Nhìn từ giá trị gia tăng ngành điều

Ngành điều Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới là do chúng ta đã làm chủ được công nghệ chế biến. 
Ngành điều về đích sớm
Ngành điều vẫn phụ thuộc nhập khẩu
Ngành điều trước nguy cơ kép

Những chủ vườn điều ở Bình Phước chắc hẳn năm nay sẽ ăn Tết to. Giá điều tại thời điểm này lên đến 54 nghìn đồng/ký, tăng khoảng 35% so với hồi đầu năm 2016. “Giá thu mua hạt điều khô đã tăng rất mạnh và hiện đang đạt mức đỉnh cao, bởi nguồn cung nội địa khan hiếm, giá điều thô nhập khẩu ở mức cao trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khái quát bức tranh ngành điều trong năm 2016.

Chi tiết về xuất khẩu cũng khá thú vị, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả năm ngoái Việt Nam xuất bán được lượng hạt điều lên tới 347 nghìn tấn và thu về 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Nếu tính giá bình quân 11 tháng đầu năm 2016, hạt điều xuất khẩu đạt hơn 8,1 USD/kg, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn từ giá trị gia tăng ngành điều
Ảnh minh họa

Xuất khẩu chưa đầy 350 nghìn tấn, Việt Nam lại nhập khẩu điều nguyên liệu lên đến 1 triệu tấn. Đáng chú ý là giá trị nhập khẩu lại chỉ khoảng 1,6 tỷ USD, tức tương đương khoảng 1,6 USD/kg. Cho dù còn một lượng hao hụt trong quá trình chế biến, cũng như phải loại bỏ phụ phẩm… thì tương quan giữa giá nhập và giá xuất khẩu như trên vẫn cho thấy phần giá trị gia tăng ở trong nước là khá tốt.

Đứng vị trí số một về sản xuất và xuất khẩu điều, năm 2016 có lẽ là năm khá đột biến của ngành điều Việt Nam, khi giá rất ổn và xuất bán cũng khá. Nhưng đằng sau đó còn là một câu chuyện dài về thành công trong cải thiện năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị cho nông sản Việt.

Theo phân tích của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), lý do quan trọng khiến cho ngành điều Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới là do chúng ta đã làm chủ được công nghệ chế biến. Đây có lẽ là ngành duy nhất Việt Nam thậm chí có thể xuất khẩu được công nghệ. Thành công này thực tế chỉ mới đạt được trong chưa đầy một chục năm trở lại đây. Trước đó, hầu hết thiết bị công nghệ chế biến điều các DN trong nước đều phải nhập khẩu từ Ý, Trung Quốc, Ấn Độ…

Các liên kết giữa DN chế biến điều với các DN cơ khí đã từng bước tạo dựng được một “thương hiệu” về công nghệ chế biến điều của Việt Nam. Rất nhiều thiết bị trong ngành này, ở hầu hết các công đoạn chế biến từ phân loại, hấp, bóc tách cho đến sấy, bóc vỏ lụa… đều được đánh giá là tốt ngang bằng, hay hơn so với thiết bị nhập khẩu. Giờ đây, nhờ vào đổi mới công nghệ mà chi phí nhân công trong ngành điều giảm xuống và năng suất lao động tăng lên.

Tạo ra giá trị gia tăng nội địa lớn, làm chủ được công nghệ và có khả năng cạnh tranh cao, ngành điều đang là một hình mẫu đối với các loại nông sản khác, cho dù vẫn còn một số vấn đề phải giải quyết. Chẳng hạn như gạo, cà phê, cao su… đang duy trì ở tình trạng xuất thô, kéo theo đó là cuộc cạnh tranh giá giảm. Kết cục đang cho thấy thế bất lợi nghiêng về phía DN Việt. Ngay cả một số thị trường dễ tính trước đây thì giờ cũng đã quay ra kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, do lo ngại chuyện trộn hàng chất lượng kém, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm…

Nhìn rộng ra toàn bộ nền kinh tế, như nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tồn tại hiện nay vẫn là năng suất lao động thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém. Câu hỏi đặt ra là tại sao các ngành khác không thể đổi mới được như ngành điều? Cơ chế nào đang cản bước Việt Nam để có thể xây dựng được thương hiệu cho nông sản, khi mà rất nhiều hàng hóa đứng ở nhóm xuất khẩu hàng đầu trên thế giới?...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhin-tu-gia-tri-gia-tang-nganh-dieu-58429.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.