Đầu tư nghìn tỷ nhưng vẫn ngập tràn

Từ cuối tháng 8 đến nay, mỗi lần mưa lớn là nhiều khu vực trên địa bàn TP. HCM lại hứng chịu cảnh ngập lụt, thậm chí nghiêm trọng hơn các năm trước. 

Theo thống kê, trước đây thành phố chỉ còn 26 tuyến đường bị ngập, thì trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, con số này đã lên thành 51… Mặc dù TP. HCM đã đầu tư nâng cấp chống ngập một số tuyến đường, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đầu tư nghìn tỷ nhưng vẫn ngập tràn
Mỗi khi có mưa lớn, đường phố lại biến thành sông

Nhiều dự án, nhưng vẫn ngập

Trận mưa chiều tối 27/9 đã làm ngập hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM. Từ các tuyến đường khu trung tâm Sài Gòn như Lý Thái Tổ, Nguyễn Thiện Thuật (Q.3); Châu Văn Liêm, Hồng Bàng (Q.5); Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh…(Q. Bình Thạnh); cho đến tuyến đường như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), Phan Huy Ích, Cây Trâm, Lê Đức Thọ… (Q.Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá, Phan Văn Hớn… (Q.12), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)… đều bị chìm sâu trong biển nước.

Các trận mưa đã khiến nhiều hầm để xe của các tòa nhà chung cư, cao ốc nước ngập cao, làm hàng ngàn xe máy của người dân bị hư hỏng.

Điều đáng nói, có một số tuyến đường vừa được đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước như Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá (Q.12), Phan Xích Long (Q. Phú Nhuận), Trường Sơn (Q.Tân Bình)… vẫn bị nhấn chìm khi trời mưa lớn trong tháng 8 và tháng 9. Khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất và cả bãi đỗ máy bay của sân bay cũng không thoát khỏi sự vây hãm của nước.

Việc ngập nước được xem là chuyện… “đương nhiên”, vì theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hệ thống thoát nước của thành phố được thiết kế dùng cống cấp 1, chỉ chịu được lượng mưa phù hợp là 85,36 mm, cống nhỏ hơn chịu lượng mưa là 75,88 mm trong 3 giờ. Nhưng những năm gần đây, thành phố thường xuyên xuất hiện các trận mưa trên 120 mm, thậm chí có lúc lên đến 180 - 200 mm, khiến lượng nước tiêu thoát không kịp và gây ngập.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tổng vốn đã đầu tư cho hệ thống chống ngập của TP. HCM giai đoạn 2001 – 2015 lên đến 24.501 tỷ đồng. Các dự án được triển khai bao gồm dự án cải thiện môi trường thành phố giai đoạn 2 với tổng vốn là 11.281 tỷ đồng; dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 là 10.085 tỷ đồng; dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương Bến Cát 1.582 tỷ đồng… và hàng loạt dự án khác.

Sai lầm từ khâu quy hoạch

PGS-TS Lê Huy Bá-chuyên gia nghiên cứu về môi trường nước tại TP. HCM cho rằng, quy hoạch hệ thống thoát nước mưa của thành phố đã sai lầm ngay từ đầu nên dẫn đến thiết kế sai. Khu đô thị của TP. HCM phát triển theo kiểu “vết dầu loang” theo sự gia tăng dân số, chứ không theo một quy hoạch tổng thể ngay từ đầu.

Chính vì vậy, hệ thống cống thoát nước cũng phải phát triển theo một cách máy móc, chứ không được chú ý đầu tư mở rộng khẩu độ, tiết diện cống thoát nước. Thậm chí, các cơ quan hữu quan đã không dự báo tần suất thoát nước cho chu kỳ dài 40-50 năm để có tiết diện cống phù hợp...

Tương tự, chuyên gia Phạm Sanh thì đánh giá nạn ngập lụt ở TP. HCM có phần do quy chuẩn tiêu chuẩn thoát nước đô thị quá lạc hậu, chỉ áp dụng được cho đô thị vài trăm ngàn dân với điều kiện không bị tác động của triều cường. Trong khi đó, lại được vận hành cho TP. HCM với quy mô dân số hơn 10 triệu người, và là vùng trũng bị tác động mạnh mẽ của triều cường.

Chỉ rõ nguyên nhân thoát nước không kịp gây ngập, TS, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, dù cống thoát nước chỉ thiết kế cho lượng mưa 90 mm, nhưng nếu có quy hoạch phù hợp, có hồ điều tiết, kênh rạch, khống chế được dòng chảy thì sẽ không bị ngập. Thực tế là nước mưa từ chỗ cao chảy xuống thấp với tốc độ rất nhanh, lại tràn trên bề mặt bê-tông, không được thẩm thấu xuống đất thì tiết diện cống rộng đến cỡ nào cũng không tiêu thoát hết.

Do đó, vấn đề là phải đưa được lượng nước mưa đến nơi tạm chứa như hồ điều tiết hoặc kênh rạch để bơm ra sông. Để làm được điều này, cần phải điều chỉnh tốc độ chảy, hướng chảy và có những khu vực tạm chứa nước. “Do vậy, quan trọng là phải phải xây dựng lại chiến lược chống ngập toàn diện, chứ không chỉ giải quyết tình thế kiểu nâng đường như hiện nay” tiến sĩ Sơn khẳng định.

Tuy vậy, lãnh đạo TP. HCM cho rằng, vấn nạn ngập là do chậm trễ trong triển khai các dự án hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp tại thành phố (đã được Thủ tướng phê duyệt 8 năm trước).

Và điều này là do thiếu vốn. Để triển khai các quy hoạch chống ngập, cần số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng thực tế, thành phố mới đầu tư được 25.000 tỷ đồng, nên khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng quá chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập.

Trước mắt, để giải quyết bức xúc của người dân, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn cấp triển khai nhiều biện pháp chống ngập cấp bách, như khai thông cống rãnh, vớt rác tại các miệng thu - cống xả và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập.

Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hơn 74.000 tỷ đồng chống ngập giai đoạn 2016-2020 UBND TP. HCM cho rằng, để triển khai thực hiện 2 quy hoạch chống ngập được Chính phủ phê duyệt cần nguồn lực rất lớn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Sắp tới, trong giai đoạn 2016-2020, TP. HCM cần hơn 74.000 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án của 2 quy hoạch này. Thế nhưng chỉ có khoảng 38.478 tỷ đồng dự kiến có vốn từ các nguồn xã hội hóa, vay ODA… còn lại hơn 35.000 tỷ đồng vẫn chưa có nguồn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dau-tu-nghin-ty-nhung-van-ngap-tran-54560.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.