![]() | Tín dụng ngoại tệ cứu xuất khẩu |
![]() | Thay đổi để đạt mục tiêu kép |
![]() | Cho vay ngoại tệ: Giám sát bằng nhiều công cụ chính sách |
![]() |
Ông Cấn Văn Lực |
Theo ông, Thông tư 31 sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang muốn chống đô la hóa?
Tôi nghĩ rằng không đáng quan ngại. Bởi, chúng ta vẫn kiểm soát đô la hóa khá tốt. Hiện nay, lượng vay ngoại tệ trong NH chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đó không phải là mức cao. Giả sử có biến động cũng không tác động quá nhiều. Tuy nhiên, tôi mong muốn về lâu dài NHNN không cần thiết phải có những biện pháp hành chính nữa. Tức là không phải gia hạn nữa mà phải có chính sách dài hơi hơn. Bài toán đó phải nằm trong tổng thể chương trình chống đô la hóa của Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay đồng VND đã mất giá hơn 1% so với đồng USD. Điều này có đáng lo ngại hay không, thưa ông?
Tôi nghĩ là không đáng lo. Từ đầu năm đến trước khi ông Donald Trump trúng cử, đồng VND không những không mất giá mà còn tăng giá khoảng 0,7% so với đồng USD cho thấy đồng VND khá ổn định. Với mức mất giá hơn 1% so với 5% của đồng CNY và một số đồng ngoại tệ khác là khá nhẹ và hợp lý. Chúng tôi dự báo, từ nay đến cuối năm kể cả trong tình huống xấu nhất, đồng VND cũng chỉ mất giá tối đa ở ngưỡng từ 1 – 2%. Ngưỡng này có thể chấp nhận được trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, lạm phát năm nay đang cao hơn so với năm trước với mức khoảng 5%...
Nhưng thị trường thế giới hiện vẫn không ngừng biến động, sẽ còn gây sức ép lên tỷ giá trong nước?
Có 4 yếu tố chính. Thứ nhất, là đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá. Có thể thấy rõ, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đến bây giờ, thì USD đã tăng rất mạnh vì các nhà đầu tư, các nhà kinh tế đã phân tích rất kỹ chính sách tài chính của ông Trump đang ủng hộ kinh tế Mỹ nhiều hơn. Cụ thể, về cơ bản Mỹ nới lỏng tài khóa, đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng cộng với tín hiệu kinh tế Mỹ tốt lên trong những tháng qua đã làm đô la Mỹ tăng lên khoảng hơn 2,35%. Thứ hai, khả năng FED tăng lãi suất tháng 12 là khá cao. Thứ ba, là áp lực thời vụ. Thứ tư là vấn đề tâm lý.
Tuy nhiên về tổng thể quan hệ cung cầu vẫn rất ổn định. Nguồn cầu thời điểm cuối năm có nhích lên nhưng không quá lớn. Tôi nghĩ rằng với dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay, nhất là nguồn cung ngoại tệ vẫn khá tốt như giải ngân FDI chắc sẽ đạt mức tăng khoảng 10%; kiều hối dự kiến tăng khoảng 7% so với năm ngoái đạt con số 14 tỷ USD; giải ngân ODA sẽ đẩy lên sau khi Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đặc biệt du lịch quốc tế tăng lên rất tốt khoảng 25%… điều này hoàn toàn có thể can thiệp thị trường bất kể tình huống nào.
Nếu là một người đang có tiền, ông sẽ giữ USD hay VND?
Tôi vẫn sẽ tiếp tục nắm tiền Việt với 3 lý do. Thứ nhất, về cơ bản Chính phủ vẫn quyết tâm kiểm soát lạm phát của năm nay cũng như năm tới là khoảng 5%.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi VND nếu gửi 12 tháng ít nhất cũng được 6%/năm. Trong khi đó gửi USD với lãi suất 0%. Rõ ràng chúng ta vẫn là người “thắng cuộc” trong tình huống lạm phát là 5%.
Thứ ba, với chính sách điều hành tỷ giá trung tâm như hiện nay và tính linh hoạt hơn trong vấn đề này thì kể cả năm tới, tùy thuộc vào thế giới có những cú sốc hay không hoặc chỉ diễn ra đợt sóng nhỏ, chúng tôi dự báo biến động tỷ giá trong năm tới từ 1 – 3%. Như vậy, nếu giữ USD với lợi tức 1 – 3% thì rõ ràng gửi tiết kiệm bằng VND sẽ hiệu quả và an toàn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/noi-cho-vay-ngoai-te-quyet-dinh-kip-thoi-va-can-thiet-56432.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.