![]() | Đời ở trọ |
![]() | Cảnh giác bẫy làm thêm |
Quỳnh Trang (Nghệ An) chia sẻ, gia đình vốn khó khăn nên năm nào cũng thế, cứ thi xong học kỳ I là Trang lại kiếm việc để làm thêm, lúc thì đi phát tờ rơi, khi lại nhận việc bán hàng online, hay làm PG (Promotion Girl - nữ tiếp thị) cho các hãng thuốc lá… “Cứ có việc làm hợp lý là em nhận thôi! Năm vừa rồi chỉ riêng tháng Tết em làm 3 ca, mỗi ca hai tiếng mà cũng để dành được hơn chục triệu đồng để chơi tết và trả học phí môn ngoại ngữ nữa đấy”, Trang cho biết.
![]() |
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngày càng nhiều |
Anh Nguyễn Văn Quang - chủ một cửa hàng bánh kẹo tại Thanh Xuân, Hà Nội - cho biết, do công việc bán hàng thường rất chạy vào dịp cuối năm, do nhu cầu chi dùng Tết âm lịch tăng cao, nên năm nào cũng thế anh phải tuyển thêm từ 5 - 7 bạn sinh viên để phụ giúp.
“Tôi thích tuyển các nhóm sinh viên từ 3 - 5 người hơn, bởi nếu là nhóm các bạn đã quen nhau từ trước sẽ tự biết phân công, chia sẻ công việc, người này bận thì người khác làm thay ngay, mình không phải vướng bận gì”, anh Quang chia sẻ thêm.
Trên thực tế, cơ hội việc làm cho sinh viên ngày càng nhiều. Đặc biệt là tại thời điểm cuối năm như thế này, công việc dành cho các bạn sinh viên cũng khá đa dạng, như phục vụ tiệc, tiếp thị sản phẩm, gói quà tết, tư vấn hỗ trợ khách hàng, vận chuyển hàng hóa, tặng lịch, phát bao lì xì, bảo vệ, phụ việc nhà… Trong đó, khá nhiều công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng giao tiếp như giới thiệu sản phẩm, lễ tân…
Các kênh thông tin về tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho sinh viên cũng khá nhiều, như qua đoàn, hội ở nhà trường; thông qua bạn bè, người thân…Thậm chí, sinh viên có thể chủ động tìm đến và trao đổi với nhà tuyển dụng mà không cần phải qua môi giới, như wesite của các công ty, cửa hàng, các trang rao vặt có uy tín… Nếu chịu khó các bạn sinh viên có thể tìm được công việc phù hợp ngay từ chính các nhà tuyển dụng.
Xu hướng khi chọn việc làm thêm hiện nay của nhiều bạn sinh viên là chọn những công việc mà các bạn có thể chủ động thời gian để phù hợp với lịch nghỉ học, chọn ca. Một số công việc thực sự tạo hứng thú cho các bạn sinh viên như phát mẫu sản phẩm tại nhà dân, làm ông già Noel, chú gà trống đứng chào khách, khảo sát thị trường...
Sinh viên Nguyễn Thanh Thảo vừa tìm được việc để làm thêm dịp tết này chia sẻ: Làm thêm không chỉ giúp sinh viên như mình có thêm thu nhập mà quan trọng hơn thông qua làm thêm mình học hỏi được nhiều kỹ năng giao tiếp, va chạm xã hội… Có như thế khi ra trường và bước vào môi trường làm việc thực sự mới không bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sinh viên đi làm thêm cũng phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy, khó khăn. Bạn Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, lần đầu tiên đi xin việc, thấy có việc, lương chấp nhận được là mình nhận mà không để ý đến công việc, thời gian làm việc.
Thế nhưng nhận rồi mới thấy khó, bởi công việc không phù hợp với khả năng, làm không hiệu quả nên phải bỏ dở giữa chừng, bị trừ lương… Đấy là chưa kể nhiều bạn mình đi giúp việc nhà bị chủ nhà lật lọng, bạn gái bị ông chủ nhà “chọc ghẹo”, ngay lúc đó bà chủ nhà đi chợ về, thấy thế liền hô hoán ầm ĩ và gọi người đến đánh. Thế là mất việc, mất công ngày lao động vất vả...
Ngoài ra, có nhiều dịch vụ giới thiệu việc làm “trá hình” mà đã nhiều sinh viên bị dính bẫy. Thường các “trung tâm”, “văn phòng” giới thiệu việc làm cho đăng tải thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, tờ rơi dán tại các điểm chờ xe buýt, cột điện ở các ngã tư...
Hầu hết những quảng cáo này đều “ưu tiên” sinh viên, đồng thời hứa hẹn về mức lương cao chỉ trong một thời gian ngắn. Điểm chung của những mẩu tin này là không có thông tin, địa chỉ rõ ràng mà thông thường chỉ có số điện thoại liên hệ.
Sau khi gọi đến số điện thoại trên quảng cáo, các bạn sinh viên sẽ được chỉ dẫn đến “văn phòng” giới thiệu việc làm để trao đổi công việc. Khi đến nơi, không cần biết ứng viên ra sao, tất cả đều phải nộp hồ sơ với lệ phí “nho nhỏ” từ vài chục nghìn đồng đến khoảng trăm nghìn đồng, nếu muốn đi làm luôn thì phải nộp thêm tiền. Lý do được viện ra là dịp Tết số người đăng ký rất đông… Và hiển nhiên thì việc chưa thấy đâu song tiền đã tạm biệt túi sinh viên nghèo ra đi.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/sinh-vien-lam-them-dip-cuoi-nam-58214.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.