![]() | Dịch vụ ngân hàng: Thừa lại thành thiếu |
![]() | Dịch vụ ngân hàng: Cơ bản vẫn là chất lượng |
![]() | Điểm sáng về phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng |
![]() |
Ông Phạm Xuân Hòe |
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH là một trong những yêu cầu quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế đến năm 2020.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN).
Ông đánh giá thế nào về sản phẩm, dịch vụ NH cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ NH của người dân Việt Nam thời gian qua?
Phải khẳng định rằng, thời gian qua các sản phẩm, dịch vụ NH không ngừng phát triển cả về chất và lượng, trên kênh truyền thống và hiện đại. Nhiều sản phẩm NH đã bắt kịp trình độ tiên tiến trên thế giới, giúp giảm thiểu thủ tục, chi phí giao dịch cho khách hàng, cũng như đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Nhờ những tiện ích nổi bật từ các sản phẩm dịch vụ NH, qua điều tra trong thời gian qua có thể thấy số lượng khách hàng tiếp cận dịch vụ NH ngày càng tăng. Đến cuối năm 2015, khách hàng cá nhân đạt 36,77 triệu tài khoản, tăng gấp 15 lần so với năm 2004; giá trị giao dịch qua thẻ đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng; tốc độ thanh toán qua Internet Banking tăng 30-50%/năm…
Việc đẩy mạnh hoạt động thanh toán qua NH điện tử khiến tiền mặt trong lưu thông chỉ còn 11%, tiết kiệm rất lớn cho xã hội, trong đó đặc biệt chi phí in ấn loại tiền mặt. Bên cạnh đó, gia tăng nguồn vốn để các NH có thể sử dụng, phân bổ lại, cho vay phát triển nền kinh tế.
![]() |
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH là một trong những yêu cầu quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế |
Mặc dù sản phẩm dịch vụ NH cải thiện đáng kể như vậy, nhưng theo điều tra và đánh giá của chúng tôi, khả năng cung ứng cũng như chất lượng dịch vụ NH còn những hạn chế nhất định. Như tình trạng “độc canh” về tín dụng, tỷ lệ phí dịch vụ phi tín dụng của hệ thống NH còn khá khiêm tốn. Tổng mức phí từ phi tín dụng bình quân của hệ thống khoảng trên 17%, trong khi các nước phát triển cũng như trong khu vực tỷ lệ này khoảng 34%. Khả năng tiếp cận dịch vụ NH tại các khu vực chưa đồng đều…
Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Những hạn chế trên xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Từ phía NH, do độ bao phủ chi nhánh/phòng giao dịch mạng lưới vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều, do năng lực tài chính hạn chế nên trong thời gian vừa qua các NHTM gặp khó khăn khi đầu tư cho công nghệ thông tin, nên việc mở kênh bán hàng hiện đại cũng sẽ hạn chế, khó phủ sóng tới các vùng sâu, xa.
Năng lực quản trị điều hành và chất lượng cán bộ NH cũng còn những hạn chế nên sự sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ tư vấn tài chính khá khiêm tốn. Các hình thức cho vay nhất là cho vay DNNVV còn khá đơn giản, chủ yếu là cho vay trực tiếp…
Nguyên nhân khách quan là hiểu biết về tài chính của người dân Việt Nam còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngay cả đối với các DN, họ chủ yếu kinh doanh theo tư duy “đánh quả” nên khi đòi hỏi bài bản phương án kinh doanh, hồ sơ thủ tục vay vốn thì rất e ngại. Đây cũng là lực cản của DN khi tiếp cận vay vốn NH.
Bên cạnh đó, thường cho vay nông nghiệp nông thôn rủi ro khá cao do yếu tố thời tiết, mùa vụ… trong khi chính sách bảo hiểm của Chính phủ cũng như các tổ chức bảo hiểm tham gia thấp, nên để bảo đảm an toàn đồng vốn đương nhiên các NHTM đòi hỏi tài sản thế chấp. Đây là một trong những nguyên nhân phủ sóng, tiếp cận sản phẩm dịch vụ, mà đặc biệt là dịch vụ cho vay, bị giảm đi phần nào. Trong khi đó, nền kinh tế hội nhập sâu rộng đòi hỏi mức độ tiếp cận dịch vụ NH ngày càng cao, nhất là các dịch vụ NH hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế.
Được biết, Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế đến năm 2020 có đưa ra một số chỉ tiêu khá tham vọng. Xin ông cho biết cụ thể? Và để thực hiện thì cần giải pháp gì?
Đề án đưa ra 8 chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu khá cao, đó là tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ NH phi tín dụng đến năm 2020, hay có khoảng 50-60% DNNVV tiếp cận dịch vụ NH… Đây là những chỉ tiêu đòi hỏi cần có sự “lột xác” của các TCTD hiện nay.
Theo tôi, để thực hiện được các chỉ tiêu được giao tại Đề án cần phải triển khai các nhóm giải pháp. Đó là hoàn thiện thể chế chính sách, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ NH, nhất là sản phẩm NH phi tín dụng, lành mạnh về tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Nhóm giải pháp quan trọng nữa là phát triển mạng lưới, phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội, Qũy tín dụng nhân dân, và tài chính vi mô (TCVM). Một trong những điểm nhấn tại Đề án trên là khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật từ NHNN, Chính phủ hướng dẫn thì các tổ chức TCVM vẫn có thể thực hiện áp theo thông lệ quốc tế. Đây là điểm mở để tổ chức TCVM hút nguồn lực bên ngoài, phát triển cung ứng sản phẩm TCVM cho người dân nghèo, vùng sâu, xa.
Ngoài ra, các TCTD cần phải nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ đối với các DNNVV qua việc sớm ban hành Thông tư mới thay thế Quy chế 1627 của NHNN về cho vay của TCTD đối với khách hàng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn trong xây dựng phương án quản trị, hỗ trợ khách hàng tham gia chuỗi giá trị sản xuất bảo đảm tính cạnh tranh của DN cũng như hiệu quả đồng vốn NH.
Một giải pháp nữa có thể tháo gỡ rào cản tiếp cận dịch vụ NH đó là Chính phủ phải có quan điểm rất rõ ràng trong việc bảo lãnh DN. Đặc biệt quan tâm đến pháp luật tài sản bảo đảm, cụ thể là quyền chủ nợ. Bởi nếu như quyền chủ nợ không được bảo đảm, các NH có nỗ lực bao nhiêu thì các cán bộ cấp dưới vẫn lo sợ không dám thực hiện…
Đồng thời, theo tôi, giáo dục tài chính toàn diện phải làm tốt hơn qua hình thức gắn kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa bài toán tài chính vào trường học để các em học sinh phổ thông sớm tiếp cận kiến thức tài chính.
Tôi được biết, hiện tại, CIC đang cải tiến thông tin khách hàng. Về lĩnh vực này, thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa, nhất là thông tin khách hàng cá nhân để NH chấm điểm xếp hạng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH của người dân. Tại Đề án cũng nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thông tin DNNVV để các NH có thể truy xuất vào.
Để thực hiện thành công tổng thể đề án, tôi cho rằng, quan trọng nhất là tính đồng bộ thể chế hành lang pháp lý cho sản phẩm dịch vụ NH, thực hiện theo nguyên tắc thị trường... Vì dịch vụ NH không chỉ mình NH làm được mà còn phụ thuộc rất lớn vào các đối tác, người được hưởng thụ.
Xin cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quan-trong-nhat-la-trien-khai-dong-bo-chinh-sach-55462.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.