![]() | Ban hành chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam |
![]() | Ngành ô tô Việt và những lợi thế vô hình |
![]() | Lái hướng nào... ô tô Việt? |
Xe ô tô nhập khẩu đã và đang tăng nhanh về lượng, giảm mạnh về giá, các DN xuất khẩu ô tô tại Việt Nam như đang ngồi trên đống lửa, nhất là DN FDI. Đã có NĐT Nhật Bản mới đây đánh tiếng “tính chuyện rời Việt Nam”.
Xe nhập khẩu áp đảo
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 1/2017 cả nước nhập hơn 7.300 xe ô tô, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị kim ngạch nhập khẩu thấp hơn rất nhiều do giá xe nhập khẩu giảm.
Tính trung bình giá xe nhập về Việt Nam trong tháng 1/2017 khoảng 20.800 USD/chiếc (chưa tính thuế), giảm khoảng 4.500 USD/xe so với giá nhập 5.300 USD/chiếc hồi tháng 1/2016.
Theo số liệu thống kê nhập khẩu, xe giá rẻ từ các thị trường ASEAN và Ấn Độ đã chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập. Xe Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1/2017 là rẻ nhất trên thị trường, với giá trị chỉ khoảng 84 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm thuế. Còn xe nhập từ Indonesia có mức giá trung bình khoảng 440 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm thuế.
![]() |
NĐT vẫn ngóng thay đổi chính sách |
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2017, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng đến 233,8% so với tháng đầu tiên của năm 2016. Và chỉ trong 1 tháng đầu năm nay lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ này đã bằng 45% lượng nhập của cả năm 2016.
Nguyên nhân một phần là do từ ngày 1/1/2017, thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ khu vực ASEAN được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30% theo lộ trình cắt giảm thuế tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Và có khả năng lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường này sẽ còn tăng mạnh, nhất là từ đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0%. Cùng với lượng nhập khẩu tăng, giá bán lẻ ô tô từ ASEAN được tính toán giảm trên dưới 7% kể từ ngày 1/1/2017.
Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất trong nước đã có một tháng “đìu hiu”. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng đầu tiên của năm 2017, lượng xe bán ra của toàn thị trường đạt 20.232 xe, giảm 39% so với tháng cuối cùng của năm 2016 và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
NĐT vẫn chờ chính sách
Cùng với các cam kết hội nhập, giá ô tô nhập khẩu về Việt Nam đang hạ nhanh chóng, đe dọa đè bẹp các DN sản xuất trong nước.
Và, theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP. Hồ Chí Minh, xu hướng đầu tư của một số DN Nhật Bản sản xuất xe hơi tại Việt Nam thời gian tới có thể thay đổi. Cụ thể là họ có thể rút khỏi Việt Nam để chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia.
Ngoài ra, một số DN trong ngành sản xuất xe hơi đang có tâm lý muốn nhập xe từ các nước trong khu vực thay cho nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam vì lợi nhuận cao hơn. Hiện có 4 DN sản xuất ô tô của Nhật Bản đang đầu tư là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki.
Việc thay đổi xu hướng đầu tư được lý giải là do sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội cho biết, theo khảo sát của cơ quan này trong năm 2016, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đạt 34,2%, chỉ tăng 2,1 điểm % so với năm trước.
Tỷ lệ này cao hơn Philippines (31,6%) nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (68%), Thái Lan (57%), Indonesia (41%), Malaysia (37%). Xét chung trong 15 quốc gia được khảo sát, DN Nhật Bản đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chỉ phát triển hơn Myanmar, Lào và Campuchia.
Vậy là chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đang dang dở, hiện lại đứng trước nguy cơ bị lung lay khi một số nhà sản xuất lớn tính chuyện chuyển hướng kinh doanh.
Xét cụ thể hơn, Jetro đánh giá rằng không thấy sự thay đổi lớn trong tỷ lệ cung ứng tại DN nội địa Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ cung ứng từ các DN nội địa là 14,1% năm 2016, cũng chỉ tăng nhẹ so với năm 2015 là 13,2%, không có sự chênh lệch nhiều. So với các quốc gia khác, tỷ lệ “cung ứng từ DN nước ngoài khác” (không phải DN Việt Nam, Nhật Bản) còn cao.
Xét theo khoảng thời gian dài hơn, từ năm 2010 đến năm 2016, tức là sau 10 năm, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam chỉ tăng được 11,8%, được đánh giá là quá chậm chạp. Hiện có tới 64,8% DN Nhật Bản than phiền rằng khó tìm được nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Những lời than phiền này chỉ giảm nhẹ khoảng 0,4% so với 2015.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam khẳng định, NĐT nước ngoài vẫn đánh giá rằng thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt trong những năm tới đây khi mức thu nhập trung bình tăng lên, hạ tầng cải thiện.
Nhưng “thị trường tăng trưởng rơi vào ai?”, ông Tuấn đặt vấn đề. Theo vị này, nếu không cải thiện về chính sách thì thị trường sẽ rơi vào nhà nhập khẩu khi từ năm 2018 thuế nhập khẩu về 0%. Ông cũng cho biết, các nhà sản xuất như Toyota Việt Nam đang lo ngại làm thế nào để tồn tại. Thị trường sẽ tăng nhưng liệu có nên mở rộng đầu tư, sản xuất thêm không?
Ông khẳng định, Toyota muốn tăng sản xuất và nhiều DN cũng vậy, nhưng còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Đơn cử như năm 2017 phải thực thi quy định khí thải tiêu chuẩn Euro 4 nhưng hiện chưa có lộ trình cụ thể. Hiện các nhà sản xuất xăng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu, phải chờ 3 – 5 năm nữa, như vậy trước mắt sẽ phải nhập khẩu. Tuy nhiên cho đến nay chính sách trong nước vẫn được cụ thể hoá là khi nào nhập khẩu và cung cấp như thế nào. Các nhà sản xuất đã sẵn sàng cung cấp mẫu xe tương thích, nhưng nhiên liệu không có thì xe đó không thể vận hành hiệu quả.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-nghiep-o-to-viet-van-giam-chan-tai-cho-59714.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.