![]() | Gia hạn tiến độ thực hiện xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên |
![]() | Giám sát các dự án BOT: Bảo đảm hài hòa lợi ích |
![]() | Hút dự án công nghệ cao: Chính sách quyết định hiệu quả |
Đẩy nhanh việc triển khai dự án
Mới đây, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cùng các bên liên quan có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), liên quan đến dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, đại diện WB và ADB đã trình bày các nội dung quan tâm nghiên cứu về dự án; bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao hiệu quả dự án mang lại, cũng như thống nhất về kế hoạch nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án.
![]() |
Dự án di dời ga Đà Nẵng gặp khó do vấn đề kinh phí |
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị là những dự án có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP. Đà Nẵng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với các bộ, ngành có liên quan để đẩy nhanh việc triển khai dự án.
Đồng thời, ông Thơ mong muốn WB và ADB quan tâm hỗ trợ địa phương đẩy nhanh hơn nữa các công việc liên quan, rút ngắn thời gian nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án. Trước đó, ông Huỳnh Đức Thơ và các Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã nghe các sở, ban, ngành báo cáo về nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng do tư vấn quốc tế của WB thực hiện.
Được biết, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng bao gồm: Xây dựng mới 18,21km đường sắt và cải tạo 7 km đường sắt cũ; Xây dựng nhà ga khách mới ở Hòa Minh với diện tích hơn 43 ha; Xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới với diện tích 80 ha; Nâng cấp ga hàng Lệ Trạch với diện tích 9,6 ha; Xây dựng 1 cầu đường sắt vượt sông Cu Đê và 5 cầu đường bộ vượt đường sắt... Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.764 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cần khoảng 9.677 tỷ đồng để quy hoạch phát triển các đô thị tích hợp, hiện đại khu vực xung quanh nhà ga đường sắt mới; Tái phát triển các hành lang vận tải công cộng xanh trên các hành lang đường sắt cũ; Xây dựng các trục giao thông huyết mạch dọc theo hai bên tuyến đường sắt mới...
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, chỉ đạo cơ quan liên quan sớm triển khai các thủ tục để thực hiện di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.
Cần thiết di dời
Hiện, trên tuyến hành trình đường sắt Bắc - Nam, ga Đà Nẵng đang là nhà ga đặc biệt nhất. Bởi, tất cả nhà ga còn lại trên tuyến các chuyến tàu sẽ dừng lại trả khách, hàng hóa tại sân ga rồi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, tại ga Đà Nẵng các chuyến tàu phải chạy vào thành phố, đổi đầu tàu rồi kéo lui ra lại gần 8 km mới nhập vào hệ thống đường sắt Bắc - Nam mới tiếp tục được hành trình.
Ga Đà Nẵng hiện có diện tích hơn 44 nghìn m2, nằm lọt trong nội thị TP. Đà Nẵng. Điều này, gây nhiều cản trở giao thông, ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất về giao thông khi có nhiều tuyến phố cắt qua đường sắt, dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Với sự phát triển của đô thị Đà Nẵng khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không ngừng gia tăng.
Trong khi, nhiều hạng mục hạ tầng, dịch vụ đường sắt ở Đà Nẵng không thể phát triển do thiếu diện tích, khi nằm lọt thỏm giữa khu vực dân cư đông đúc. Do vậy, việc di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố đang trở nên bức thiết. Ông Nguyễn Tấn Phước, một người dân sống gần khu vực ga Đà Nẵng cho rằng, để phục vụ cho việc phát triển thành phố thì việc di dời nhà ga ra khỏi nội thành là điều hết sức cần thiết.
Nhiều người dân đã mong mỏi từ lâu. Tương tự, đại diện chính quyền thành phố ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc di dời ga đường sắt là rất cần thiết và thành phố đã chờ đợi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm từ lâu rồi.
Theo nhiều người việc di dời ga Đà Nẵng là một dự án lớn với nhiều mục tiêu quan trọng. Trước hết, di dời ga sẽ khắc phục hoàn toàn xung đột giữa đường sắt và giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với việc quy hoạch và xây dựng một nhà ga mới hiện đại, tiếp cận tốt nhiều loại hình giao thông sẽ kết nối thuận lợi với khu vực trung tâm thành phố.
Ngoài ra, đây là dự án nhằm tạo tiền đề để phát triển cảng Liên Chiểu, khi kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia; kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân để tạo động lực phát triển khu vực phía Tây và Tây Bắc TP. Đà Nẵng.
Trước đây, có 4 nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến dự án này gồm: Tập đoàn T&T, Công ty Nam Việt Á, Tập đoàn Vingroup và CTCP Tập đoàn Đức Long Bình. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng đề xuất đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lý do chưa thực hiện được dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm thành phố do vấn đề kinh phí.
Trong bối cảnh, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đầu tư cho đường sắt còn gặp rất nhiều khó khăn... Bởi vậy, với việc cùng quan tâm đến dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng của WB lẫn ADB có thể là một tín hiệu vui đối với cả chính quyền lẫn người dân địa phương.
Việc cùng quan tâm đến dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng của WB lẫn ADB có thể là một tín hiệu vui đối với cả chính quyền lẫn người dân địa phương. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/giai-phap-toi-uu-59370.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.