![]() | Nhân rộng cho vay theo chuỗi |
![]() | Xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều trở ngại |
![]() |
Ảnh minh họa |
Tháng 5/2008, Công ty TNHH Cường Tân hoàn tất thỏa thuận mua bản quyền sản xuất giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của Viện Sinh học Nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội). Với trị giá trên 10 tỷ đồng, thương vụ này thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Trực tiếp thuê lại ruộng của bà con nông dân, quy hoạch lại thành vùng sản xuất rồi thuê chính những nông dân đó chăm sóc lúa cho công ty theo tiêu chuẩn quy hoạch, đến nay công ty đã phát triển diện tích trồng lúa chất lượng cao tập trung lên khoảng 210ha.
Thách thức xây dựng chuỗi
Sau gần 10 năm phát triển mô hình kinh doanh nêu trên, ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty Cường Tân nhìn nhận, việc quy hoạch từ những mảnh ruộng manh mún trở thành những vùng sản xuất quy mô lớn đã đem lại giá trị kinh tế cao. Người nông dân cũng được chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất lớn theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại, với máy móc hỗ trợ.
Hiện công ty đã xây dựng quy hoạch ruộng tại nhiều huyện khác nhau trong tỉnh Nam Định để sản xuất 2 vụ lúa giống. Đánh giá về liên kết sản xuất lúa giữa DN và nông dân, ông Sáu nhìn nhận, đó là giải pháp hiệu quả không chỉ giúp cho công ty có điều kiện mở rộng sản xuất, mà người nông dân cũng có mức thu nhập cao hơn...
Xu thế hội nhập đặt ra nhiều cơ hội cho các nông sản chủ lực của Việt Nam đi ra thế giới mạnh mẽ hơn, nhưng cũng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong bối cảnh ấy, việc các DN như Công ty Cường Tân, hay TH True Milk, VinGroup, Bảo vệ thực vật An Giang... mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp đang thể hiện triển vọng thay đổi theo hướng hiện đại hóa của ngành này.
Nhìn từ dòng vốn vào nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng đồng tình rằng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa thì các mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua DN đầu mối là xu hướng hiện nay.
Theo đó, DN đầu mối đứng ra ứng trước giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm định chất lượng và cam kết thu mua lại sản phẩm của nông dân để chế biến, tiêu thụ. Chính những liên kết này đã đem lại hiệu quả cao khi mà DN kiểm soát được chất lượng sản phẩm còn người nông dân có thu nhập ổn định hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, đa số các DN vẫn còn e dè chưa dám đầu tư vào lĩnh vực được cho là còn nhiều tiềm năng này. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện chỉ có chưa đầy 1% DN Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế không cao, thời gian thu hồi vốn dài, lại chịu rủi ro biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp hết sức khó khăn.
Từ hoạt động của DN mình, ông Đoàn Văn Sáu cho biết, quá trình mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, công ty đối mặt không ít khó khăn bởi chính sách tiếp cận đất đai. Để có được vùng sản xuất tập trung, Cường Tân phải thỏa thuận mua lại ruộng với người nông dân. Như vậy, chi phí công ty phải trả qua 2 lần: vừa phải thuê lại đất của bà con nông dân, vừa phải trả tiền sử dụng đất cho ngân sách. Trong khi, nguồn vốn đầu tư thì lớn mà việc thu hồi vốn lại gặp nhiều rủi ro vì thời gian thuê đất ngắn.
Cần chính sách phù hợp
Thực tế trên cho thấy, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam chịu sự thúc ép phải đi lên sản xuất lớn, thì chúng ta còn khó khăn để thu hút sự quan tâm của DN, và đó là sự “trái khoáy” mà nông nghiệp đang phải đối mặt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, năng suất chất lượng thấp, nông sản chưa tạo dựng được thương hiệu như hiện nay thì chỉ có cách là kéo các DN vào cuộc, xây dựng các mô hình sản xuất lớn, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm...
Nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này như Nghị định 61/2010/NĐ-CP về các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Nghị định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...
Riêng với chủ trương khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp gần đây nhất là hai chính sách: Nghị định 210 khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; và Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức công tư (PPP) để khuyến khích đầu tư xã hội nhiều hơn vào khu vực này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, động thái trên cho thấy một quyết tâm liên tục của chúng ta để hoàn thiện thể chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp.
Với ngành Ngân hàng, NHNN đã chọn ra 28 DN đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc tham gia cho vay chương trình thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã thu hút các DN tham gia.
Điển hình như Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá; mô hình liên kết sản xuất lúa của Công ty TNHH Cường Tân; mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco (An Giang)...
Khi bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2014, 8 NHTM cam kết tài trợ tín dụng cho 28 DN với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Theo NHNN, việc cho vay thí điểm sẽ tạo điều kiện cho các DN đầu mối ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng, được đảm bảo về nguồn vốn triển khai mô hình sản xuất với lãi suất hợp lý, tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên bên cạnh nỗ lực trên, các DN vẫn mong muốn Nhà nước sẽ có thêm những chính sách mới ưu tiên cho DN khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, những vấn đề cần cải thiện là chính sách về đất đai, cơ chế đặc thù trong tiếp cận vốn và sự minh bạch quản lý theo quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các địa phương cũng cần có những chính sách ưu đãi để kêu gọi các DN tham gia sản xuất các mô hình liên kết chuỗi...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-chuoi-nong-san-can-them-co-che-cho-doanh-nghiep-53468.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.