Phối hợp thúc đẩy tín dụng tam nông

Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.
Hỗ trợ đầu tư vào tam nông
Tín dụng tam nông hướng đến hội nhập
Cùng tam nông vững thế chân kiềng

Đòn bẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” diễn ra ngày 30/10, các chuyên gia, các nhà khoa học và những người làm trong ngành Ngân hàng, đã đưa ra những đánh giá đầy đủ, khách quan về tín dụng tam nông. Đến ngày 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ năm trước.

Một thống kê khác cho thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.

Phối hợp thúc đẩy tín dụng tam nông
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với nợ xấu toàn nền kinh tế. Còn riêng với người nông dân vay vốn của Agribank, NHCSXH, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam nợ quá hạn chỉ có trung bình 0,32%, đây là con số rất lý tưởng.

“Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn cho vay còn thấp, qua triển khai chính sách còn một số vướng mắc” – ông Môn nhấn mạnh và cho rằng, tín dụng đang được xem là “đòn bẩy” trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên cần phải có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Điểm chung được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo hiện nay đó không phải là nguồn vốn thiếu, bởi hiện nay ngân hàng đang dồi dào vốn nhưng do vướng mắc như việc cấp sổ đỏ chậm, sự thiếu minh bạch của khách hàng vay vốn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách chuyển tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn còn chậm…

Hiện nay, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đã mở hơn nhưng lĩnh vực cho vay “tam nông” vẫn còn nhiều rủi ro.

Ông Trần Văn Tần – Trưởng Phòng tín dụng nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định, chưa kể vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro.

Trong khi đó, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và DN.

Ngoài ra, theo ông Tần, tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm.

Cần sự phối hợp để tháo gỡ vướng mắc

Vấn đề nữa là DN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn rất ít. Theo TS. Phùng Giang Hải - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì lượng DN tham gia vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và số lượng chỉ chiếm chưa đến 1% các DN của Việt Nam, quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, chiếm tới gần 97%.

Ông Hải đưa ra đề xuất, trong chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, cần làm rõ vai trò trung tâm của DN, đảm bảo tính hiệu quả chính sách cho vay cũng như hình thức cho vay. Đồng thời, cải cách các thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp tài sản đảm bảo, khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Phối hợp thúc đẩy tín dụng tam nông
Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung

Từ câu chuyện mà ông Lê Quang Thành - Tổng giám đốc Công ty Thái Dương nêu tại hội thảo rằng, hiện nay, để vay 100 đồng vốn lưu động cần có 500 đồng vốn tài sản bảo đảm.

“Bản thân chúng tôi đang đầu tư 600 tỷ đồng nhưng mới chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ đồng. Tham vọng của chúng tôi là xây dựng 15 dự án sản xuất con giống muốn vay vốn nhưng rất khó khăn” – ông Thành chia sẻ và cho rằng, cơ chế chính sách để làm tài sản đảm bảo cho người chăn nuôi vay vốn cần thông thoáng hơn để DN có đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trao đổi ngay với trường hợp Công ty Thái Dương, ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh: “chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xem lại, tại sao một DN có 500 tỷ đồng mà các ngân hàng chỉ cho vay 100 tỷ đồng, cái này rất bất cập, chúng tôi sẽ điện trực tiếp cho giám đốc ngân hàng để có báo cáo về việc này”, ông Đông cũng cho biết, quan điểm cho vay của ngân hàng hiện nay, tài sản thế chấp không phải là cái chính, cái chính là năng lực thật sự của DN đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gồm về cả kiến thức kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất…

Định hướng sắp tới với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương.

Đồng thời, vốn tín dụng với cơ chế chính sách ưu đãi sẽ hướng trọng tâm vào xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật… để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chứ không đầu tư tràn lan. Đặc biệt là cho vay các dự án, DN, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.

Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, ngân hàng tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo… Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ như Nghị định 67, mặc dù đã có tín dụng rồi nhưng để đóng được tàu lại phụ thuộc không ít vào các bộ, ngành, địa phương triển khai như thế nào. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ.

Ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phoi-hop-thuc-day-tin-dung-tam-nong-55390.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.