![]() | Báo động mỹ phẩm giả |
![]() | Phát triển công nghiệp ôtô: DN nội sốt ruột, DN ngoại… từ từ |
![]() | DN ngoại đón cơ hội từ công nghiệp hỗ trợ |
Ông Fabrice Carrasco, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, thị trường Việt Nam có khoảng 20 triệu phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 39 tuổi, chiếm 40% dân số nữ, là phân khúc tiêu dùng sản phẩm làm đẹp đầy tiềm năng.
Kết quả khảo sát của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, phụ nữ Việt Nam hiện nay được giáo dục tốt, hiểu biết và tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, có kiến thức về sản phẩm tiêu dùng và cập nhật thông tin nhanh về làm đẹp, các thương hiệu mỹ phẩm, thẩm mỹ viện. Sản phẩm làm đẹp (thuốc nhuộm, tạo kiểu, dưỡng tóc, mỹ phẩm trang điểm, dưỡng da, chống nắng, chăm sóc da toàn thân, sơn móng tay, nước hoa…) chiếm một nửa lượng mua hàng tiêu dùng nhanh của người Việt tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
![]() |
Trong đó, các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da mặt là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều quốc gia khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan thì Việt Nam còn thua xa, khi người Việt hiện mới chi khoảng 40% trong tổng chi tiêu cho sản phẩm làm đẹp.
Điều này cho thấy, thị trường làm đẹp Việt Nam chưa thực sự phát triển và đang là mảnh đất màu mỡ cho các DN trong ngành này. Đây cũng là lý do khiến thị trường này tại Việt Nam đang tràn ngập thương hiệu ngoại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, DN nội chỉ có một vài cái tên, với sản phẩm ở phân khúc bình dân như Thorakao, Lana mỹ phẩm Sài Gòn….
Khi Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, cũng là cơ hội để DN ngành chăm sóc sắc đẹp ngoại khai thác triệt để thị trường tiêu thụ Việt Nam. Như bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, các Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) cũng góp phần đáng kể đưa DN ngoại vào kinh doanh lĩnh vực sản phẩm làm đẹp tại Việt Nam.
Cụ thể như với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, có đến 200 mặt hàng của Hàn Quốc được Việt Nam giảm thuế nhập khẩu bằng 0%, trong đó, có nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Song song với hàng nhập khẩu là hàng chục hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã và đang khai thác rất tốt thị trường Việt Nam (như Ohui, The Face Shop, Etude House, Laneige, Skinfood…), với tốc độ tăng trưởng doanh thu tại thị trường Việt Nam từ 15% - 20%/năm và hầu như không có đối thủ.
Bên cạnh các DN Hàn Quốc, còn nhiều các hãng khác đến từ Pháp, Ý, Nhật Bản, thậm chí cả Trung Quốc cũng không thua kém, đang cùng chia nhau thị phần sản phẩm làm đẹp tại Việt Nam với doanh số lên đến 150 triệu USD/năm. Các DN Việt Nam chủ yếu làm đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho DN nước ngoài.
Để sản phẩm tiếp cận thị trường rộng khắp, DN ngoại còn phát triển mạnh chuỗi siêu thị mini chuyên kinh doanh sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như Guardian của Tập đoàn Dairy Farm (Hồng Kông) hiện có 39 cửa hàng, Body Shop là Chi nhánh của Công ty Rampai-Niaga Sdn Bhd (Malaysia) đã phát triển 20 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đến thời điểm này, mô hình nhượng quyền thương mại và phân phối độc quyền các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… vẫn đang liên tục diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Các thương hiệu ngoại đang làm chủ thị trường Việt và chưa có dấu hiệu dừng lại khi hệ thống thẩm mỹ viện đang ngày càng phát triển rộng khắp cả nước.
Ông Fabrice Carrasco nhận định, tỷ lệ phụ nữ Việt đi làm ngày càng gia tăng, với mức thu nhập cao hơn. Nhờ vậy, họ quan tâm nhiều hơn đến vẻ bề ngoài, có động lực chi trả cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cao cấp. Khảo sát mới nhất về thị trường làm đẹp của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy ở khu vực thành thị, mức thu nhập và việc người phụ nữ có đi làm tương quan mạnh mẽ với lượng sản phẩm làm đẹp được tiêu thụ.
Trong đó, sản phẩm trang điểm, tẩy trang, nước hoa hồng hay kem chống nắng… được tiêu dùng nhiều hơn cả. Đặc biệt, người mua mới của ngành hàng này thường là nữ dưới 20 tuổi, và điểm thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi chính là những mẫu dùng thử, mẫu hàng quảng bá tại các trường học, rạp chiếu phim, quán cà phê…
Và đây cũng chính là đối tượng mà DN Việt Nam cần hướng đến, nếu muốn giữ ưu thế của mình trên thị trường. Bởi hầu hết khách hàng trẻ được khảo sát cho biết, họ sẽ chọn sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của DN nội, với nguồn gốc thảo dược tự nhiên, giá cả bình dân.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dn-ngoai-dang-lam-chu-thi-truong-my-pham-61651.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.