![]() |
Ảnh minh họa |
Với những ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn và sống với nghề làm nông nghiệp hẳn sẽ chẳng còn lạ lẫm gì với những thứ nông cụ giản đơn, quen thuộc gắn liền với cuộc sống lao động hàng ngày, đó là: Cày, bừa, cuốc, thuổng, vồ, liềm (hái), quang gánh, gầu tát nước...
Có thể những năm sau này, khi nền nông nghiệp ngày một hiện đại hóa bởi máy móc thay thế dần sức người, sức vật thì một số loại nông cụ đã bị mai một dần đi do chúng không còn cần thiết nữa. Chẳng vậy mà về sau này, nhiều lớp người trẻ dẫu sinh ra ở quê, nhưng họ không hề biết chiếc vồ có tác dụng làm gì, hay chiếc cối đá dùng vào những việc gì...
Thế nhưng, trong gia đình tôi mẹ lại là người luôn sống với những hoài niệm xưa cũ, khi mà những gì từng gắn bó với mình, với gia đình là mẹ luôn nâng niu gìn giữ, dù nó đã là đồ thừa, đồ bỏ đi.
Tôi cũng đôi lúc còn nhặt nhạnh giúp mẹ những thứ đồ mà người hàng xóm bỏ đi, trong khi nhà mình còn thiếu để mang về cho mẹ cất đi. Chẳng hạn như thấy cái gàu tát nước đan bằng nan tre còn khá lành lặn mà người ta vứt bỏ ra bìa làng, tôi cũng lượm mang về để "bảo tàng" đồ cũ của mẹ thêm phong phú. Vâng, tôi và mọi người hàng xóm vẫn luôn gọi cái căn phòng chứa các vật dụng đồ cũ của mẹ là "bảo tàng". Đó là căn bếp cũ, tuy không quá rộng rãi nhưng có cái gác lửng bằng các đòn tre ngang, vì vậy mà nó chứa được rất nhiều đồ đạc.
Tôi không còn nhớ cái thú sưu tập đồ cũ của mẹ từ hồi nào, chỉ biết rằng khi tôi lớn lên và nhớ được những cảm nhận của mình thì đã thấy vô số các thứ đồ cũ mẹ tìm kiếm và cất giữ.
Ngoài vô vàn các nông cụ sản xuất gắn bó với nghề nông ra, thì cũng rất nhiều vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của gia đình, mẹ cũng lưu giữ như các món tài sản quý giá.
Đó là những thúng mủng, giần sàng, chiếc ca dùng đong thóc, cối xay thóc, chiếc cối đá xanh gốc gác Thanh Hóa dùng để đập lúa và giã gạo cả mấy chục năm, dẫu đã mòn vẹt trong lòng và hơi mẻ một chút cũng được mẹ kê vào góc trái bếp. Bên trên của chiếc cối đá mẹ bày nào là chiếc chày gỗ dùng giã cua, rồi chiếc mâm gỗ sung mộc mạc mà gia đình tôi dùng ăn cơm từ thuở ông bà nội còn trẻ.
… Mới đây, tôi nghe tin, một người có thú ham mê sưu tầm những đồ xưa cũ đã tới thăm "bảo tàng" của mẹ và trả giá trọn gói tới 200 triệu đồng, mong mẹ bán cho, nhưng mẹ đã từ chối thẳng thừng. Mẹ bảo tôi: "Người ta có trả thế chứ trả gấp mấy lần mẹ cũng không bán. Tiền bạc ăn tiêu đi rồi cũng sẽ hết, còn những thứ xưa cũ ấy đối với mẹ nó mang giá trị tinh thần lớn lao hơn cả!".
Rồi mẹ tôi còn tiết lộ ý niệm sau cùng khi mẹ mất đó là, những món đồ xưa cũ trong "bảo tàng" mẹ sẽ di chúc cho tôi và mẹ mong muốn tôi cũng sẽ lưu giữ nó như những món đồ kỷ niệm đã gắn bó với suốt quãng đời nghèo khổ, gian khó của mẹ, của gia đình ta...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bao-tang-nha-que-cua-me-54660.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.