Việt Nam - AIIB: Cơ hội hợp tác rộng mở

Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch AIIB được xem là có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – AIIB, mở đường cho việc hiện thực hóa các hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp Chủ tịch AIIB
AIIB muốn tham gia đầu tư phát triển hạ tầng TP.HCM
AIIB xúc tiến hợp tác đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn

Sẵn sàng cho hợp tác sâu rộng

Từ ngày 4-8/3/2017, Đoàn lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do ông Kim Lập Quần, Chủ tịch AIIB dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, gặp Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc NHNN, các Bộ trưởng/lãnh đạo Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ GT-VT và đi thăm thực địa một số dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam - AIIB: Cơ hội hợp tác rộng mở
Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp Chủ tịch AIIB

AIIB được thành lập với một sứ mệnh quan trọng là thúc đẩy phát triển và kết nối CSHT trong khu vực châu Á, coi đó là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững tại các nước thành viên. Mục đích và tôn chỉ hoạt động của AIIB cũng rất phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi (theo đó, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường). Do đó, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác khăng khít với AIIB và sẽ tiếp tục tham gia AIIB với tư cách là đối tác tin cậy và có trách nhiệm.

Tại buổi tiếp Chủ tịch AIIB chiều ngày 7/3/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao thiện chí và sự quan tâm của Ban lãnh đạo AIIB đến việc hỗ trợ phát triển CSHT tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao nỗ lực Ban lãnh đạo AIIB trong việc đưa AIIB sớm đi vào hoạt động với vị thế là một trong những tổ chức tài chính quốc tế lớn của khu vực, có mục đích tôn chỉ đem lại sự thịnh vượng cho châu Á thông qua đầu tư và kết nối CSHT. “Chúng tôi tin rằng với cơ chế làm việc hiện đại, minh bạch và các tiêu chí, nguyên tắc hoạt động rõ ràng, AIIB sẽ hoạt động rất hiệu quả”, Thống đốc nói.

Tại buổi tiếp kiến Chủ tịch AIIB chiều ngày 7/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao chuyến thăm của ông Kim Lập Quần tới Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng, chuyến thăm sẽ mở đường cho quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa AIIB và Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh về tính linh hoạt trong cơ chế tài trợ của AIIB, đặc biệt là cơ chế tạo điều kiện cho khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư CSHT mà không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ, xem đây là một trong những cách thức giúp tháo gỡ vấn đề nợ công.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của NHNN trong đại diện cho Việt Nam tại các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có AIIB và Chính phủ tiếp tục giao cho NHNN là đại diện tại AIIB, tin tưởng đây sẽ là cầu nối hiệu quả trong việc thúc đẩy tham gia của AIIB trong hỗ trợ Việt Nam đầu tư CSHT.

Là một định chế tài chính lớn và mới chính thức đi vào hoạt động trong vòng chưa đến 2 năm nhưng AIIB đã hoàn thiện được tất cả cơ chế, chính sách, đồng thời đã bắt đầu cung cấp các khoản vay đầu tiên. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ và cho thấy, AIIB đã chuẩn bị tốt năng lực và nguồn lực cần thiết để có thể hoạt động mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần hàng chục tỷ USD mỗi năm để đầu tư mới và nâng cấp CSHT. Trong điều kiện nguồn lực công có những hạn chế nhất định, các nguồn ODA trong thời gian tới cũng trở nên eo hẹp hơn do Việt Nam đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình nên việc hợp tác với các đối tác như AIIB - tổ chức tài chính chuyên về đầu tư phát triển CSHT trong khu vực – được xem là hết sức quý báu.

Khuyến khích tư nhân tham gia

Chia sẻ tại cuộc gặp, Thống đốc cho biết, quan điểm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam là mặc dù phải tiếp tục xử lý tốt hơn, hiệu quả hơn vấn đề nợ công và đầu tư công nhưng nhu cầu đầu tư CSHT cũng hết sức cần thiết. Do đó, điểm quan trọng đầu tiên là phải có một cơ chế chính sách phù hợp để có thể kết hợp giữa các nguồn lực của đầu tư công và nguồn lực từ các nhà tài trợ cũng như khu vực tư nhân.

Việt Nam - AIIB: Cơ hội hợp tác rộng mở
Việt Nam cần hàng chục tỷ USD mỗi năm để đầu tư mới và nâng cấp CSHT

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư rất lớn, cần xác định thứ tự ưu tiên, lựa chọn những dự án thực sự có tác động lan tỏa, kết nối kinh tế trong khu vực cũng như trong nội địa Việt Nam để đầu tư. Việc lựa chọn dự án đầu tư cũng cần được sàng lọc kỹ và cần có lộ trình cụ thể trong quy hoạch đầu tư tổng thể về CSHT gắn với năng lực trả nợ của quốc gia và việc chia sẻ gánh nặng nợ giữa ngân sách địa phương với ngân sách TW.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản giao NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan của Việt Nam nghiên cứu đề xuất danh mục dự án vay vốn AIIB. Theo đó, các bộ, ngành của Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng để lựa chọn các dự án CSHT có tính ưu tiên và giá trị xã hội cao để đề xuất vay vốn AIIB.

Ông Kim Lập Quần cho rằng, việc quản lý nợ công bền vững là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là đầu tư nguồn lực công phải đúng chỗ để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí. “Nếu muốn duy trì phát triển thì vẫn phải đẩy mạnh đầu tư CSHT, nhất là các CSHT có lộ trình thu phí ổn định để đảm bảo hoàn trả vốn đầu tư. Nếu đầu tư hiệu quả vào CSHT sẽ giúp cho Việt Nam có hoạt động giao thương và liên kết kinh tế tốt hơn, giúp quy mô kinh tế phát triển và bền vững hơn thì ngưỡng nợ công sẽ không phải là một trở ngại lớn” – ông nói.

Việt Nam cũng giống như nhiều nước đang phát triển, việc chỉ có nguồn lực từ đầu tư công sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển CSHT nên cần có khuôn khổ chính sách để kêu gọi những nguồn lực đầu tư tư nhân. Trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến việc kêu gọi, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển CSHT tại Việt Nam.

Trong khi đó, một trong những ưu tiên trong hoạt động của AIIB là hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển CSHT và trên thực tế ngay trong năm đầu đi vào hoạt động vừa qua, AIIB đã có những dự án tài trợ cho khu vực tư nhân mà không yêu cầu bảo lãnh chính phủ ở một số nước thành viên.

AIIB chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 31/3/2015 với 57 thành viên sáng lập tiềm năng. Tính đến tháng 12/2016, có thêm 30 nước thể hiện mong muốn/quan tâm gia nhập AIIB và đến tháng 2/2017, đã có 13 đơn chính thức xin gia nhập AIIB (gồm 5 nước trong khu vực và 8 nước ngoài khu vực).

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, AIIB đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý, tính đến ngày 21/12/2016, AIIB đã cho vay 1,73 tỷ USD cho 9 dự án/chương trình dưới hình thức đồng tài trợ (với WB, ADB, EIB và các đối tác khác) và tài trợ trực tiếp cho cả khu vực công và tư nhân.

Trong giai đoạn 2017-2018, AIIB đã tiếp nhận đề nghị và sẽ xem xét tài trợ cho 18 dự án khác với tổng trị giá tài trợ của riêng AIIB gần 3,25 tỷ USD, trong đó có 13 dự án đồng tài trợ và 5 dự án AIIB tài trợ độc lập tại 8 quốc gia thành viên tại Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Do đó, việc hợp tác giữa AIIB với khu vực tư nhân ở Việt Nam trong đầu tư phát triển CSHT cũng là một kênh tích cực và Việt Nam mong muốn, AIIB sẽ sớm có những định hướng, chính sách cụ thể trong vấn đề này.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch AIIB cho biết, AIIB sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp tài chính dưới các hình thức đa dạng, linh hoạt để giúp phát triển CSHT tại Việt Nam với mức vay ưu đãi tương đương hoặc tốt hơn so với các nguồn vay tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế khác, không chỉ dưới hình thức tài trợ chính phủ, cho vay hợp vốn với các nhà tài trợ khác mà còn có thể tài trợ trực tiếp cho khu vực tư nhân để phát triển CSHT, dù có hoặc không có bảo lãnh chính phủ. “Điều mà AIIB mong muốn để một cơ chế hợp tác như vậy phát triển là một môi trường ổn định về cơ chế chính sách tại Việt Nam” – Chủ tịch AIIB nhấn mạnh.

Tại cuộc gặp và làm việc này, NHNN khuyến nghị AIIB trong giai đoạn đầu hợp tác, có thể xem xét tìm các dự án đồng tài trợ với các đối tác khác như WB, ADB… - là những nhà tài trợ có kinh nghiệm và đã rất am hiểu về các quy trình, thủ tục thực hiện tài trợ ở Việt Nam – để thuận tiện và đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn tài trợ. Được biết, AIIB đang có những thảo luận với WB về khả năng đồng tài trợ một số dự án tại Việt Nam. Đây là những động thái tích cực và kỳ vọng, những dự án cụ thể sẽ được “gọi tên” trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong thời gian thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh – đơn vị đầu tàu kinh tế cả nước và là địa phương có nhu cầu rất lớn về đầu tư CSHT - phái đoàn AIIB bày tỏ ấn tượng về các kế hoạch, dự án phát triển CSHT tại đây.

Qua buổi làm việc và đi thăm một số dự án do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển CSHT Cửu Long (CIPM) thuộc Bộ GT-VT thực hiện, CIPM đã đề xuất và được AIIB đồng ý về nguyên tắc sẽ xem xét tài trợ cho 2 dự án (Dự án xây dựng công trình tuyến Mỹ An – Cao Lãnh và Dự án xây dựng đường Vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh các đoạn Bến Lức - QL22 – Bình Chuẩn).

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-aiib-co-hoi-hop-tac-rong-mo-60150.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.