Liên kết giải cứu cây dược liệu

Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, nhiều loài dược liệu quý đã và đang hồi sinh, góp phần để người dân xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ cây dược liệu.
Tỏi đen: Nhân lên giá trị dược liệu quý từ thiên nhiên
Khai thác trái phép cây dược liệu

Quảng Nam địa phương có nhiều cây thuốc quý, không những có giá trị về y học mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn có hơn 832 loài dược liệu, thuộc 593 chi, 190 họ thực vật. Đặc biệt, trong đó có 36 loại cây thuốc hiện nằm trong “Sách Đỏ Việt Nam”. Có thể kể đến nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, ba kích, hoàng liên ô rô, ngân đằng, ngũ vị tử…

Liên kết giải cứu cây dược liệu
Quảng Nam địa phương có nhiều loài dược liệu quý

Dù phong phú về chủng loại, song nguồn tài nguyên dược liệu của địa phương từng đứng trước nguy cơ bị khai thác tận diệt. Nguyên nhân được cho là do thiếu quy hoạch bảo tồn, đặc biệt là vấn nạn khai thác trái phép khiến một số loài dược liệu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đơn cử như cây ươi, đây là loài có giá trị dược liệu rất cao, chữa nhiều bệnh như thoái hóa xương cột sống, đau lưng… Trái ươi có giá cao trên thị trường, mỗi kg dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng loại ươi còn tươi, giá hạt ươi khô khoảng 350 nghìn đồng, thậm chí có thời điểm lên đến 500 nghìn đồng/kg. Do giá trị cao nên nhiều người ồ ạt kéo vào các cánh rừng ở Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn… “hạ sát” cây ươi, thậm chí lấy cả trái non.

Tương tự, người dân địa phương cũng từng đổ xô về các huyện miền núi để đào tìm gốc rễ cây mật nhân, một loài dược liệu có nhiều giá trị kinh tế. Đặc biệt nan giải là việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, loài dược liệu quý hiếm nhất ở Quảng Nam. Việc khai thác, mua bán tràn lan chưa có quy hoạch phát triển khiến vùng sâm tự nhiên dần cạn kiệt, kéo theo hàng nghìn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề.

Bên cạnh việc khai thác trái phép, khai thác theo kiểu tận diệt, nhiều loài dược liệu quý hiếm ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt còn do việc sử dụng rừng và đất canh tác không hợp lý, việc bảo tồn giống còn nhiều khó khăn...

Để giải cứu nguồn dược liệu quý hiếm, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, nhằm bảo tồn chủ động nguồn gen, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu, đưa một số loài dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt.

Đồng thời, xây dựng một số loài thành cây hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong đó, vấn đề liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, DN và người dân để phát triển cây dược liệu rất được chú trọng.

Theo chuỗi liên kết này, Nhà nước tạo điều kiện cho DN với chính sách ưu đãi về đất đai, kêu gọi nhân dân tham gia bảo tồn, phát triển cây dược liệu. DN trực tiếp đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Nhà khoa học tại các trung tâm như: Trung tâm Sâm Ngọc Linh, Trung tâm Giống cây trồng nông lâm nghiệp tỉnh chủ động sản xuất cây giống cung ứng. Người nông dân được giao đất rừng, trực tiếp thực hiện việc sản xuất, chăm sóc cây dược liệu, yên tâm với đầu ra khi đã có DN đỡ đầu.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong liên kết phát triển cây dược liệu, người nông dân phải được ưu tiên số một. Phải giúp họ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu bằng việc trồng, chăm sóc cây dược liệu.

Trong khi đó, các DN nằm trong chuỗi liên kết phải tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, xem nông dân là đối tác. Cơ quan chức năng tích cực rà soát những vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, tạo đà để phát triển cây dược liệu. Trong thực tế, ở Quảng Nam tại một số địa phương miền núi như Nam Trà My hay Tây Giang, phát triển cây dược liệu được xem như con đường giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu cho nông dân.

Đơn cử, tại huyện Nam Trà My nhiều mô hình trồng dược liệu tập trung đã hình thành ở xã Trà Cang, Trà Linh... với hàng trăm ha đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, lan gấm, sơn tra. Toàn huyện có gần 30 điểm trồng sâm với khoảng 653 nghìn cây ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trại sâm giống Tắk Ngok hiện ươm được 20 nghìn cây sâm. Trại dược liệu Trà Linh có hơn 200 nghìn cây giống...

Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, nhiều loài dược liệu quý đã và đang hồi sinh, góp phần để người dân xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ cây dược liệu.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lien-ket-giai-cuu-cay-duoc-lieu-58994.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.