![]() | NHNN: Tín dụng ngoại tệ tăng không đáng quan ngại |
![]() | Không lo tín dụng ngoại tệ giảm |
![]() | Tín dụng ngoại tệ: “Nới” trong thận trọng |
Mùa cao điểm săn vốn
Hiện nay các công ty thủy sản ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang bắt đầu tích cực thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ các đơn hàng xuất khẩu giao trong tháng 11, 12/2016, và rục rịch chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm. Thời điểm này cũng là lúc các DN xuất khẩu mặt hàng cà phê tăng tốc chuẩn bị vốn cho việc thu mua cà phê nguyên liệu sẽ diễn ra mạnh vào tháng 9 và tháng 10, khi niên vụ cà phê 2015/2016 kết thúc.
![]() |
Các DN vay ngoại tệ 3%/năm sau đó bán ngay lấy VND thanh toán nguyên liệu làm hàng xuất khẩu |
Những tháng đầu năm vừa qua, tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng ở Tây Nguyên, đồng thời tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn biến mạnh ở khu vực ĐBSCL khiến cho vùng nguyên liệu bị co hẹp, sản lượng cà phê, tôm cá sụt giảm nghiêm trọng.
Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng tôm thu hoạch được trong nửa đầu năm chỉ đạt 28% (191.500 tấn) so với kế hoạch cả năm. Trong khi đó, ở ngành cà phê những dự báo cho thấy, khả năng niên vụ 2015/2016 sẽ chỉ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Việc sụt giảm nguyên liệu nói trên đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, để có thể thu mua được nguyên liệu chế biến xuất khẩu, các DN thủy sản, cà phê sẽ phải khá chật vật. Thời điểm này chính là lúc họ cần những khoản vốn vay lãi suất thấp để có thể cân đối giá mua, nhằm cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài ngay trên vùng nguyên liệu trong nước, đồng thời tính toán hơn thiệt tại các thị trường xuất khẩu.
Thực tế đã chứng minh, từ cuối quý II/2016 NHNN đã nhận thấy những khó khăn cũng như nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để thu mua nguyên liệu của các DN xuất khẩu. Chính vì thế, thời điểm cuối tháng 5/2016, ngành Ngân hàng đã ban hành Thông tư 07 cho phép các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ được vay USD trở lại nhằm thanh toán trong nước sau hai tháng hoạt động cho vay ngoại tệ bị khép lại.
Ngay sau khi NHNN mở van tín dụng ngoại tệ, hoạt động cho vay ngoại tệ ngay lập tức trở lại trong tháng 6, hàng loạt các DN xuất khẩu đã thở phào nhẹ nhõm.
Ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thời điểm đó đã thẳng thắn chia sẻ, việc được vay USD trở lại đã giúp cho hàng loạt DN trút bỏ được lo lắng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Mới đây, ông Vinh cũng khẳng định lại rằng, chính việc các DN tiếp cận được vốn vay lãi suất rẻ từ đầu tháng 6 đến nay đã kéo giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê lên mức trên 1,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Và như vậy, khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của ngành cà phê ở mức 2,43 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Vì chỉ trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng khoảng 200 triệu USD so với cuối tháng 6.
Tương tự, ở mặt hàng thủy sản, những thống kê của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho thấy rằng, trong 6 tháng vừa qua, do thiếu nguyên liệu chế biến, các DN phải bỏ ra khoảng trên 485 triệu USD để nhập khẩu tôm, cá ngừ và các loại thủy – hải sản khác.
Chính việc các NHTM mở cửa cho vay USD trở lại, đồng thời cam kết cho vay nhiều hợp đồng tín dụng ngoại tệ quy đổi ra tiền đồng để thanh toán trong nước đã giúp cho các DN có được nguồn vốn tốt để mua nguyên liệu từ trong nước và từ 75 thị trường quốc tế. Điều này góp phần vào sự phục hồi nhẹ của kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 3,15 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015.
Cửa đồng hành vẫn còn rộng
Thực tế, việc mở lại cửa vay vốn ngoại tệ đối với khối DN xuất khẩu được cho chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất hỗ trợ DN đối phó với các khó khăn khách quan, bất thường của thị trường. Quan điểm chung của NHNN vẫn là hạn chế tình trạng đô-la hóa nền kinh tế và nâng vị thế tiền VND. Chính vì vậy, đến hết năm 2016, việc NHNN có tiếp tục chính sách cho vay ngoại tệ chuyển đổi để thanh toán trong nước với các DN xuất khẩu hay không còn phụ thuộc vào nhiều cân đối vĩ mô.
Tuy nhiên, ngay cả khi NHNN có siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ vào thời điểm năm sau, thì trong những tháng cuối năm sắp tới đây, ý nghĩa hỗ trợ cộng đồng DN xuất khẩu của việc “mở van” cho vay ngoại tệ vẫn được thể hiện một cách tích cực và hiệu quả.
Bởi lẽ, nhu cầu vốn ngoại tệ cho thanh toán vào dịp cao điểm cuối năm của các DN xuất khẩu sẽ vẫn được các NHTM cung ứng. Trong bối cảnh lãi suất huy động ngoại tệ đã được kéo về mức tối thiểu (0%), huy động ngoại tệ của hệ thống NH giảm 6,25% trong 7 tháng đầu năm, mà thời gian qua các NHTM vẫn duy trì được các khoản cho vay ra bằng ngoại tệ, và có chiều hướng tăng lên, đã cho thấy tinh thần trợ lực DN của hệ thống NH là rất đáng ghi nhận.
Trong giả thiết, nếu hết năm 2016, NHNN không còn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu nữa thì cửa vay vốn lãi suất thấp của các DN cũng không hẳn khép lại hoàn toàn. Bởi thực tế, hiện nay một số NHTM (như VietCapital Bank, HDBank) đã triển khai các sản phẩm vay VND với lãi suất USD. Các DN tiếp cận vốn từ các sản phẩm này chỉ phải trả lãi suất 4-4,5%/năm – tương đương với việc vay USD chuyển đổi.
Thêm vào đó, hiện nay nhiều NHTM cũng đã tích cực hỗ trợ các DN xuất khẩu bằng các gói vay VND với lãi suất ngắn hạn chỉ bằng mức lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (tối đa 7%/năm). Điều này cho thấy rằng, cửa vay vốn rẻ trong dịp từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục rộng mở.
Nguồn vốn tín dụng chắc chắn sẽ góp phần hậu thuẫn tối đa cho lợi nhuận của DN và “phao cứu sinh” cho những chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu mà nhiều ngành hàng lớn như lúa gạo, thủy sản, cà phê, gỗ - lâm sản… đặt ra từ đầu năm nhưng đang phải “căng như dây đàn” vì những biến thiên của thời tiết và thị trường tiêu thụ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tin-dung-ngoai-te-cuu-xuat-khau-52256.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.