![]() |
Ảnh minh họa |
Trẻ con trong làng luôn được theo bà, theo mẹ, theo chị đi chợ phiên để làm nhiệm vụ canh giữ quang gánh, hàng hóa, hoặc phụ bán hàng hóa... để rồi tan buổi chợ chắc chắn sẽ được ăn quà thỏa thích. Tôi sinh ra ở một làng quê êm đềm nằm bên một con sông hiền hòa, vì thế tuổi thơ tôi cũng ghi dấu ấn của biết bao những phiên chợ lon ton cùng mẹ nhảy lò cò trên cung đường đê từ nhà tới chợ.
Quanh xã tôi có rất nhiều chợ, nào chợ Kim, chợ Lỗ, chợ Hầu, chợ Đình... nhưng khu chợ Bến nằm ở sát ngay bến đò là nơi mà gia đình tôi cũng như người dân trong xã hay tới mua sắm hàng hóa nhất, bởi lẽ đây là chợ thuộc quản lý của địa phương mình, hơn nữa chợ rất to, thu hút rất đông người vì thế hàng hóa cũng nhiều, cũng phong phú.
Bây giờ khu chợ Bến, cũng như các khu chợ quê của các làng xã lân cận đều đã phá lệ khi ngày nào cũng họp chợ, nghĩa là ngày nào cũng có người mang hàng hóa tới bán để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, thế nhưng ngày xưa thì chợ chỉ họp theo phiên, nghĩa là mỗi chợ lại quy định một ngày họp nhất định trong tuần, trong tháng.
Chẳng hạn như khu chợ Kim, chợ Lỗ ở các xã bên thì chọn ngày lẻ so le là mùng 1, mùng 3, mùng 5, mùng 7, mùng 9... và cứ như vậy cách 4 ngày là một khu chợ lại vào phiên họp lại. Khu chợ Bến xã tôi thì lại chọn ngày họp là ngày chẵn, nghĩa là cứ nhằm mùng 2, mùng 6, mùng 10, mười bốn, mười tám, hăm hai, hăm sáu, ba mươi là tới phiên chợ.
Tôi còn nhớ, ngày ấy hễ cứ vào phiên chợ Bến là người mang hàng hóa từ mọi nơi kéo tới cực kỳ đông đúc. Cả khu chợ với gần chục dãy nhà làm cầu chợ, cộng với bãi đất trống rộng cả mẫu vậy mà người, hàng hóa, xe đạp thồ ken kín hết không còn trống lấy một khoảng. Đến nỗi những lối đi lại thì người đi mua sắm cũng phải chen chân sát vai, bởi lượng người quá nhiều.
Tuy đông đúc là vậy nhưng các khu, dãy hàng hóa trong chợ đều được quy định bán rõ ràng. Hàng cuốc, thuổng, cày bừa và các loại nông cụ dùng cho việc sản xuất nông nghiệp thường được bày bán ở ngay lối cổng vào chợ. Hàng thịt, hàng cá, hàng rau quả thì ở giữa chợ. Hàng xén bán tạp hóa thường bày ở giữa chợ. Khu hàng bán con giống gia súc, gia cầm luôn được đặt ở cuối chợ bởi mùi hôi thối đặc trưng.
Nói chung là cứ tới phiên chợ thì hàng hóa gì cũng có, luôn cực kỳ phong phú. Người ta có thể mang tới chợ chỉ vài nải chuối xanh, chục trứng gà vừa mới đẻ, hay mớ tép tươi mới xúc được ngoài đồng... để bán lấy tiền. Những làng nghề làm gốm sứ, đúc xoong, rèn dao, kéo, bện dây chão... cũng mang tới chợ để bán hàng và chẳng vắng mặt bất kỳ một phiên chợ nào.
Ngay cả những người dân tộc Mông. Tày, Dao quê mãi tận các vùng rẻo cao phiên chợ nào cũng mang những thang thuốc lá, cây thảo dược chữa bệnh về góp mặt ở phiên chợ để phục vụ bà con.
Những ngày theo mẹ, theo bà đi chợ phiên quê nhà bọn trẻ con lứa tuổi chúng tôi luôn háo hức mong đợi tới lúc chợ sắp tàn để được ăn quà. Khi đó quà ở chợ quê chỉ giản đơn là trái bòng, trái bưởi, cây mía, vài thứ bỏng nắm, cây oản đường, bát bánh đúc lạc, xâu bánh đa... vậy mà đứa nào đứa nấy đều nao lòng thèm muốn.
Mà mong ngóng thèm muốn cũng đúng thôi, bởi khi đó đói nghèo, thiếu thốn nên chuyện cái gì cũng thèm, cũng muốn ăn là lẽ thường tình, chứ thời nay đủ đầy còn có mấy ai mà thèm muốn những thứ quà bình dân ấy nữa (?!)!
Rời quê lên thành phố học tập rồi làm việc đã lâu, được sống trong môi trường đủ đầy vật chất, cùng sự tiện lợi khi các siêu thị “bủa vây” xung quanh, thế nhưng mỗi khi nhớ về quê hương trong tôi lại nôn nao thèm muốn cảm giác trở về những năm tháng tuổi thơ để được đi chợ phiên cùng bà, cùng mẹ rồi được ăn no thỏa thích bao thứ quà quê mộc mạc, bình dị, rẻ tiền nhưng ngon ngọt vô cùng.
Chẳng vậy mà mỗi khi nghe bài hát với những ca từ đầy sâu lắng trong ca khúc "Về Quê" của nhạc sĩ Phó Đức Phương, tôi dám chắc rằng không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai từng sinh ra và có những năm tháng in dấu tuổi thơ nơi quê nhà đều cảm thấy da diết một nỗi niềm yêu và nhớ về quê hương...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cho-phien-que-nha-53956.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.