![]() | TP.HCM: Sáu tháng thi hành án ngân hàng tăng 28 vụ |
![]() | Mỏi mòn chờ thi hành án… |
![]() | Nan giải thi hành án liên quan đến ngân hàng |
Tháng 8/2016, một đại diện của OCB đến gặp cơ quan thi hành án phản ánh, NH hiện đang cầm 5 triệu cổ phiếu của CTCK Viễn Đông làm tài sản đảm bảo nợ vay. Thế nhưng, DN này hiện đã bị đình chỉ hoạt động và cổ phiếu của DN chưa niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng giao dịch, NH đối mặt khả năng tài sản nhận đảm bảo khoản vay trước đây bỗng bốc hơi.
Nguy cơ mất vốn
Thông thường, các loại cổ phiếu OTC mà các NH cầm làm tài sản đảm bảo nợ vay bao giờ cũng được thẩm định trên các báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty phát hành ra cổ phiếu đó. Tất nhiên, trong kinh doanh thì luôn phải đối mặt với rủi ro chứ không thể nói chắc rằng an toàn mới cho vay, nhưng trường hợp cầm tài sản đảm bảo là cổ phiếu OTC thì rủi ro mất trắng khoản nợ vay có lẽ mình NH chịu đựng.
![]() |
Rủi ro mất trắng dù có tài sản đảm bảo nợ vay |
“Theo quy định của pháp luật, những hình thức cổ phiếu được mang ra làm tài sản thế chấp nợ vay của các NH hiện chưa có văn bản hướng dẫn cách thức đấu giá. Đối với những hình thức góp vốn có quy định kê biên vốn góp, thì việc xử lý nó như thế nào cũng chưa có. Những vướng mắc này chúng tôi sẽ kiến nghị lên Tổng cục Thi hành án Dân sự để có hướng tháo gỡ cho NH”, ông Vũ Quốc Doanh, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP. Hồ Chí Minh phát biểu như vậy trong một buổi họp phối hợp giải quyết nợ xấu ở địa bàn này.
Câu chuyện trên cho thấy, có rất nhiều vấn đề mà NH phải đối mặt trong các hoạt động cấp tín dụng. Nhưng mặc dù mỗi hợp đồng tín dụng đều có quy định rằng bên cho vay có quyền phát mãi tài sản thu hồi nợ nếu bên vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo quy định, khi nợ xấu xảy ra thì việc thu hồi vốn vẫn không dễ dàng. Chuyện bán tài sản đảm bảo hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc, kể cả có bản án của tòa án và đã được chuyển cho cơ quan thi hành án.
Lý giải nguyên nhân vì sao mà cơ quan thi hành án chưa thể thực hiện được nhiệm vụ khi có bản án của tòa chuyển sang, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Nội, ông Chu Quang Tiến cho biết, nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, có sai sót, cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị giải thích, sửa đổi bổ sung nhưng Tòa án chậm hoặc không trả lời.
Một số vụ việc, Cục Thi hành án Dân sự đã phải kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm. Cụ thể, Bản án của Tòa án đối với 16 tài sản thế chấp của 16 hộ gia đình tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trong vụ thi hành án đối với Công ty TNHH DVDL điện máy Thanh An, người được thi hành là VietinBank chi nhánh Ba Đình. Mặc dù theo ông Tiến, cơ quan này đã kiến nghị một thời gian tương đối dài nhưng đến nay vẫn chưa có Quyết định kháng nghị.
Bên cạnh đó, khi thu hồi nợ xấu, các chấp hành viên (cán bộ thực thi của cơ quan thi hành án) trong nhiều trường hợp đã không linh hoạt, dẫn đến việc thu hồi nợ bị kéo dài nhiều năm. Sự chưa linh hoạt đó, theo ông Tiến do án tín dụng NH tăng đột biến trong thời gian gần đây, trong khi số lượng chấp hành viên, biên chế được phân bổ trên thực tế chưa tương ứng với khối lượng công việc phải thực hiện. Hệ quả là dẫn tới tình trạng quá tải đối với nhiều cơ quan thi hành án dân sự, từ các cục cho tới chi cục và cả các chấp hành viên.
Cần tăng cường công tác phối hợp
Tuy nhiên, trong thực tế sự chậm trễ trong việc thu hồi nợ một phần do cán bộ NH cũng phối hợp chưa tốt ở nhiều khía cạnh. Ông Chu Quang Tiến cho biết: NH họ cho rằng trách nhiệm thi hành là của Cơ quan thi hành án, nên hạn chế phối hợp với cơ quan này đi xác minh, kiểm tra hiện trạng tài sản. Hay với một số vụ tài sản kê biên đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không bán được, NH không phối hợp tiếp và cũng không nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ dẫn tới vụ việc bị tồn đọng kéo dài.
Ví dụ như ở TP. Hồ Chí Minh, hiện số lượng án tồn đọng tại các TCTD là 2.779 vụ, tương đương với số tiền 12.844 tỷ đồng. Đây là tài sản của các NH sẽ phải chuyển sang năm 2017 mới giải quyết được do phải tuân thủ quy trình nghiệp vụ của cơ quan thi hành án (qua tháng 6 sẽ phải chuyển sang năm kế tiếp).
Theo Cục Thi hành án Dân sự TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 6/2016 đã thu hồi được 1.388 tỷ đồng cho NH qua các vụ án. Còn với Hà Nội, ông Tiến thừa nhận, chính sự khó khăn trong việc thu hồi nợ nên đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ các vụ án tín dụng NH được Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội giải quyết mới chỉ đạt xấp xỉ 4%, giá trị tiền chỉ được 7%.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo cơ quan thi hành án phải tập trung nhiều hơn trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến NH để hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu ngành NH. Nhưng để thúc đẩy thu hồi nợ trong thi hành án, theo quan điểm của ông Tiến, nếu chỉ nỗ lực riêng của một ngành nào đó là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể giải quyết nhanh những vướng mắc hiện tại.
Quan điểm trên cũng được phía NH đồng tình. Trả lời phóng viên TBNH, ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2015, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Cục Thi hành án Dân sự TP. Hồ Chí Minh tổ chức các buổi trả lời trực tiếp cho các TCTD về những vướng mắc trong quá trình thi hành án. Các bên sẽ trả lời bằng văn bản để đều nắm được vướng mắc và tháo gỡ.
Về phía Cục thi hành án Dân sự TP. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa đơn vị này và NHNN chi nhánh TP. Hà Nội trong công tác thi hành án dân sự.
Đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ có tài sản thế chấp, cơ quan này phối hợp với TCTD, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng rà soát phân loại để lựa chọn các vụ việc thi hành cho phù hợp, ưu tiên những vụ có tính thanh khoản cao, dễ bán, các vụ có giá trị lớn, án trọng điểm... để tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch phối hợp cưỡng chế thi hành dứt điểm, đảm bảo an toàn, giữ vững ổn định trật tự xã hội ở địa phương và đúng pháp luật.
Từ tháng 8/2016, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM tạo điều kiện để các TCTD nộp hồ sơ thi hành án qua mạng. Trước đó, NH đã có thể tự lựa chọn chấp hành viên cho 1 vụ án hoặc nhiều vụ án liên quan. Ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đề nghị các NH nên thận trọng hơn trong việc thẩm định các tài sản đảm bảo nợ vay, nhất là đất đai, tài sản nằm trên đất…
|
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kho-khan-thu-hoi-no-trong-thi-hanh-an-52323.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.