![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, 8 tháng sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc cùng với Đức) chính thức có hiệu lực giữa tháng 1/2016, các nhà phân tích và giới đầu tư nước ngoài cho rằng những hạn chế mà Mỹ tiếp tục duy trì nhằm chống lại Iran đang khiến cho các ngân hàng quốc tế không thể thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến những thỏa thuận kinh tế-thương mại của Tehran.
Phó Giám đốc Văn phòng Dubai của hãng tư vấn rủi ro chính trị Control Risks, nhận xét: "Iran thực tế vẫn đang đối mặt với cấm vận thương mại". Ngày 16/1, Mỹ chính thức bãi bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hồ sơ hạt nhân, song các lệnh trừng phạt khác, trong đó có hạn chế về tài chính, vẫn được duy trì liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, cũng như những cáo buộc rằng Tehran tài trợ cho các nhóm khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Các ngân hàng quốc tế lớn không dám mạo hiểm tiếp cận thị trường Iran do lo ngại phải đối mặt với các khoản phạt khổng lồ, theo các quy định của Mỹ. Một nhà quản lý (yêu cầu giấu tên), thuộc một ngân hàng lớn ở vùng Vịnh, nhận định: "Đồng USD là đồng tiền giao dịch chủ chốt trong hệ thống ngân hàng, do đó các ngân hàng quốc tế khó có thể thực hiện các giao dịch với Iran bằng đồng tiền này, dù thông qua bất cứ hình thức nào".
Và vấn đề cung cấp tài chính cho các thỏa thuận kinh tế - thương mại của Iran đã trở thành rào cản đối với giới đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở nước này. Còn ông Nasser Saidi, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch hãng tư vấn Nasser Saidi & Associates, đánh giá: "Những kỳ vọng hậu thỏa thuận hạt nhân là rất lớn nhưng thực tế lại khiến giới đầu tư nản lòng. Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đã không được thực thi một cách sâu rộng như người dân Iran hy vọng".
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với Nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015 từng được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ mới để Tehran thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao và thương mại.
Tuy vậy, việc Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân, cũng như một loạt vấn đề khác như giá dầu thấp, tình hình địa chính trị ở Trung Đông, trong đó có mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ cho thấy những hạn chế liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ không thể được giải quyết nhanh chóng như mong đợi.
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã loan báo các ngân hàng ở châu Âu sẽ được phép mở tài khoản cho Iran, cũng như có thể cho vay hay cung cấp tài chính cho các chương trình của nước này. Dù vậy cho tới nay chỉ một vài ngân hàng nhỏ của châu Âu và châu Á tham gia thị trường Iran, trong khi những ngân hàng lớn đã bị kiểm soát.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã công du tới châu Á, châu Âu và khu vực Trung Đông để giải thích về lập trường của Washington liên quan đến vấn đề Iran. Nhiều chuyên gia từng tin rằng Iran đã có thể tiếp cận thị trường USD sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ, song điều này đã không diễn ra, do những hạn chế mà Mỹ vẫn theo đuổi.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cac-ngan-hang-van-ngai-vao-thi-truong-iran-53667.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.