Hỗ trợ khởi nghiệp tới đâu?

Hỗ trợ khởi nghiệp là bài toán không đơn giản đối với Việt Nam xét từ gốc độ của chính sách tiền tệ
Hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển
Liên kết hỗ trợ khởi nghiệp
Thành lập Quỹ sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mekong

Phong trào khởi nghiệp (Startup) đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên cả nước, rất nhiều học sinh, sinh viên đã bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong các doanh nghiệp dựa trên cơ sở sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khởi nghiệp là một quá trình vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.

Để thành công trước hết phải có một ý tưởng đúng đắn xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đi kèm với kế hoạch cụ thể để triển khai ý tưởng đó. Tiếp đó là sự đam mê, phát huy được kỹ năng nổi trội của bản thân và quan trọng hơn là phải thiết lập được một nhóm phù hợp.

Hỗ trợ khởi nghiệp tới đâu?
Ảnh minh họa

Thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án khởi nghiệp thất bại do mâu thuẫn nhóm. Ngoài yếu tố cần thiết từ bản thân, còn cần có nguồn vốn và một môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với cơ sở hạ tầng đạt tới chuẩn mực tiên tiến của ASEAN và thế giới thì lúc đó nó mới có thể làm bệ đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này, trong 3 năm đầu tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp nhỏ ở mức 68%, còn đối với startup chỉ khoảng 8%.

Từ thực tế này cho thấy hỗ trợ khởi nghiệp là bài toán không đơn giản đối với Việt Nam xét từ gốc độ của chính sách tiền tệ. Đặc điểm của startup là rủi ro lớn, vì vậy, có 2 vấn đề đặt ra đối với chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ này:

Một là, vấn đề kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát của Việt Nam năm 2015, 2016 đã được kiểm soát ở mức thấp, sát với mục tiêu đề ra, song áp lực lạm phát chưa giảm, vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Do vậy chính sách tiền tệ vẫn luôn phải coi kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong năm 2017 và những năm tiếp theo, việc hỗ trợ này không được phép vượt qua mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo đó đòi hỏi việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng phải nằm trong phạm vi cung ứng tiền hàng năm phù hợp với mức lạm phát mục tiêu, nên cần có giới hạn cho vấn đề này.

Hai là, ổn định hệ thống NH được xác định ở nhiều yếu tố khác nhau, song hiệu quả đầu tư tín dụng là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay hệ thống NH vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, năm 2017 tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu phát sinh của những năm trước và mục tiêu đặt ra là không để phát sinh nợ xấu mới, đảm bảo nợ quá hạn khoảng 2-3% tổng dư nợ.

Như vậy, có nghĩa đồng vốn đầu tư cho doanh nghiệp phải có hiệu quả, phải thu hồi được vốn và lãi. Với bản chất của khởi nghiệp như trên đã trình bày, yếu tố rủi ro là rất lớn, nhất là trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên trên thực tế, chính sách tiền tệ của NHNN cũng có những động thái hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp. Như: việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định tỷ giá và từng bước hạ thấp mặt bằng lãi suất trong năm 2016 và định hướng 2017 sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, một số NHTM cũng đã chủ động tìm hiểu đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, để chính sách tiền tệ hỗ trợ tốt doanh nghiệp khởi nghiệp giảm rủi ro ở mức thấp nhất, thiết nghĩ, rất cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng từ các quỹ bảo lãnh tín dụng và vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ này là rất quan trọng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-tro-khoi-nghiep-toi-dau-60157.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.