Cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi cần hội nhập kinh tế

Châu Phi sẽ trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần, và đây là nhận định của Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đưa ra tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vào châu Phi vừa được tổ chức tại thủ đô Kigali của Rwanda. 
Đầu tư vào châu Phi: Tiềm năng lớn, rủi ro nhiều
Mỹ với chiến lược mang tên “châu Phi”

Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa hiện nay kéo theo những tác động lớn chưa từng có tại châu Phi, nhất là tại khu vực các nước sử dụng tiếng Pháp, hội nhập kinh tế xuyên biên giới là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm đạt mục tiêu trở thành khu vực mới nổi.

Cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi cần hội nhập kinh tế
Chợ đã trở thành thế mạnh để phát triển vùng và thúc đẩy hội nhập kinh tế xuyên biên giới

Hội nhập kinh tế xuyên biên giới

Về dài hạn, hội nhập kinh tế xuyên biên giới cần phải được xây dựng với mục tiêu cải thiện liên tục môi trường kinh doanh và tăng cường thương mại. Trên thực tế, hội nhập kinh tế cổ điển có vẻ như đã lỗi thời vì các nước không bắt đầu giống nhau. Do đó, các chính phủ cần phải xem lại danh mục thương mại của "lục địa Đen" để đem tới nguồn thu nhập bền vững và xây dựng một kế hoạch thương mại chung của châu Phi dựa vào đầu tư.

Bên cạnh đó, tham nhũng và quản lý kém về hàng rào thuế quan đang cản trở sự phát triển của thương mại xuyên biên giới. Ví dụ, giữa Rwanda và CH Congo, chỉ mất hai giờ đi xe nhưng hoàn toàn thiếu vắng các sản phẩm để trao đổi qua biên giới giữa hai nước. Các sản phẩm nội địa không đáp ứng được nhu cầu và chỉ một số ít sản phẩm được chế biến nhưng không đủ để bù cho nhập khẩu vì chi phí sản xuất quá cao.

Những sáng kiến hay tại một số nước như Benin, với dự án lương thực Songhai có thể được mở rộng sang các nước châu Phi nói tiếng Pháp khác, nhằm phát triển sản xuất tiêu dùng tại chỗ và tăng trao đổi thương mại giữa các vùng lãnh thổ biên giới và tiếp đó sẽ có hiệu ứng lôi kéo các vùng lãnh thổ khác.

Trước tình hình này, hội nhập kinh tế xuyên biên giới có thể sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các vùng lãnh thổ để tạo ra sự tăng trưởng bền vững và đạt mục tiêu trở thành khu vực mới nổi vào năm 2035. Kể từ nhiều năm qua, các nước châu Phi nói tiếng Pháp đã thực hiện chính sách hội nhập kinh tế khu vực như trong khuôn khổ Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO).

Tuy nhiên, dù có những nỗ lực, châu Phi vẫn chưa thành công phát triển hội nhập kinh tế thực sự hướng tới khu vực mới nổi, vì nhiều sáng kiến thúc đẩy theo hướng này không đem lại những kết quả như mong đợi.

Các chính sách mà các nhà lãnh đạo châu Phi thực hiện để thúc đẩy hội nhập kinh tế mức cao chậm được củng cố. Trên thực tế, các chính sách này không tính đến sự phát triển của các vùng lãnh thổ. Chính bởi vậy cần thực hiện hội nhập kinh tế xuyên biên giới ở mức thấp tính đến những yếu tố đặc thù và lợi thế so sánh của các vùng lãnh thổ.

Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh

Để xác định những lợi thế cạnh tranh, điều quan trọng là phải lưu ý đến ba giai đoạn chính. Thứ nhất là đề ra và thực hiện các chính sách kinh tế đa dạng hóa sản xuất nội địa. Theo hướng này, các chính phủ phải đóng vai trò quan trọng làm sao cho mỗi vùng phải tự chủ được cả về nguồn kinh phí và nhân lực.

Thứ hai là tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi cho trao đổi thương mại. Mỗi vùng phải có một chợ riêng được mọi người thừa nhận kể cả vùng biên giới lân cận. Tại chợ này, sản phẩm địa phương cần phải được nhận biết thông qua nhãn hiệu. Thứ ba đó là áp dụng thuế kinh tế khu vực (TER). Loại thuế này giúp tài trợ một phần những giải pháp đã đề ra trong khu vực và giảm sự bất bình đẳng.

Quan điểm mới về hội nhập kinh tế xuyên biên giới này nhờ vào phát triển các vùng lãnh thổ và các vùng biên giới nằm trong tiến trình hội nhập khu vực mà các nước châu Phi nói tiếng Pháp đưa ra.

Trên tinh thần đó, các nước châu Phi nói tiếng Pháp cần đặt vùng lãnh thổ ở trung tâm của hội nhập kinh tế xuyên biên giới, điều đó tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và tạo môi trường kinh tế bền vững.

Ngoài ra, các cần phải mở rộng các chợ phiên thậm chí biến thành chợ hàng ngày. Tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp, các chợ đã trở thành những thế mạnh thực sự để phát triển vùng và thúc đẩy hội nhập kinh tế xuyên biên giới. Các vùng lãnh thổ cũng phải tăng cường hợp tác, điều đó giúp tăng cường phát triển kinh tế khu vực, một trong những đòn bẩy cho sự phát triển và hội nhập là hợp tác.

Hợp tác giữa các thành phố biên giới sẽ giúp bảo đảm tài chính để thực hiện xây dựng hạ tầng mới, điều kiện tiên quyết để phát triển thương mại xuyên biên giới. Các nước châu Phi nói tiếng Pháp cần phải củng cố tiến trình phân cấp quản lý, đầu tư xây dựng các trục đường chính giữa các khu vực biên giới. Guinea và Senegal có chung đường biên giới có thể chia sẻ vốn xây dựng hạ tầng đường bộ để có thể đem lại lợi ích cho các vùng biên giới.

Do vậy, cần thiết phải có cam kết và ý chí chính trị của các nước châu Phi có sử dụng tiếng Pháp. Phát triển hạ tầng như các trung tâm y tế và bệnh viện là mục tiêu sử dụng ở khu vực biên giới. Người dân có thể qua biên giới giữa các nước láng giềng để được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện gần nhất, giúp tăng cường quan hệ giữa các địa phương.

Cuối cùng cần phải tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa các vùng trên cơ sở xác định những lợi thế so sánh, đa dạng hóa sản xuất nội địa nhưng cần tính đến những giá trị văn hóa và xã hội của mỗi vùng.

Ngoài ra, việc phân cấp quản lý từ nhiều năm qua sẽ là một cơ hội để tăng cường hợp tác song phương mới. Hội nhập kinh tế xuyên biên giới cần phải đi từ thấp đến cao. Nếu những giải pháp này có hiệu quả, các nước châu Phi nói tiếng Pháp sẽ tiến một bước dài để trở thành khu vực mới nổi vào năm 2035.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-dong-phap-ngu-o-chau-phi-can-hoi-nhap-kinh-te-53666.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.