Gỡ rối kinh doanh khí hoá lỏng

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí hoá lỏng đã bỏ đi nhiều quy định “bức tử” DN kinh doanh gas.
Giá gas giảm nhẹ trở lại 375 đồng/kg từ 1/3/2017
Giá bán khí hóa lỏng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước

Nhận diện bất cập

Một cách thẳng thắn, Bộ Công Thương đã chỉ ra rất nhiều bất cập của Nghị định 19, xoay quanh các vấn đề về điều kiện kinh doanh của thương nhân kinh doanh khí; về thiết lập hệ thống phân phối; các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí; về thủ tục hành chính.

Gỡ rối kinh doanh khí hoá lỏng
Các DNNVV có cơ hội quay trở lại thị trường

Theo đó, Nghị định 19 yêu cầu các DN kinh doanh gas phải có số vỏ bình, bồn chứa đáp ứng tiêu chuẩn là quá lớn và quá khả năng đáp ứng của DN, gây khó khăn cho thương nhân trong quá trình tiếp cận đầu tư và duy trì điều kiện kinh doanh. Với quy định bắt các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí sở hữu cầu cảng, Bộ Công Thương nhận định là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, chưa phù hợp với tinh thần của Luật DN.

Mặt khác, quy định này buộc các DN phải đầu tư rất lớn để xây dựng cầu cảng thuộc sở hữu của mình để tuân thủ các điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, gây khó khăn và lãng phí cho DN trong quá trình kinh doanh.

Ngoài ra, quy định trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí phải thuộc sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối khí cũng vô hình trung buộc các trạm này phải thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối. Hệ quả là các trạm đã tồn tại độc lập, kinh doanh hợp pháp buộc phải phá sản hoặc mua bán, sáp nhập cho các thương nhân đầu mối.

Liên quan đến vấn đề thiết lập hệ thống phân phối, Nghị định 19 quy định phân phối khí (LPG) thông qua thương nhân phân phối rồi đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ LPG chai. Với quy định này, hệ thống phân phối sẽ tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho DN, làm tăng chi phí duy trì bộ máy, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Mặt khác, việc phải qua nhiều tầng lớp phân phối sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là phát sinh thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện, tiếp tục gây thêm khó khăn và lãng phí cho DN khi tham gia kinh doanh.

Đánh giá tác động chính sách, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho hay, đúng là Nghị định 19 về kinh doanh khí chứa đựng nhiều quy định bất hợp lý. Nhận thấy những bất cập này, ông cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19 của Bộ Công Thương đã được soạn thảo theo hướng bãi bỏ các điều kiện nói trên, đồng thời bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.

Những vướng mắc còn sót lại

Đại diện ý kiến của cộng đồng DNNVV tỉnh Hà Giang, ông Hà Ngọc Pha, Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng cho biết, dù dự thảo nghị định đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, song vẫn còn một số điều khoản gây khó khăn cho các DNNVV. Đơn cử như quy định gửi đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tới Bộ Công Thương.

Ông Tùng lý giải, các tổng đại lý, đại lý chỉ thực hiện mua bán hàng hoá mà không có thương hiệu riêng, không có vỏ ga thuộc sở hữu, do đó họ chỉ dùng nhãn hàng hoá của các đơn vị khác gửi về bộ. Ông cũng cho rằng, để thuận tiện cho quản lý nhà nước thì chỉ cần gửi về Sở Công Thương các tỉnh.

Ngoài ra, quy định về tập huấn và đảm bảo 100% nhân viên kinh doanh khí gas phải có chứng nhận đã qua đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ cũng là chưa phù hợp. Ông kiến nghị, chỉ nên quy định những bộ phận trực tiếp, nhân viên làm trực tiếp hay lãnh đạo quản lý phải đảm bảo có chứng nhận. Đồng thời, cần nêu rõ đơn vị có thể tự tổ chức việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên hay không, và huấn luyện an toàn nội dung gì để DN có thể biên soạn đề cương huấn luyện.

Ông Trần Trọng Hữu, Tổng thư ký, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho biết, các quy định hiện hành về kinh doanh khí còn tồn tại sự chồng chéo liên quan tới điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ... gây ra cạnh tranh bất bình đẳng. Ông nhấn mạnh đây là điều mà các quy định pháp luật cần siết chặt để bảo vệ các DN làm ăn chân chính.

Không đứng về phía ủng hộ sự thay đổi của Nghị định 19, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc CTCP dầu khí EPIC Nghệ An than phiền rằng việc sửa đổi này sẽ gây thiệt thòi cho nhiều DN đã đầu tư bài bản để chấp hành các quy định trong Nghị định 19.

Ông lý giải, các DN đã bỏ chi phí đầu tư lớn sắp tới sẽ phải bán ra sản phẩm với giá thành cao hơn, gây ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng. Chưa kể, nếu nới lỏng các quy định của Nghị định 19 thì thị trường ga sẽ tiếp tục hỗn loạn, và người tiêu dùng cùng với các DN đầu tư bài bản sẽ chịu thiệt trước tiên.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, ban soạn thảo sẽ cân nhắc và điều chỉnh dự thảo sao cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chính đáng của DN.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/go-roi-kinh-doanh-khi-hoa-long-60739.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.