![]() | Nhức nhối rác thải xây dựng |
![]() | Chất thải và môi trường - Bài toán còn nhiều ẩn số |
Gian nan từ đồng bằng…
Gần đây, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, kiên quyết loại bỏ những dự án có khả năng gây tác hại cho môi trường. Đồng thời, ở địa phương nào để xảy ra việc ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
![]() |
Rác thải sinh hoạt, sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống khu vực nông thôn |
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Một lượng rác thải rất lớn nằm tồn đọng trong các khu dân cư qua ngày tháng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân. Thực tế này tồn tại hàng chục năm nay tại các địa phương nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để...
Đơn cử, tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Nhưng tại đây, từ hàng chục năm nay, nhiều khu vực dân cư vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt và sản xuất. Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong việc xả thải, và việc thiếu quan tâm, đầu tư kinh phí khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Trong khi, dịch vụ vệ sinh môi trường ở vùng nông thôn chỉ mới phát triển nhỏ lẻ.
Có một thực tế, mặc dù địa phương có đầu tư xây dựng các khu vực thu gom rác thải tập trung, nhưng do không có đội ngũ thu gom rác thải tại nhà, hoặc khu thu gom rác thải tập trung nằm cách xa các nhà dân hàng cây số, mà người dân không mang rác đến. Vậy nên, rác thải sinh hoạt, sản xuất vẫn vô tư vứt ngổn ngang tại các kênh mương.
Ông Tống Đức Kế, thôn Ngọc Tam, xã Điện An (TX. Điện Bàn) cho hay, khu thu gom rác thải do xã đầu tư xây dựng tại khu vực gò Chim Chim, cách khu vực dân cư hơn một cây số nên bất tiện cho việc người dân mang rác đổ tập trung. Cùng với đó, xe thu gom rác thải chỉ đi thu ở một vài tuyến đường chính. Và điều đáng nói nữa, là một số người dân thiếu ý thức trong việc xử lý các loại rác thải liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Kế, nhiều hộ gia đình khi sử dụng xong các bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật không thu gom xử lý, mà vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng, ao hồ đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thực tế cho thấy, mặc dù địa phương đã thực hiện mô hình xây dựng bể chứa để thu gom chai lọ, bao bì sau sử dụng tại các cánh đồng, nhưng theo cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam nếu khâu thu gom, xử lý làm không tốt, không bảo đảm quy trình thì sẽ càng gây hại hơn.
… đến trung du, miền núi
Tại các tỉnh Tây Nguyên, do địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt, nên việc thu gom và xử lý rác thải tại các khu vực dân cư vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến việc ô nhiêm môi trường và khó có thể xử lý một cách triệt để.
Ở xã Xuân Phú, huyện Ea Kar (Đăk Lăk), mọi loại rác thải trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh đều do người dân tự xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc xả thải ra khu vực sông Krông Năng nằm ở thôn 3 và thôn 7.
Một cán bộ xã Xuân Phú cho hay, mặc dù chính quyền xã có liên hệ với một DN, ký hợp đồng thu gom rác thải nhưng không thành do xã nằm quá xa trung tâm huyện. Cạnh đó, địa phương cũng huy động các tổ chức, cá nhân thành lập dịch vụ vệ sinh môi trường nhưng không có ai đứng ra nhận. Không riêng xã Xuân Phú, mà trên địa bàn Đăk Lăk hiện có khá nhiều xã vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải như vậy.
Một bất cập khác tại khu vực Tây Nguyên, là do tập quán chăn nuôi gia súc thả rông ra môi trường; thói quen sinh hoạt, ăn ở chưa hợp vệ sinh như xây dựng chuồng trại chăn nuôi liền kề với nhà ở không đúng quy cách, đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn.
Không chỉ ở các xã vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả những điểm chôn lấp, xử lý chất thải ở hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa đảm bảo các quy định về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Trong khi đó, nhiều địa phương đã bố trí địa điểm, xây dựng quy hoạch bãi xử lý rác tập trung nhưng không có nguồn vốn triển khai thực hiện. Theo ông Y Ka Nin M’lô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đăk Lăk, để xây dựng một bãi rác đúng quy chuẩn đòi hỏi phải đầu tư hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa được bố trí, mà việc xã hội hóa công tác này lại là điều không hề đơn giản.
Thiết nghĩ, để từng bước giải quyết vấn nạn này, chính quyền các địa phương cần tập trung đề ra các giải pháp hữu hiệu. Trong đó, mạnh dạn kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư hoặc xã hội hóa một phần cùng với ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư vào hoạt động thu gom và xử lý rác thải tại khu vực nông thôn để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở khu vực này.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thu-gom-va-xu-ly-chat-thai-tai-nong-thon-bai-toan-nan-giai-52881.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.