![]() | Vay vốn đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng được hỗ trợ lãi suất |
![]() | Hà Nội sẽ áp dụng vé điện tử cho vận tải công cộng |
Chính quyền các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã có những giải pháp để phát triển hệ thống vận tải công cộng, trong đó có cả hệ thống vận tải khối lớn để ứng phó với sự gia tăng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên chỉ riêng hệ thống xe buýt hoạt động không thể đáp ứng được nhu cầu, trong khi các hệ thống vận tải khối lớn triển khai rất chậm.
Quá trình triển khai các hệ thống vận tải khối lớn như metro và xe buýt nhanh BRT ở các thành phố trên cho thấy có những vấn đề về cơ chế, chính sách, quy định cần được xem xét kỹ để nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống vận tải công cộng hiện có, cũng như các hệ thống khác vận tải công cộng khối lớn khác trong tương lai.
![]() |
Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vận tải công cộng |
Trên thực tế, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên mặc dù đã có nhiều cải thiện về đầu tư hạ tầng, phân luồng, phân tuyến. Điều này cho thấy nhiều sự bất cập trong việc phát triển quy hoạch về giao thông ở đô thị.
Tại Hà Nội, các tuyến đường đô thị đang bị quá tải bởi gần 400.000 ô tô các loại cùng gần 4 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp. Trong khi đó giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được trên dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân. Tương tự hệ thống hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh cũng đang quá tải. Chính vì vậy giải pháp phát triển vận tải công cộng được xem là định hướng giúp các đô thị giải quyết được tình trạng quá tải.
Có thể nói, nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống vận tải công cộng trong việc phát triển của đô thị và hệ thống giao thông đô thị, các năm 2012 và 2015, Chính phủ đã lần lượt ban hành Quyết định 280/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt “Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020”; Quyết định 13/2015/QĐ-TTg về “Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt”.
Các văn bản đó đã xác định phạm vi cơ chế và chính sách cần khuyến khích gồm nhóm chính sách về quy hoạch, nhóm chính sách về phương tiện và nhóm chính sách về hỗ trợ tài chính.
Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vận tải công cộng. Theo đó, mô hình quy hoạch tuyến tích hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị để nâng cao mật độ dân cư trong phạm vi hai bên tuyến, đảm bảo số lượng lớn hành khách có thể tiếp cận các hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn và mô hình đã được kiểm nghiệm với thành công ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên về quy định hiện nay, Luật Quy hoạch cũng như quy chuẩn quy hoạch cũng chưa đề cập cụ thể về tích hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch vận tải công cộng. Rõ ràng cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng để sớm bổ sung các quy hoạch cụ thể hơn về tích hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch vận tải công cộng theo định hướng ưu tiên phát triển cho vận tải công cộng, để làm cơ sở cho sự phối hợp các quy hoạch chung và chuyên ngành cũng như giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai.
Hiện các hệ thống vận tải khối lớn có đặc điểm là chạy trên đường dành riêng và các phương tiện khác không được xâm phạm. Đối với hệ thống metro hay đường sắt trên cao, việc đảm bảo quyền ưu tiên cho phương tiện vận tải khối lớn là đơn giản. Nhưng với loại hình xe buýt hoặc xe buýt nhanh chạy trên mặt đất thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy cần có những quy định về đảm bảo quyền ưu tiên cũng như chế tài xử phạt các vi phạm vào đường ưu tiên cho các loại hình vận tải công cộng chạy trên mặt đất.
Đặc điểm nổi bật của các hệ thống vận tải khối lớn là yêu cầu vốn đầu tư lớn. Suất đầu tư các hệ thống metro có thể lên tới 200 triệu USD/km, và ngay cả xe buýt nhanh BRT có suất đầu tư thấp hơn cũng lên tới 3-5 triệu USD/km. Bên cạnh đó, đầu tư cho vận tải công cộng cũng gặp rủi ro khá cao.
Vì vậy Chính phủ và chính quyền các thành phố lớn cần có các quy định và chính sách cụ thể về phân bổ ngân sách ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phương tiện cho hệ thống vận tải công cộng cũng như các quy định về tiếp cận các nguồn lực tài chính khác ngoài nguồn vốn vay duy nhất hiện nay từ vốn ODA.
Ông Trịnh Xuân Lâm (Cục Hạ tầng Kỹ thuật) cho rằng, vận tải công cộng trong đó có vận tải công cộng khối lớn là nhân tố quan trọng không thể thiếu của các đô thị lớn. Nhận thức được vấn đề này, thời gian gần đây các cấp Chính quyền từ Trung ương đến các thành phố lớn đã có những chính sách và định hướng để ưu tiên cho việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, nhưng chủ yếu mới đề cập đến loại hình xe buýt và tập trung cho việc trợ giá.
Với việc nhiều hệ thống vận tải khối lớn như metro và xe buýt nhanh BRT đang triển khai quy hoạch, xây dựng và đi vào khai thác thì các cấp chính quyền Trung ương và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cần xem xét đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành những quy định và chính sách cụ thể của từng thành phố để phát triển và khai thác có hiệu quả các hệ thống vận tải công cộng này.
Các chính sách, quy định cần xem xét trên quan điểm tổng thể và đồng bộ từ khâu quy hoạch, thiết kế đầu tư, khai thác và bảo vệ môi trường. Việc thành lập cơ quan quản lý vận tải công cộng ở các đô thị lớn sẽ hình thành đầu mối kết nối và công cụ hiệu quả để triển khai các chính sách khuyến khích phát triển vận tải công cộng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nang-cao-hieu-qua-van-tai-cong-cong-55256.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.