![]() |
Ảnh minh họa |
Qua hội thi, nhiều người bất ngờ nhận ra, phía sau lớp học, ngoài những giờ lên lớp, các thầy cô đã suy tư, đã chịu thương chịu khó, cả những hy sinh âm thầm cho các em, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa ngoan và thiệt thòi.
Có em học sinh nhờ thầy, cô mà nên người, nghe tin các thầy, cô đang kể chuyện tại hội thi, đã vội chạy đến dự, như là một nhân chứng sống động, một sản phẩm hoàn hảo của tình yêu thương sâu nặng. Hội thi diễn ra có không ít nước mắt là cũng vì ngọn lửa trong tình thầy trò ấy…
Thầy giáo Lê Phước Nhanh (trường Hermann Gmeirner) qua câu chuyện “Hành trang vào nghề” đã kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình trong chuyến thực tập. Lần ấy, ngay trong buổi dạy đầu tiên, sau khi làm quen với các em, thầy đảo mắt một vòng, nhận ra một nam sinh chưa cài nút áo ở ngực. Thầy đến gần bảo nhỏ: “Trời lạnh, cài nút áo lại đi em”. Em này trả lời, nút áo bị đứt. Thầy dặn: “Về khâu lại đi em nhé”. Thế nhưng, qua buổi dạy thứ hai, thầy vẫn gặp lại em học sinh ấy với chiếc áo không cài nút trên ngực.
Thầy hỏi, em trả lời: “Em không biết khâu”. Thầy nói gắt hơn: “Nhờ mẹ khâu giúp cho, nếu còn vậy lần sau thầy không cho vào lớp”, thì thoáng hiện vẻ buồn trên mặt em. Em cúi mặt nói: “Thưa thầy, mẹ em đã mất”.
Đến buổi dạy thứ ba, vẫn gặp lại hình ảnh em nam sinh mặc chiếc áo đứt nút. Lần này, thầy đến gần em bảo nhỏ: “Giờ ra chơi, em ở lại trong lớp gặp thầy nhé”. Thế là sau khi hết tiết học, thầy đến bên chỗ ngồi em học sinh, lấy ra một hạt nút và cây kim đã được xâu chỉ sẵn, thầy chậm rãi khâu lại chiếc khuy đã bị đứt.
Thầy nói: “Nhìn đường kim mũi chỉ tuy còn vụng về, nhưng tôi và có lẽ cả em ấy nữa thấy rất đẹp vì sự ấm áp, thiêng liêng của tình thầy trò… Trong buổi chia tay kết thúc đợt thực tập, khi cả lớp đều lặng im, thì thầy chợt nhận ra có tiếng nấc từ bên dưới. Đó chính là tiếng khóc của em nam sinh được thầy khâu hộ chiếc nút áo bị đứt ở ngực. Thầy đã đứng lặng người với một cảm giác khó tả, mang theo suốt hành trang nghề giáo đến tận hôm nay…
Câu chuyện của cô giáo Bùi Thị Thu Hằng (trường THCS Huỳnh Bá Chánh) kể lại, cô được phân công làm chủ nhiệm lớp, ngay trong tuần lễ đầu năm học cô đã chú ý phát hiện một trường hợp bất thường: Một em học sinh nữ hầu như ngày nào cũng vội vã vào lớp khi trống trường đã điểm. Sau vài lần nhắc nhở và kể cả phê bình gay gắt giữa lớp với nhiều lỗi khác, nhưng em vẫn chứng nào tật nấy. Vào một ngày chủ nhật, cô quyết định đến nhà em để tìm hiểu.
Lúc đó, cô mới bất ngờ hiểu ra, em lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại, đời sống rất khó khăn. Cha mẹ xưa là công nhân nay mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động. Mỗi ngày em phải giúp bà để lo cho ba mẹ, hơn nữa chiếc xe đạp cũ kỹ thường xuyên hư hỏng trên đường nên em phải đi học trễ. Biết rõ hoàn cảnh em, cô Hằng nói: “lúc đó trong lòng tôi nghẹn đắng, hối hận dâng trào, muốn thốt lên: cô sai rồi, cô xin lỗi em”.
Sau hôm đó, em đã nhận được sự quan tâm, động viên nhiều hơn về vật chất lẫn tinh thần của mọi người. Việc học em cũng tiến bộ nhanh chóng. Từ học sinh trung bình, em trở thành học sinh khá, rồi học sinh giỏi. Năm lớp 9 em đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố và đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn. Đó là sự khởi đầu cho những ước mơ để em chắp cánh vào đời…
Mỗi câu chuyện mang một tình huống khác biệt, nhưng tựu trung là những bài học thấm thía quý giá, những tấm gương ngời sáng, khẳng định công tác giáo viên chủ nhiệm là cả một nghệ thuật, không ngừng học hỏi, tìm hiểu các đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi… bằng cả tấm lòng yêu thương, luôn lắng nghe, thấu hiểu, kiên trì đặt niềm tin ở sự tiến bộ của học sinh.
Có thể nói, hội thi không phải để chọn ra người đứng đầu mà là cơ hội để các thầy, cô trau dồi nghiệp vụ sư phạm, bổ sung kỹ năng xử lý tình huống, là dịp để các đồng nghiệp cùng trao đổi thông tin, đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, chia sẻ những buồn vui về công tác chủ nhiệm, về đời dạy học vốn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là êm ái, giàu sang.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phia-sau-lop-hoc-56779.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.