![]() | Cụm liên kết ngành: Điểm tựa công nghiệp hoá |
![]() | Lầm tưởng về thành tích công nghiệp hoá |
![]() | CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn: Cần những đột phá để phát triển bền vững |
GS. Trần Văn Thọ cho biết, nhìn vào một số chỉ tiêu cơ bản có thể thấy công nghiệp hóa đã tiến triển một bước đáng kể. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng từ 14% năm 1992 lên gần 20% những năm gần đây. Đặc biệt cơ cấu xuất khẩu chuyển rất nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Tỷ lệ của hàng công nghiệp chỉ có khoảng 20% vào năm 1992, nhưng đã tăng lên trên 70% vào năm 2015.
Trong nội bộ hàng công nghiệp cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Cho đến khoảng năm 2005, hàng công nghiệp nhẹ như may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ chế biến đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, nhưng sau đó, máy móc các loại như hàng điện tử, máy in, máy nổ dần dần chiếm ưu thế. Các loại hàng này chỉ chiếm 8% trong tổng xuất khẩu vào năm 2000, nhưng đã tăng lên 32% năm 2014 (trong thời gian đó công nghiệp nhẹ không thay đổi, với tỷ lệ 24%).
![]() |
Từ năm 1997 đến 2014, giá trị thực chất của sản lượng công nghiệp Việt Nam tăng trung bình 7,7%/năm, so với 2,2% của trung bình thế giới |
“Công nghiệp hóa của Việt Nam tiến hành nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1997 đến 2014, giá trị thực chất của sản lượng công nghiệp Việt Nam tăng trung bình 7,7%/năm, so với 2,2% của trung bình thế giới. Con số tương ứng của các nước ASEAN khác là từ 4 đến 6%, do đó thị phần của nước ta trong tổng sản lượng công nghiệp của thế giới đã tăng từ 0,03% năm 1991 lên 0,2% năm 2014”, GS. Trần Văn Thọ nói.
Tuy nhiên, xét về chất và một số mặt khác, GS. Thọ cho rằng, Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ như những nước ở vào giai đoạn tương tự và chưa tạo dựng được một nền công nghiệp có yếu tố nội lực vững chắc. Bên cạnh đó, với quy mô dân số lớn và nguồn lao động dồi dào, Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai công nghiệp hóa theo bề rộng và bề sâu.
Để khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua và để đối phó với những thách thức mới, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, với một lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh được hiện tượng bước vào thời đại hậu công nghiệp quá sớm.
Về diện rộng, hai lĩnh vực cần chú trọng là các loại máy móc như xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, computer, camera... và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú. Trên chuỗi cung ứng toàn cầu và tại khu vực châu Á, hiện nay chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam mới ở dạng thấp hoặc trung bình.
Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. “Đó là kết quả của chuyến đi điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng 8/2016. Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi... để biết cần làm thế nào để khuyến khích họ mở rộng và nâng cao diện sản xuất tại nước ta”, ông Thọ nói.
Công nghiệp thực phẩm cũng là một mảng thị trường quan trọng. Nhu cầu thực phẩm chất lượng cao trên thị trường thế giới đang và sẽ tăng. Chỉ riêng ở châu Á đã có khoảng 500 triệu dân có thu nhập 5.000 USD trở lên, tạo ra thị trường rất lớn về thực phẩm chất lượng cao, nhất là thực phẩm và nước uống bảo đảm an toàn vệ sinh. Việt Nam cần liên kết với các công ty uy tín ở nước ngoài để du nhập công nghệ chế biến, kỹ thuật quản lý, bảo quản và chuyên chở. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn.
Việc thâm sâu (deepening) quá trình công nghiệp hóa cũng quan trọng. Đây là quá trình mở rộng sản xuất hàng công nghiệp theo chiều dọc, xuất phát từ sản phẩm lắp ráp, chế biến, tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị gia tăng và tạo thêm công ăn việc làm. Việt Nam có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới về các ngành may mặc và sản phẩm điện tử, nhưng đồng thời ngày càng nhập siêu vải, sợi và linh kiện điện tử là những sản phẩm trung gian của các mặt hàng đó.
Xúc tiến thay thế nhập khẩu các mặt hàng trung gian này sẽ làm thâm sâu quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, nếu môi trường đầu tư thông thoáng, DN trong và ngoài nước sẽ phát hiện nhiều lĩnh vực có tiềm năng khác.
Cùng với đó, cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng kinh tế trong nước ngày càng vững mạnh. Mũi đột phá là cải cách hành chính, là cơ chế tuyển chọn đội ngũ quan chức, là hoàn thiện các thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động.
Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình thấp. Để kinh tế trong nước phát triển, DN nhà nước và DN tư nhân phải được bình đẳng trong việc tiếp cận vốn và các nguồn lực khác và được khuyến khích nỗ lực trở thành những thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Một vấn đề nữa là rà soát và lập lại chiến lược hội nhập. Song song với việc mở cửa thị trường trong các cam kết về tự do mậu dịch, phải có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Với FDI, cần thay đổi chiến lược tiếp nhận và tiếp cận với công nghệ của thế giới. Chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chuyển dịch sản phẩm lên cao hơn trên chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp chủ đạo.
Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với DN bản xứ và ưu tiên kêu gọi FDI từ những công ty có uy tín trên thế giới về thanh danh, về công nghệ. Những công ty đó cũng đã xác lập văn hóa kinh doanh và luôn giữ thanh danh của mình sẽ bảo vệ môi trường và tuân thủ luật pháp của nước họ đến đầu tư. Đối với DN trong nước, cả quốc doanh và tư nhân, cần khuyến khích tiếp thu nhiều hơn công nghệ qua hợp đồng để đổi mới công nghệ nhưng đi kèm với cơ chế kiểm tra trách nhiệm của DN nhà nước để tránh lãng phí.
Song song đó, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi. Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng với nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ. Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ như đại học, kể cả đại học tư, có khả năng đáp ứng nhu cầu mới đó, GS. Thọ khuyến nghị?
GS. kinh tế Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, chính sách của Việt Nam bây giờ không phải chỉ tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của DN, mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho kinh tế trong nước cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-nghiep-hoa-con-nhieu-du-dia-va-phai-tan-dung-triet-de-60519.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.