Loay hoay tìm sản phẩm chủ lực

Trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào tất cả các khâu sản xuất và lắp ráp như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên những thành quả này mới chỉ là bước ban đầu trong chuỗi giá trị của ngành điện tử.
Công nghiệp hỗ trợ không có gương mặt mới
Vốn cho công nghiệp hỗ trợ thế nào?
Công nghiệp hỗ trợ chưa thoát ly FDI

Để trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về công nghiệp điện tử, Hàn Quốc cũng đã từng loay hoay suốt 20 năm để tìm hướng đi, sau đó lại chật vật qua hơn 20 năm tiếp theo chịu thâm hụt thương mại nặng nề, nhằm hình thành nền tảng để cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhận thấy những điểm tương đồng của Việt Nam so với Hàn Quốc trước đây, các chuyên gia đến từ quốc gia này đã có những chia sẻ kinh nghiệm để khuyến nghị hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam.

GS. Keuk JeSung, Trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc cho biết, quốc gia này cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp điện tử bằng việc nhập khẩu linh kiện, lắp ráp hàng hoá cuối cùng vào những năm 1960. Sau một thời gian dài loay hoay, phải đến giữa những năm 1980, ngành công nghiệp hỗ trợ mới thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Nhưng cũng phải mất 10 năm tiếp theo, ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc mới thực sự phát triển bùng nổ.

Loay hoay tìm sản phẩm chủ lực
Ảnh minh họa

Trong giai đoạn này, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều kế hoạch phát triển cũng như xây dựng các khu phức hợp công nghiệp, nhưng các DN trong nước cũng chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp. Điều may mắn là thời điểm đó, trong nước đã có các công ty địa phương cung cấp linh kiện như LG, Samsung.

Vì vậy, mặc dù vẫn dựa chủ yếu vào Nhật Bản để sản xuất các bộ phận chính, song các DN trong nước đã có cơ hội để học hỏi từ đối tác và đặt nền tảng đầu tiên cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Hậu quả của thời gian khá dài này là trong suốt giai đoạn từ năm 1980 - 2000, nền kinh tế Hàn Quốc chịu sự thâm hụt thương mại lớn và kéo dài do nhập khẩu linh kiện.

Song các nỗ lực này đã có kết quả khi bước sang năm 2000, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu có thặng dư. Chỉ 4 năm sau, vào năm 2014, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đã vượt mức 100 tỷ USD nhờ xuất khẩu linh kiện và vật liệu, phần lớn là chip, bộ nhớ… của sản phẩm điện tử.

Nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc và Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đã chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào tất cả các khâu sản xuất và lắp ráp như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên những thành quả này mới chỉ là bước ban đầu trong chuỗi giá trị của ngành điện tử.

GS. Keuk JeSung kết luận, thành công của Hàn Quốc có được là nhờ hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ phía Nhà nước và nỗ lực của DN. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố này thì khó có thể hình thành ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay.

Đối chiếu với Việt Nam, ông đánh giá, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp điện tử, song vào cùng thời điểm ban hành, Nhà nước lại chưa đảm bảo được nguồn lực tài chính để thực hiện. Trong khi đó, quá trình ban hành chính sách lại thiếu sự tham gia thực chất của các DN. Cuối cùng là các chính sách ban hành đôi khi còn quá ôm đồm và tham vọng.

Từ các quan sát trên, chuyên gia Hàn Quốc đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam, bao gồm phát triển thương hiệu quốc gia; mở rộng kế hoạch hợp tác với các DN FDI; mua công nghệ nước ngoài, nới lỏng điều kiện cho vay của các quỹ hỗ trợ DN; phát triển ngành công nghiệp vật liệu… Đồng thời, điều kiện tiên quyết là chính sách phát triển ngành này phải chi tiết và có tầm nhìn dài hạn.

Lắng nghe các khuyến nghị từ phía Hàn Quốc, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ đầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, do các chính sách về ngành này mới thực sự hình thành từ năm 2010. Chưa kể với ngành còn non trẻ trong nước, khó khăn còn lớn hơn gấp bội trước các xu hướng hội nhập.

Hiện nay Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn trong ngành viễn thông như Viettel, FPT. Chính các tập đoàn này cũng đã sản xuất sản phẩm điện thoại di động nhưng phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy nếu chỉ dừng lại ở các chính sách chung như hiện nay thì rất khó áp dụng thực tiễn. Bà Bình cho rằng, phải có biện pháp mạnh hơn nữa để DN như Viettel đủ năng lực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng nội địa hoá cao hơn.

Trước thực tế này, bà Bình kết luận, ngành công nghiệp điện tử trong nước có phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào các chính sách và sự khuyến khích của Chính phủ. Song trước mắt để phát triển được ngành này, cơ quan hoạch định chính sách sẽ phải trả lời được câu hỏi Việt Nam cần phải ưu tiên phát triển sản phẩm gì trong 10-20 năm tới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/loay-hoay-tim-san-pham-chu-luc-60991.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.