![]() | Hà Nội: Ngành NH vào cuộc xây dựng nông thôn mới |
![]() | Hà Nội: Tạo cơ chế mở cho DN vay vốn |
![]() |
Bà Nguyễn Thị Mai Sương |
Nhịp theo sự đi lên của đất nước, suốt dọc chiều dài lịch sử 65 năm hình thành và phát triển, ngành Ngân hàng nói chung và ngành Ngân hàng Hà Nội nói riêng đã có những đóng góp to lớn, trở thành trợ lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh Thành phố Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh những đóng góp của ngành Ngân hàng Hà Nội trên địa bàn.
Thưa bà, từ bệ phóng truyền thống lịch sử hôm nay, nhìn lại 65 năm đồng hành với sự phát triển của Thủ đô, nếu đưa ra một số điểm nhấn thành công nổi bật, bà có thể cho biết như thế nào?
Có thể nói, ở bất cứ giai đoạn nào, trong hành trình phát triển, ngành Ngân hàng Hà Nội cũng đã luôn hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình do Đảng và Nhà nước, Ngành giao phó.
Suốt 65 năm qua, kể từ khi được thành lập (2/7/ 1951) với tên gọi ban đầu là Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Hà Nội, đến nay, có thể nói NHNN Chi nhánh HN đã luôn so bước, sát cánh cùng với nhịp xây dựng và phát triển của Thủ đô trong chiến tranh, hòa bình cũng như thời kỳ đổi mới, hội nhập; luôn tỏ rõ bản lĩnh với những ưu thế vượt trội của một ngành kinh tế nhạy cảm, rường cột của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung bằng những đóng góp hiệu quả, ngay cả những thời kỳ không ít cam go, gay cấn nhất.
Nếu như những “năm tháng đầu đời” - giai đoạn 1951- 1954, NHNN chi nhánh Hà Nội tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh kinh tế và tiền tệ với địch và phục vụ tiền tệ - tài chính cho các cơ quan kháng chiến của Hà Nội thì giai đoạn những năm 1955- 1965, sau khi Thủ đô được giải phóng, Chi nhánh đã cùng với Thành phố góp phần phục vụ công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế sau chiến tranh; bước đầu phát huy được vai trò trung tâm tiền tệ - tín dụng và trung tâm thanh toán trong đời sống kinh tế; đảm bảo mối quan hệ cân đối tiền hàng, góp phần củng cố sức mua của đồng tiền, ổn định giá cả và đời sống của nhân dân.
Bước sang những năm tháng chống Mỹ cứu nước, cũng như sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, và nhất là trong suốt thập niên 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, tình hình tài chính căng thẳng, lạm phát phi mã, nhưng với kinh nghiệm dày dặn của mình, NHNN chi nhánh HN đã luôn làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên cả 3 mặt: tiền tệ, tín dụng và thanh toán; lấy ổn định lưu thông tiền tệ làm trọng tâm, coi tín dụng là mặt trận phía trước.
Với một bệ phóng vững chắc dựa trên bề dày lịch sử dạn dày kinh nghiệm, với lợi thế hoạt động trên một địa bàn là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, lại được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng và chính quyền Thành phố (nhất là trong thời kỳ đổi mới), NHNN Chi nhánh Hà Nội đã có được những lợi thế so sánh.
Chỉ đơn cử là nơi hội tụ được những bậc “gạo cội” như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank… và hàng chục các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thâm niên lịch sử ngân hàng hàng vài trăm năm đóng trên địa bàn vốn đầy sức cạnh tranh, cũng đã là một lợi thế.
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Ngành, Thành phố và sự nỗ lực của cán bộ công chức qua các thời kỳ, hầu hết từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên đều là những cán bộ giỏi, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về nghiệp vụ và cao hơn là tình yêu nghề nhiệt huyết.
Vì thế dù trong các hoàn cảnh lịch sử kể cả giai đoạn khó khăn thử thách, NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội đều luôn nỗ lực gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong điều hành công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn.
Một mặt, tăng cường chỉ đạo các TCTD nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ mới, phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, mặt khác luôn tăng cường công tác thanh tra giám sát các hoạt động đầu tư tín dụng, kịp thời chỉ đạo và xử lý các ngân hàng có nguy cơ mất ổn định trong hoạt động ngân hàng.
Nhờ thế NHNN Chi nhánh Hà Nội đã không chỉ làm tốt vai trò là trung tâm thanh toán chính xác, kịp thời; cung ứng đầy đủ lượng tiền cho các TCTD và kho bạc trên địa bàn cũng như người dân mà ngành Ngân hàng Thủ đô còn trở thành một đơn vị luôn dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ dịch vụ tiện ích mới, tiên tiến. Nhờ đó, các chỉ tiêu hoạt động tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của các TCTD ở Thủ đô luôn đứng ở hàng nhất nhì toàn quốc.
Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình kinh tế trên thế giới đã diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cả nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, với tư cách là ngành kinh tế rường cột của Thủ đô, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Điều này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
![]() |
Nhân đây, bà có thể cho biết cụ thể hơn về vai trò của ngành Ngân hàng Hà Nội trong những năm gần đây?
Là ngành kinh tế tổng hợp cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ ngân hàng cho xã hội, ngành Ngân hàng Hà Nội đã phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Tính đến 30/6/2016, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn Hà Nội có 437 TCTD (tính đến cấp chi nhánh cấp I) đang hoạt động. Từng TCTD đã nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hoá công nghệ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Thành phố.
Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Nguồn vốn huy động trên địa bàn Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 30% tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng cả nước; Tốc độ tăng trưởng huy động vốn hàng năm từ 18-20% so với cuối năm trước, năm 2015 tăng 23,86% so với năm 2014. Đến 30/6/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 1.538.963 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động của cả nước.
Thực hiện đúng định hướng về cho vay, đầu tư vốn, có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, các dự án trọng điểm của Thành phố, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng ngành Ngân hàng Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá tốt, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn chiếm tỷ trọng 27-28% tổng dư nợ tín dụng của cả nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm tăng khá cao, nhất là năm 2015 dư nợ tín dụng tăng 22,46% so với năm 2014, trong đó dư nợ cho vay nền kinh tế tăng mạnh (+ 25,78%). Đến 30/6/2016 đạt 1.363.737 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng của cả nước, trong đó: dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.017.428 tỷ đồng.
Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp là một trong những hoạt động được NHNN Việt Nam rất chú trọng triển khai. Giám đốc có thể cho biết kết quả thực hiện của ngành Ngân hàng Hà Nội trên lĩnh vực này?
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND TP. Hà Nội về thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, có thể nói, thời gian qua, Ngân hàng Hà Nội và hầu hết các NHTM Hà Nội đều tích cực thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng các chương trình, gói tín dụng ưu đãi. Các TCTD trên địa bàn đã tích cực chủ động tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng.
Đến 30/6/2016, các NHTM, Chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 122.365 tỷ đồng, giải ngân 89.997 tỷ đồng cho hàng nghìn doanh nghiệp (bao gồm 49.982 tỷ đồng điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng và 40.015 tỷ đồng ký kết hạn mức tín dụng mới cho hàng nghìn doanh nghiệp).
Hiện nay, mức lãi suất trong chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã giảm 5-7% so với mặt bằng chung thời gian trước đây, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về chi phí sản xuất kinh doanh. Trong đó: Cam kết cho vay theo chương trình bình ổn thị trường 14.108 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân 1.948 tỷ đồng, hỗ trợ cho 107 doanh nghiệp. Lãi suất cho vay phổ biến từ 6-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, từ 8,5-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Chương trình được thực hiện đã có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh; còn ngành Ngân hàng đã đưa được vốn vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Song song với thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động tích cực thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở. Các chi nhánh thuộc 19 NHTM trên địa bàn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Còn hoạt động tín dụng chính sách và an sinh xã hội thì sao thưa Giám đốc?
Có thể nói đây cũng là một trong những thành công mà ngành Ngân hàng Hà Nội chú trọng thực hiện và đã thực sự trở thành một trong các trụ cột quan trọng đảm bảo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn trên cơ sở tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ngoài đóng góp cho phát triển kinh tế, ngành Ngân hàng Hà Nội đã có đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, coi đây là một nhiệm vụ.
Chỉ riêng giai đoạn 2011-2015, hoạt động tín dụng này đã góp phần tạo việc làm cho 75.000 lao động/năm của thành phố Hà Nội. Mặc dù hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái và góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, cố gắng dành một số tiền đáng kể, trong đó có một phần không nhỏ trích từ tiền lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên và người lao động, để thực hiện cho công tác an sinh xã hội.
Từ nay đến hết năm 2016, hẳn phía trước còn không ít những thách thức, vậy ngành Ngân hàng Hà Nội đã có kế hoạch hành động như thế nào?
Bước sang năm 2016, ngành Ngân hàng Hà Nội tiếp tục tập trung đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng của NHNN, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng; Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích ngân hàng.
Tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, sở ngành của Thành phố thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo Quy chế phối hợp số 02/UBND-NHNN ngày 4/6/2016 giữa UBND Thành phố và NHNN Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cung-thu-do-vung-buoc-tren-con-duong-phat-trien-va-hoi-nhap-52524.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.