![]() | Vốn ngân hàng là lực đẩy quan trọng cho chính sách |
![]() | NHCSXH Lào Cai: Từ cuộc chiến xoá nghèo đến phát triển bền vững |
![]() | Nối dài cánh tay cơ sở |
25 năm sau ngày tái lập từ một tỉnh miền núi nghèo, hết sức khó khăn, Lào Cai đã vươn lên trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập. Trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ấy không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trên địa bàn với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, khơi mở dòng vốn tín dụng lên từng ngọn núi, bản làng, tạo động lực phát triển kinh tế mới cho tỉnh.
![]() |
Sapa - Điểm du lịch hấp dẫn của Lào Cai |
Khơi mở động lực kinh tế
Sau 15 năm chung sống dưới mái nhà tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976 - 1991), ngày 01/10/1991 là ngày tái lập hệ thống Ngân hàng Lào Cai. Ngày chia tách hệ thống, Ngân hàng Lào Cai chỉ có 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng Nông nghiệp - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển với tổng số cán bộ chưa đến 200 người, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, nguồn vốn là 37 tỷ đồng và dư nợ vẻn vẹn chỉ khoảng 20 tỷ đồng, được bàn giao từ các huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Đứng trước muôn vàn khó khăn ban đầu ấy, cấp ủy Đảng, Ban lãnh đạo NHNN tỉnh đã cùng với lãnh đạo các ngân hàng tập trung thống nhất chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, từ xây dựng cơ sở vật chất, ổn định chỗ ở cho CBCC đến đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dần đưa hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Lào Cai Đinh Ngọc Hiền chia sẻ, ngày ấy Lào Cai là một tỉnh miền núi kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người 184 kg/năm, GDP bình quân đầu người 680.000 đồng, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 19 tỷ đồng. 9/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, 60% trẻ em trong độ tuổi không được đến trường; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 55%, trong đó trên 30% dân số thiếu đói thường xuyên.
Chính vì vậy, huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương là một trợ lực mang tính sống còn. Bên cạnh nguồn vốn huy động từ địa phương chủ yếu là ngắn hạn, NHNN tỉnh đã đề xuất lên NHTW và các Ngân hàng Đầu tư, Nông nghiệp có thêm trợ lực nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như sản xuất kinh doanh.
Cơ cấu tín dụng đã được điều chỉnh theo sát việc chuyển dịch cơ cấu các lĩnh vực, ngành nghề và các thành phần kinh tế mà tỉnh đã định hướng. Trong đó, tín dụng đối với nông-lâm-ngư nghiệp (mà chủ yếu là hộ sản xuất) được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát huy thế mạnh và tiềm năng của tỉnh đến tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế khác có khả năng sản xuất hàng hoá và thích ứng với cơ chế thị trường, kinh doanh hiệu quả.
Chỉ trong 4 năm đầu tái lập tỉnh, trên 300 tỷ đồng đã được các ngân hàng tập trung giải ngân cho vay đối với trên 120.000 lượt hộ sản xuất nông nghiệp. Những thương hiệu nông sản như mận Bắc Hà; mía Bảo Thắng; chè Thanh Bình, Mường Khương, Bảo Thắng, quế Văn Bàn dần hình thành cũng có nghĩa đời sống người dân ngày một bớt khó khăn.
Một nền kinh tế công nghiệp cũng manh nha hình thành với các nhà máy chế biến chè, đường, nhà máy xi măng Cam Đường, khai thác mỏ, sản xuất vật liệu, xây dựng khách sạn Duyên Hải… đem đến những gam màu mới trong phát triển kinh tế Lào Cai những năm tiếp theo.
Thế rồi những nấc thang phát triển của Lào Cai với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững bằng việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế; tập trung xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đúng thời kỳ này, ngành Ngân hàng cũng đã bắt đầu dần ổn định mô hình ngân hàng hai cấp, với hệ thống các NHTM ra đời đã đem đến một làn gió mới trong hoạt động tín dụng. Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn được củng cố và phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng tốc dòng chảy vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế
Nếu khi tái lập tỉnh tháng 10/1991 ngành Ngân hàng mới chỉ có hai NHTM là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai và Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển được thành lập, thì đến nay hệ thống Ngân hàng Lào Cai đã có 11 chi nhánh NHTM, 2 quỹ tín dụng nhân dân và NHCSXH, Ngân hàng Phát triển cùng hoạt động với 79 điểm giao dịch, 72 máy giao dịch tự động (ATM), trên 200 ngàn tài khoản cá nhân và hàng loạt dịch vụ tiện ích khác.
Từ chỗ nguồn vốn và dư nợ cho vay rất nhỏ, đến 31/8/2016 tổng nguồn vốn huy động đã đạt 38.593 tỷ đồng, tăng 1.043 lần so với tháng 10/1991. Tổng dư nợ đến 31/8/2016 là 37.000 tỷ đồng, tăng 1.850 lần so với tháng 10/1991. Chất lượng tín dụng đạt kết quả rất tốt, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,52% trên tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp dân doanh là 19.078 tỷ đồng, cho vay hộ cá thể 4.742 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo các chương trình của Nhà nước là 2.181 tỷ đồng…
“Đáng nói là việc chỉ đạo giám sát thực thi chính sách tiền tệ và các chương trình tín dụng của Chi nhánh NHNN đối với hệ thống các TCTD đã góp phần khơi mở môi trường kinh doanh của tỉnh, cộng hưởng quan điểm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” mà tỉnh Lào Cai đã và đang theo đuổi”, Giám đốc Đinh Ngọc Hiền cho biết.
Nhiều năm qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các sở, ngành và các chi nhánh NHTM tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi giữa UBND tỉnh với các DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề ra những giải pháp tích cực để hỗ trợ vốn tín dụng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Chi nhánh NHNN đã chủ động tham mưu với tỉnh xây dựng Đề án "Tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015". Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh giao NHNN chủ trì xây dựng Đề án "Đẩy mạnh đầu tư tín dụng ngân hàng đối với các đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015" theo mục tiêu của 7 chương trình, 27 đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ đây, dòng vốn đầu tư tín dụng được tập trung cho các dự án thuộc các ngành, các lĩnh vực kinh tế ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các DNNVV… Những tiềm năng, lợi thế về khai thác chế biến khoáng sản, đầu tư phát triển thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản; đã tạo được cơ sở quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Lào Cai từng bước trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón của vùng và cả nước.
Để rồi nhìn lại 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, Lào Cai đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục bình quân giai đoạn 1991 - 2015 là 11%, trong đó năm 2015 là 14,2% cao hơn mức bình quân của vùng Tây Bắc (8,63%) và cả nước (6,68%). Thu ngân sách năm 2015 đạt 5.505 tỷ đồng gấp 290 lần năm 1991, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp mở rộng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc. Và cũng như chặng đường 25 năm tái lập tỉnh vừa qua, nguồn vốn tín dụng vẫn là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo các mục tiêu đã đề ra.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Lào Cai Đinh Ngọc Hiền cho biết: “Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, NHNN tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch mục tiêu trên cơ sở đó để chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ và quy mô hoạt động xây dựng mục tiêu của từng ngân hàng”.
Theo đó, NHNN sẽ phân tích kỹ lưỡng đầy đủ 4 chương trình, 19 đề án để xác định rõ nhu cầu vốn tín dụng của từng đề án, trong đó có nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn qua từng năm… Cùng với đó, Chi nhánh NHNN tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh có biện pháp chỉ đạo, đồng thời cùng với các DN khai thác các nguồn vốn đầu tư hiệu quả nhất để đáp ứng cho sản xuất kinh doanh.
Nền tảng cho những kế hoạch mới thêm vững chắc khi cơ sở vật chất của hệ thống Ngân hàng Lào Cai ngày càng được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngân hàng. Trong tổng số 1.200 cán bộ của các ngân hàng đến 30/9/2016 tăng 6 lần so với 01/10/1991, trong đó 75% cán bộ có trình độ đại học trở lên.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, hoạt động ngân hàng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng dịch vụ, chủ động hội nhập, ngành Ngân hàng sẽ đồng hành cùng các cấp chính quyền, người dân và các DN đưa Lào Cai trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Tây Bắc, khẳng định vị thế “đầu cầu” nối liền tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với đồng bằng Bắc bộ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vi-mot-lao-cai-phat-trien-ben-vung-53877.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.