Tài chính cho nông thôn là đúng hướng và cần thiết

Đó là quan điểm được ông Eiichi Sasaki, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) APEC tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa qua.
Càng nhiều thách thức, càng cần hợp tác và đồng lòng
Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc NHTW APEC 2017
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC Việt Nam 2017 thu hút gần 1000 đại biểu
Tài chính cho nông thôn là đúng hướng và cần thiết
Ông Eiichi Sasaki

Tham gia sự kiện APEC lần này, cá nhân ông và ADB quan tâm nhất đến những vấn đề gì?

ADB cũng như cá nhân tôi quan tâm các vấn đề liên quan đến sự phát triển của hệ thống tài chính các nước thành viên. Với hệ thống tài chính của Việt Nam, chúng tôi quan tâm cụ thể đến 3 lĩnh vực: Sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng; Ổn định tài chính; Và vấn đề thúc đẩy tài chính toàn diện.

Nhiều năm qua, ADB và cá nhân tôi đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam thông qua NHNN triển khai nhiều chương trình tín dụng và dự án hỗ trợ kỹ thuật, góp phần giúp Việt Nam triển khai có hiệu quả 3 nội dung trên. Đối với cá nhân tôi, NHNN là một đối tác tích cực, đáng tin cậy, đã và đang điều hành, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của ADB cho khu vực tài chính - ngân hàng.

Là chuyên gia cao cấp của ADB về lĩnh vực tài chính, ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam lựa chọn chủ đề “Tài chính toàn diện” là một trong các chủ đề thảo luận của APEC?

Theo tôi, lý do chính là vì tài chính toàn diện ở Việt Nam còn mới mẻ, tỷ lệ bao phủ phổ cập tài chính còn thấp và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành ở nông thôn tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, hay có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn rất thấp.

Do đó, dù Việt Nam đã có những phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 2-3 thập kỷ qua nhưng tài chính toàn diện vẫn còn ở mức rất khiêm tốn và còn rất nhiều dư địa để phát triển, làm sâu sắc hơn.

Nội dung trọng tâm trong chủ đề “Tài chính toàn diện” là tài chính cho nông nghiệp nông thôn. Đây có phải là lựa chọn tốt không, thưa ông?

Tài chính toàn diện được quốc tế xem là một trong những công cụ hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững, do vậy cần được thúc đẩy phát triển ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Khi người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ tài chính họ sẽ có được cơ hội tốt hơn trong gia tăng thu nhập cũng như để phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, do đặc thù xuất phát điểm là nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và đa số dân cư sinh sống ở vùng nông thôn, nhiều năm qua phát triển không đồng đều và hiệu quả, thường xuyên chịu nhiều rủi ro trước thảm hoạ tự nhiên, và với định hướng gần đây của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả về kinh tế và bền vững thì việc NHNN lựa chọn chủ đề “phát triển thị trường tài chính nhằm hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp nông thôn” là chủ đề chính trong hợp tác về tài chính toàn diện xuyên suốt cả năm APEC 2017 là đúng hướng và rất cần thiết.

Kỳ vọng và dự báo của ông về tương lai hợp tác giữa ADB cũng như các đối tác phát triển khác với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy chiến lược phát triển tài chính toàn diện này như thế nào?

Ngay từ những năm 2000, ADB đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy phát triển tài chính vi mô (TCVM). Như vậy, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này từ 17 năm qua. Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cũng đã hỗ trợ các tổ chức TCVM thông qua việc nâng cấp các tổ chức này để phục vụ người dân tốt hơn.

Giờ đây, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới và chiến lược tài chính toàn diện sẽ không chỉ hỗ trợ các tổ chức TCVM mà còn khuyến khích các NHTM để họ đi vào những phân khúc thị trường cụ thể. Như vậy thì quan hệ đối tác lúc này với Chính phủ Việt Nam cũng sẽ được tăng cường và chúng tôi đang tập trung vào xây dựng chiến lược, cải thiện khung pháp lý liên quan cho các tổ chức TCVM, bảo hiểm vi mô cũng như tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính cơ sở.

Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy tầm quan trọng của giáo dục tài chính và bảo vệ tài chính người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy tài chính toàn diện dựa trên các kinh nghiệm mà chúng tôi có được khi hỗ trợ các nước khác.

Trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Là người có những nghiên cứu sâu về vấn đề này, xin ông cho biết quan điểm của mình?

Bảo hiểm nông nghiệp là một trong những chính sách ưu tiên ở nhiều nước nhằm tạo ra một công cụ dự phòng rủi ro ưu việt trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tác động trực tiếp từ thiên tai, biến đổi khí hậu nhưng dự phòng rủi ro của người nông dân lại mỏng… Các dịch vụ bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nông nghiệp hiện nay ở các nước rất đa dạng, có thể do khu vực công hoặc khu vực tư nhân cung cấp.

Các sản phẩm do khu vực công cung cấp có hạn chế về các mặt như chi phí cao, trình độ quản lý thấp, tỷ lệ thất thoát cũng tương đối cao. Còn đối với sản phẩm do khu vực tư nhân lại thường bị giới hạn bởi các sản phẩm trực tiếp áp dụng cho các thiệt hại thực tế xảy ra.

Tôi cho rằng, rào cản chính đối với sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp hiện nay là một mặt chúng ta vẫn thiếu các chuyên gia xây dựng hệ thống bảo hiểm lành mạnh, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng để thu thập và công bố các số liệu đáng tin cậy về biến động khí hậu trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người nông dân cũng chưa, hoặc thiếu kiến thức, hiểu biết về bảo hiểm và nhu cầu đối với bảo hiểm nông nghiệp.

Vậy các khuyến nghị chính sách lớn của ông là gì?

Theo tôi, các nước cần đưa bảo hiểm nông nghiệp trở thành một cấu phần chính của chính sách phát triển nông thôn và tài chính toàn diện để hướng tới quản lý rủi ro bền vững. Đồng thời, cần xây dựng các sản phẩm tài chính mới và các kênh cung cấp các sản phẩm tài chính mới kết hợp với công tác giáo dục tài chính, xây dựng và triển khai chiến lược bảo vệ người tiêu dùng phục vụ cho bảo hiểm nông nghiệp.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp tác công tư theo hướng Chính phủ đóng vai trò như một bên tái bảo hiểm, còn khu vực tư nhân sẽ tiến hành bảo hiểm trực tiếp cho người nông dân. Bởi vai trò tái bảo hiểm của Chính phủ sẽ tốt hơn là vai trò trợ cấp, trợ giá cho những khoản bảo hiểm mà người nông dân mua. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là, dù không phải là phương thuốc trị bách bệnh nhưng bảo hiểm nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất trọng yếu trong chiến lược quản lý rủi ro của nông gia.

Xin cảm ơn ông!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tai-chinh-cho-nong-thon-la-dung-huong-va-can-thiet-59917.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.