Chặn cửa thất thu ngân sách

Giá trị dòng tiền qua báo cáo EITI cho thấy công nghiệp khai khoáng là mảnh đất màu mỡ nhưng rất dễ xảy ra thất thu nếu không có giải pháp minh bạch thông tin để kiểm soát hiệu quả.
Mục tiêu phát triển kinh tế là hàng đầu chứ không phải thu ngân sách
Tổng thu ngân sách đạt hơn 1 triệu tỷ đồng
Tăng thuế lo thất thu ngân sách

Đã gần 10 năm kể từ khi tiếp cận và xem xét Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), song tới nay Việt Nam vẫn lần lữa tham gia vào sáng kiến này. Cứ mỗi năm chậm trễ áp dụng, là hàng tỷ đồng đóng góp vào ngân sách của ngành công nghiệp khai khoáng lại bị thất thu. Nguy cơ này được Liên minh Khoáng sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra tại tọa đàm “Việt Nam tham gia EITI: Cơ hội hay rào cản”, tổ chức ngày 13/9.

Lợi ích đã rõ

Theo Liên minh Khoáng sản, tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 51 quốc gia thực thi EITI, 305 báo cáo cấp quốc gia đã được công bố, với tổng giá trị dòng tiền lên tới 1.900 tỷ USD. Rất nhiều quốc gia, từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… cho tới khu vực đang phát triển phụ thuộc lớn vào tài nguyên như châu Phi, hay các nước ASEAN như Indonesia, Philippines, Myanmar… đều đã chính thức cam kết tham gia, hoặc xa hơn nữa là đã trở thành quốc gia tuân thủ EITI.

Giá trị dòng tiền qua báo cáo EITI cho thấy công nghiệp khai khoáng là mảnh đất màu mỡ nhưng rất dễ xảy ra thất thu nếu không có giải pháp minh bạch thông tin để kiểm soát hiệu quả.

Chặn cửa thất thu ngân sách
Ảnh minh họa

Để minh họa cho sự hiệu quả của EITI, bà Trần Thanh Thuỷ, thành viên của Liên minh Khoáng sản đã lấy dẫn chứng về ngành khai thác đồng của Zambia. Theo đó, năm 2010 quốc gia này đã khai thác và chế biến 700.000 tấn đồng kim loại, với tổng giá trị sản xuất đạt 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách từ khai thác và chế biến đồng trong cùng năm chỉ đạt 400 triệu USD, tương đương 0,77% tổng giá trị sản xuất.

Một điểm bất thường khác, 50% nguồn thu là từ Công ty Khoáng sản Kansanshi có 20% vốn sở hữu nhà nước. Trong toàn ngành chỉ có 2 DN nộp thuế thu nhập. Đây là kết quả được chỉ ra sau khi áp dụng cơ chế đối chiếu và so sánh của EITI, cho thấy nguồn hụt thu ngân sách từ khai thác đồng ở Zambia là vô cùng lớn.

Tương tự như vậy, thông qua báo cáo EITI năm 2005 của Nigeria, chính phủ nước này đã xác định được 560 triệu USD cần truy thu từ lĩnh vực dầu khí. Nhờ giải quyết lỗ hổng được xác định thông qua EITI, Chính phủ Nigeria ước tính tiết kiệm được 1 tỷ USD ngân sách hàng năm. Một trường hợp ở gần Việt Nam hơn là Philippines.

Bà Thuỷ cho biết, năm 2013, Philippines đã hoàn thành báo cáo lần 1, qua đó phát hiện ra rằng chỉ có một số DN nằm trong khu vực hạn chế khai thác khoáng sản mới nộp thuế đầy đủ, khiến số thu chỉ đạt khoảng 900 triệu peso. Đáng nói là phân tích của EITI đã đề xuất, nếu tất cả các DN trong ngành khai khoáng của nước này cùng thực hiện đúng nghĩa vụ ngân sách thì số thu phải lên tới khoảng 3,7 tỷ peso. Như vậy ngân sách Philippines đã thất thu tới 2,8 tỷ peso.

Sao vẫn lừng khừng tham gia?

Ngoài lợi ích trực tiếp về giảm thất thu ngân sách, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI còn chỉ ra nhiều tác động hiệu quả khác của sáng kiến minh bạch thông tin ngành khai khoáng đối với Việt Nam. Theo đó, EITI giúp thực thi pháp luật hiệu quả hơn. Đơn cử con số xuất nhập khẩu hàng năm giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chênh lệch khá lớn và các chuyên gia cho rằng phần nhiều trong số này là do xuất lậu khoáng sản. Vì vậy theo ông Tuấn, khi công khai thông tin thì tình trạng này sẽ được nhận diện và đẩy lùi bằng các biện pháp hiệu quả.

Lợi ích khác của EITI là cung cấp thông tin đầu vào cho xây dựng chính sách. Ông Tuấn cho rằng, các chính sách quản lý hiện vẫn chưa tập trung vào điểm nóng, các số liệu mấu chốt để tăng hiệu quả, mà chủ yếu là suy đoán chính sách sẽ hiệu quả. Do đó khi có thông tin dòng tiền chính xác, chính sách trong ngành công nghiệp khai khoáng sẽ được xây dựng thiết thực và giải quyết tốt vấn đề thực tế hơn.

Khi đã có chính sách tốt, lợi ích to lớn hơn kéo theo là môi trường đầu tư được minh bạch hoá, tạo lập niềm tin cho DN. VCCI đã nhiều lần khuyến cáo, các DN làm ăn bài bản, đàng hoàng luôn thích môi trường kinh doanh công khai, minh bạch. Điều tra của VCCI trong thời gian qua cho thấy những NĐT lớn từ các nước phát triển thích hệ thống vận hành minh bạch và nhu cầu của họ về minh bạch luôn cao hơn. Vì vậy nếu Việt Nam muốn thu hút các NĐT lớn và có chất lượng thì minh bạch thông tin là việc không thể chậm trễ.

Các chuyên gia của Liên minh Khoáng sản lo ngại, trong 3 thập kỷ vừa qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô, song công tác quản lý tài nguyên khoáng sản còn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập.

Đó là cấp phép tràn lan, đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác, khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép, gây ra các hệ lụy về môi trường xã hội… Mặc dù vậy, khi có giải pháp chính sách là tham gia EITI để giải quyết các vấn đề này, thì việc đưa ra quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý vẫn rất lừng khừng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chan-cua-that-thu-ngan-sach-53476.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.