Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tự tin nhìn về phía trước
12:20 | 24/02/2017
Trong năm 2016, công tác dân chủ ở cơ sở (DCCS) trong ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) Ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện QCDC theo quy định của Trung ương và Ban Cán sự Đảng NHNN.
Từ nhiều điểm sáng
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC theo hệ thống Ngành, có quy chế tổ chức hoạt động riêng. Hàng năm, Ban đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức công tác kiểm tra thực hiện QCDC ở cơ sở, làm tốt công tác dân chủ trong quản trị, điều hành; tổ chức Hội nghị CBCC, Hội người lao động, bầu tổ đối thoại và Ban Thanh tra Nhân dân;
Làm tốt việc công khai, minh bạch các nội dung theo quy định về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động trong cơ quan, đơn vị, DN. Nhờ đó đã tạo bầu không khí đoàn kết, gắn bó, giải quyết kịp thời những kiến nghị, thắc mắc phát sinh, góp phần hạn chế và đẩy lùi tiêu cực, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
![]() |
Hội nghị công đoàn cơ sở trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh |
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam - Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Chính vì thế, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động đều được triển khai kịp thời, tạo sự đồng thuận đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Đặc biệt, năm 2016, nhiều hoạt động về công tác DCCS đã triển khai và đạt được kết quả tích cực. Điển hình là: Chỉ đạo tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 12-14, khóa XI đến các cấp ủy, chi bộ trong Ngành; quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”;
Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 25/7/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các tổ chức Đảng trong Ngành...
Cùng với đó, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của Ngành đã chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện QCDC ở cơ sở, việc thực hiện được triển khai nghiêm túc tại các cơ quan, đơn vị, DN trong Ngành, góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình công tác, nhiệm vụ chuyên môn chính của từng đơn vị.
Tiếp tục thực hiện tốt việc bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nữ của ngành Ngân hàng đã hiện diện ở hầu hết các vị trí lãnh đạo, quản lý trong Ngành, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước. Đội ngũ cán bộ nữ đã, đang và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng.
Song song, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của Ngành đã tổ chức kiểm tra một số đơn vị ở khu vực phía Bắc, phía Nam. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra tình hình thực hiện QCDC đã được Ban chỉ đạo các cấp quan tâm triển khai và tổ chức thực hiện. Đến nay, 100% đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC, 96,62% tổ chức Hội nghị người lao động, bầu Ban Thanh tra Nhân dân, Tổ đối thoại theo quy định.
Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Cấp ủy các cấp đã tích cực kiểm tra cấp ủy cấp dưới và làm tốt công tác tự kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng tại đơn vị. Nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện nghiêm trên các mặt công tác, vai trò của các đoàn thể được phát huy, đã góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết nhất trí; niềm tin của cán bộ, đảng viên và người lao động vào cấp ủy và lãnh đạo đơn vị tăng cao, tạo tiền đề và là cơ sở vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình.
Đảng bộ các cấp trong Ngành đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, đổi mới, sáng tạo của các ủy đảng và toàn thể đảng viên; không có vấn đề nổi cộm liên quan đến nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, vi phạm các quy định về DCCS.
Đặc biệt, thông qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể đã giữ vững danh hiệu Lá cờ đầu của hệ thống ngân hàng, nhiều cá nhân tiêu biểu, nhiều điển hình tiên tiến là những tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công việc; ý thức cao trong học tập, rèn luyện, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng, nhất là trong công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của nền kinh tế nước ta.
QCDC cũng đã giúp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc xem xét, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra Nhân dân của cơ quan, đơn vị; kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo cơ quan, tổ chức đã chú ý lắng nghe ý kiến phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức; sẵn sàng bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi khi có đề xuất.
Cùng với đó, đã nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định. Để tăng cường dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, những việc phải công khai đã được công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết...
Tới những quyết tâm
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện QCDC cũng vẫn còn những hạn chế nhất định như nội dung tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và Hội nghị người lao động theo quy định của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ở một số đơn vị, DN còn chậm, nhất là các NHTMCP ngoài nhà nước, ngân hàng nước ngoài.
Nhiều nơi, nhiều lúc còn nặng về hình thức mà chưa sâu sát đi vào thực chất vấn đề. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân còn có nơi chưa thực sự hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình việc thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của đơn vị chưa hoàn toàn bao quát được tình hình triển khai và kết quả thực hiện tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hạn chế tối đa được tình trạng sách nhiễu, cửa quyền, lạm dụng chức vụ quyền hạn, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở, tránh tình trạng đơn thư gửi vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.
Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” và Kết luận số 03-KL/TW ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X);
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo chuyên môn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN và thực hiện tốt sự phối hợp công tác giữa các cấp ủy Đảng với chuyên môn đồng cấp để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng và công tác xây dựng Đảng tại các đơn vị, DN;
Kịp thời, có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch của đơn vị, DN, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”...
Thanh Thuỷ