các phòng thương mại của Italia tại 11 quốc gia (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Quata, Hàn Quốc, Nhật Bản…) thuộc khu vực châu Á lần lượt giới thiệu về các ngành nghề, lĩnh vực cũng như cơ hội kinh doanh cho cả DN Italia và Việt Nam. Mong đợi đầu tiên cũng là quan trọng nhất khi tổ chức hội nghị này là muốn đưa lại cơ hội kết nối cho các DN địa phương tiếp cận thị trường Ý cũng như thị trường châu Á khác thông qua hệ thống các Phòng thương mại của Italia trong khu vực, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) cho biết.

Một phần quan trọng nữa là các phòng thương mại của Italia được cấu thành bởi các DN hội viên và họ hoàn toàn có thể trở thành những khách hàng tiềm năng (bao gồm hơn 2.500 DN ở khu vực châu Á) với các DN Việt Nam.

Đặc biệt hơn, sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của DN Ý tới thị trường Việt Nam, đang xem Việt Nam như “trung tâm sản xuất lý tưởng” để thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp sản phẩm “Made in Italia” cho cả khu vực châu Á. Mong muốn trở thành đối tác quan trọng hơn với Việt Nam, hiện một chiến lược đặc biệt vượt trội đã và đang được Chính phủ Ý thực hiện để thiết lập mối quan hệ đối tác với các tỉnh, thành phố địa phương của Việt Nam.

Minh chứng cụ thể là, hai địa phương của Việt Nam, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc được tạo cơ hội tại hội nghị lần này, thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại với khoảng 200 DN Việt Nam, cùng hơn 2.500 DN của 11 quốc gia châu Á. ICHAM luôn dành một sự chú trọng đặc biệt tới vai trò của các “chính quyền địa phương” và đang nuôi tham vọng sẽ có ngày càng nhiều DN Ý tới Đà Nẵng và Vĩnh Phúc.

Đó là những nơi có PCI luôn xếp thứ hạng cao, thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; hệ thống đường giao thông thuận tiện; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư.

Năm nay là Đà Nẵng và Vĩnh Phúc, năm sau có thể sẽ là Cần Thơ và Sơn La… nếu môi trường kinh doanh tại các địa phương này tiếp tục tốt lên. Thực tế cho thấy, khi có sự minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh, thì các DN Italia nói riêng, DN châu Âu nói chung sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam nhiều hơn.

Lúc đó, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Italia sẽ không dừng lại ở mức 5 tỷ USD… Con đường dẫn đến thành Rome đã được ICHAM mở toang. Việt Nam - cửa ngõ vào ASEAN đã thực sự được khai thông với các DN Italia.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cau-noi-san-pham-y-den-thi-truong-viet-61722.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.