Chùa Cầu và Kazik
Nhận lời mời của anh Nguyễn Phú Lâm, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện VietinBank tại Đà Nẵng, tôi và kiến trúc sư Đỗ Xuân Đồng (cũng từng là dân ngân hàng, anh còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ) đã có một đêm trải nghiệm thật thú vị giữa lòng phố cổ Hội An. Mặc dù mục đích chính của chuyến đi là tham dự sự kiện văn hoá. Đó là Triển lãm ảnh với chủ đề: “Sắc màu của Trời và Đất” của nhà báo Vũ Công Điền.
Phố cổ vẫn nhộn nhịp khách tham quan du lịch cả Tây và Ta như thường vẫn thấy. Có điều phố cổ cũng như một người già không tránh khỏi quy luật khắc nghiệt “sinh, lão, bệnh, tử”. Khi mà trong những ngày này, những người yêu Hội An đã không khỏi thấp thỏm lo âu và dõi theo “số phận” của một kiến trúc khá nổi tiếng là chùa Cầu, một biểu tượng đã đi vào thơ ca “Ai xa phố Hội, chùa Cầu, để thương để nhớ, để sầu cho ai”. Hay bất cứ du khách nào đến Hội An mà chưa đến chùa Cầu để chụp tấm hình làm kỷ niệm thì xem như chưa đến nơi này.
Đó là câu chuyện có nên tháo dỡ hoàn toàn chùa Cầu để phục dựng lại hay để nguyên và trùng tu?
![]() |
KTS Đỗ Xuân Đồng, anh Nguyễn Phú Lâm và tác giả (từ phải sang) |
Sau một vòng tham quan phố cổ vào lúc chiều muộn trước khi về dự triển lãm. Chúng tôi đến tham quan một cơ sở mới đang được anh Lâm thiết kế xây dựng, mà như anh nói dự định sẽ làm một nhà hàng kiểu cổ để đón khách tham quan dự Hội nghị APEC diễn ra tại TP. Đà Nẵng vào năm 2017 sắp đến. Nhà hàng nằm trên mặt đường Trần Phú, có khoảng cách không xa với chùa Cầu.
Câu chuyện về phục dựng hay trùng tu chùa Cầu lại quay về với chúng tôi. Anh Lâm chia sẻ, với những người dân phố cổ, những ngôi nhà cổ từ lâu đã là linh hồn của phố, nên mặc dù mới chỉ nghe thông tin dự định sẽ tháo dỡ hoàn toàn chùa Cầu để phục dựng lại, nhiều người đã không khỏi trăn trở?
Kiến trúc sư Đỗ Xuân Đồng, người đã nhiều năm du học ở Ba Lan về ngành kiến trúc và cũng là quê hương của người kiến trúc sư tài ba Kazik đã có một ý kiến khá bất ngờ. Anh sẽ đề xuất với lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm của Hội An và tỉnh Quảng Nam một phương án trùng tù chùa Cầu theo cách của mình khá hữu hiệu mà không phải tháo dỡ chùa Cầu như một vài đề xuất gần đây.
Như một định mệnh, một cái duyên tiền kiếp, cái phố cổ nhỏ bé ven biển miền Trung này đã hút hồn Kazik. Bằng hành động và lời nói chân thành, Kazik đã truyền tình yêu và củng cố lòng tin cho lãnh đạo và người dân Hội An về giá trị nhân loại của di sản văn hóa phố cổ Hội An và cần phải bảo vệ nó.
Và chính người kiến trúc sư Ba Lan này đã có công lớn trong việc trùng tu và phát huy giá trị của phố cổ Hội An trong việc khai thác và phát triển du lịch. Phải chăng cũng là một định mệnh và là một cái duyên tiền kiếp khác đang tiếp nối. Tôi có lòng tin vào kế hoạch trùng tu chùa Cầu của người bạn kiến trúc sư Đỗ Xuân Đồng, mặc dù anh vẫn chưa tiết lộ phương án khả thi của anh?
Trước khi rời phố cổ, theo đề nghị của anh Lâm, tôi đã chụp cho Đỗ Xuân Đồng một tấm hình anh đứng bên bức tượng kiến trúc sư Kazik mà người dân Hội An đã trân trọng dựng lên giữa lòng phố cổ để bày tỏ lòng tri ân đối với ông. Tôi hiểu ý của anh Lâm. Đó cũng là một lời gửi gắm, một lời chúc thành công cho Đỗ Xuân Đồng, người đồng nghiệp của Kazik và đã có những năm tháng học kiến trúc tại quê hương ông.
Sắc màu của Trời và Đất
Không gian khách sạn Phú Thịnh về đêm thật lãng mạn. Phải nói rằng người chọn địa điểm cho cuộc triển lãm có con mắt chuyên nghiệp bao nhiêu, thì người chấp nhận “cuộc chơi nghệ thuật” này lại khá chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và tình yêu đối với Hội An bấy nhiêu.
Không chỉ dừng lại ở thưởng thức ảnh nghệ thuật “Sắc màu của Trời và Đất” mà khách đến dự còn được trải nghiệm các món ăn đặc sản dân dã Quảng Nam, được tận mắt nhìn thấy và nghe tiếng đàn nước réo rắt của đồng bào dân tôc Xê Đăng cũng được ra mắt trong dịp này.
Tôi biết Vũ Công Điền từ khá lâu, khi tôi mới bước chân vào làng báo thì anh đã là một tên tuổi ở Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng. Và lần này, không hiểu từ cơ duyên nào anh đã chọn khuôn viên khá lãng mạn và nên thơ tại khách sạn Phú Thịnh này để tổ chức triển lãm.
Nói đến Vũ Công Điền, đặc biệt trong giới làm báo ai cũng biết đó là một tay máy chuyên nghiệp về ảnh báo chí. Hơn 30 năm trong nghề làm báo anh lăn lộn hầu khắp mọi miền đất nước. Ảnh của anh được nhiều Hãng Thông tấn như AP (Mỹ), AFP (Pháp), REUTERS (Anh), KYODO (Nhật)… và nhiều tờ báo lớn trên thế giới như New York Time, Bangkok Post, The Times Of India… đăng và đánh giá rất cao.
Vũ Công Điền lăn lộn từ thực tế, để chụp lại những sự kiện, những khoảnh khắc ảnh diễn ra hàng ngày. Chất “lửa” ảnh báo chí trong anh lúc nào cũng hừng hực. Như anh từng tâm sự: Nghề báo ngoài tài năng cần phải đi, tiếp cận những người thật việc thật, mới có những khoảnh khắc ảnh trung thực, để cho người xem vui mừng và ngậm ngùi cùng tác phẩm. 50 tác phẩm ảnh màu, đầy chất hoài niệm, đầy chất tĩnh “Sắc màu của Trời và Đất” như gói gọn mọi miền quê vào giữa lòng di sản Hội An.
“Đó là những khoảnh khắc đẹp mà trời và đất đã ban cho con người, tôi nhận qua ống kính, qua con mắt và qua trái tim mình”, Vũ Công Điền trải lòng...
Tương truyền, chùa Cầu gắn liền với thủy quái Namazu trong truyền thuyết của Nhật Bản. Mỗi lần nó cựa mình, thảm họa như lũ lụt, động đất... sẽ xảy ra. Do đó, chùa Cầu được xây với ý nghĩa giống một thanh kiếm chắn ngang lưng Namazu, ngăn không cho nó cựa mình, giúp cuộc sống người dân bình yên hơn.
Không hiểu sao khi ngắm những bức ảnh “Sắc màu của Trời và Đất”, sửng sốt với những vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho con người, tôi lại liên tưởng đến truyền thuyết về lai lịch của chùa Cầu. Phải chăng đó cũng là thông điệp. Thiên nhiên chỉ đẹp khi con người biết trân trọng và gìn giữ?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/pho-co-cung-sac-mau-cua-troi-va-dat-53281.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.