“Chia lửa” với ngư dân và doanh nghiệp

Có thể nói, thảm hoạ môi trường đã và đang gây ra những khó khăn cho ngành Ngân hàng cũng như nhiều khách hàng trên địa bàn Quảng Trị. Thế nhưng, điều đáng nói, trước những rủi ro ấy càng thể hiện trách nhiệm, sự gắn kết của ngân hàng với các khách hàng của mình. 
Để biển sớm hồi sinh: Điểm tựa của ngư dân
Vốn hỗ trợ thiệt hại do cá chết đã đến tay ngư dân Quảng Trị

Để ngư dân vơi bớt nỗi lo

Quảng Trị, có 75km bờ biển với hơn 8 nghìn ngư dân sản xuất trên các ngư trường truyền thống như, Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa… Đang làm ăn yên lành, song thảm hoạ ô nhiễm môi trường xảy ra đầu tháng 4/2016, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, hoạt động sản xuất của hàng nghìn hộ gia đình ngư dân nơi đây…

“Chia lửa” với ngư dân và doanh nghiệp
Vốn ngân hàng đang tiếp sức cho ngư dân Quảng Trị vượt qua khó khăn

Tại thị trấn Cửa Việt (Gio Linh), sau hơn 4 tháng xảy ra thảm hoạ, nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Bởi, đang là cao điểm mùa đánh bắt, song tại cảng cá Cửa Việt, tàu thuyền lớn nhỏ vẫn đậu san sát bên nhau.

Ông Phan Thanh Anh, một ngư dân ở địa phương cho biết, sau sự cố cá chết hàng loạt, do chuyên đánh bắt ven bờ nên con tàu nhỏ của gia đình lâm vào cảnh nằm bờ. Thêm mỗi ngày “treo lưới”, là thêm những nỗi lo chồng chất…

Ước tính, thảm hoạ môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 12 nghìn hộ dân ở Quảng Trị, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh... Hơn 2.000 tàu cá chuyên khai thác trong lộng phải chịu cảnh nằm bờ. Sản phẩm đánh bắt ven bờ lẫn xa bờ đều rất khó tiêu thụ.

Bên cạnh ngư dân, nhiều hộ thu mua, kinh doanh thuỷ hải sản, DN du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại BIDV Quảng Trị, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc chi nhánh cho biết, ngoài các ngư dân chịu ảnh hưởng nặng nề sau thảm hoạ môi trường, nhiều DN trên địa bàn cũng như đang ngồi trên lửa, kinh doanh ế ẩm.

Ông Hồng lấy dẫn chứng, resort của CTCP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, nằm cạnh bãi biển Cửa Việt. Những năm trước vào mùa cao điểm du lịch như hiện nay lượng khách rất đông. Song, từ sau sự cố về môi trường đến nay lượng khách đã giảm hẳn, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc BIDV Quảng Trị:

Tuy giá hải sản có hạ hơn trước đây, nhưng vẫn tiêu thụ được nên ngư dân Quảng Trị vẫn yên tâm bám biển. Để bà con yên tâm vươn khơi, chi nhánh đang đẩy mạnh việc cho vay thu mua, tạm trữ hải sản theo Quyết định 772 của Chính phủ. Đồng thời, chi nhánh vẫn đang bám sát ngư dân, lẫn DN… từ đó có phương án hỗ trợ tín dụng hiệu quả nhất.

Trước những khó khăn của ngư dân lẫn DN sau thảm hoạ môi trường, ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Trị cho biết, để ngư dân, DN vơi bớt nỗi lo, ngay từ những ngày đầu các TCTD trên địa bàn đã chủ động rà soát nợ vay của khách hàng bị thiệt hại. Từ đó, có những biện pháp gỡ khó như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay…

Đến nay, các chi nhánh NHTM đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 256 khách hàng với số tiền hơn 4 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho khách hàng gần 230 triệu đồng. Đồng thời, các TCTD cũng đã cho vay mới để khắc phục thiệt hại với số tiền 73,8 tỷ đồng; Cho vay thu mua, tạm trữ hải sản theo Quyết định 772 của Thủ tướng Chính phủ, các chi nhánh NHTM đã cho vay 46,13 tỷ đồng, với hơn 4 nghìn tấn hải sản đã được thu mua…

Tại Agribank Quảng Trị, đến nay số dư nợ cho vay lĩnh vực thủy hải sản đạt trên 700 tỷ đồng với gần 6 nghìn lượt khách hàng vay vốn tại 16 xã, thị trấn vùng biển. Sự cố môi trường ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của chi nhánh. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, Agribank Quảng Trị đã triển khai kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ cho các khách hàng.

Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc chi nhánh cho biết, Agribank Quảng Trị chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN bị thiệt hại. Từ đó, có những biện pháp tháo gỡ khó khăn. Đến nay, số tiền miễn giảm lãi cho khách hàng khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, chi nhánh còn tích cực cho vay mới để bà con chuyển đổi ngành nghề…

Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Quảng Trị:

Hoạt động của Agribank Quảng Trị gắn liền với bà con ngư dân. Vì vậy, sau sự cố môi trường, chi nhánh đã triển khai kịp thời và nghiêm túc việc hỗ trợ cho bà con ngư dân vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, chi nhánh sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn để các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, các DN trong vùng bị thiệt hại có nhu cầu vay vốn để ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả…

Tương tự, ở BIDV Quảng Trị ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của BIDV, chi nhánh còn ban hành quyết định miễn thu phí trả nợ trước hạn đối với các hộ ngư dân trực tiếp đánh bắt, khai thác hải sản và các khách hàng vay tiêu dùng có nguồn trả nợ từ hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản.

Đồng thời, đẩy mạnh chương trình cho vay thu mua, tạm trữ hải sản. Đến nay, dư nợ cho vay theo chương trình này ở chi nhánh đã đạt 30 tỷ đồng, góp phần tạo điều kiện để các DN trên địa bàn thu mua thuỷ hải sản cho bà con…

Tiếp tục đầu tư cho kinh tế biển

Cùng với Agribank, BIDV… Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Trị cũng đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ ngư dân nhanh chóng vượt qua khó khăn. Theo đó, chi nhánh đã tham mưu, đề xuất cấp vốn hỗ trợ ngư dân vay chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con bị ảnh hưởng.

Sau đó, địa phương cũng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cấp bổ sung 30 tỷ đồng đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó để tập trung nguồn vốn này giải quyết nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất của ngư dân các địa phương…

Số vốn này đã chuyển kịp thời về các địa phương như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng nơi có nhiều hộ dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề có nguồn vốn để vực dậy sản xuất, kinh doanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, số vốn trên đã được chuyển đến từng hộ ngư dân có nhu cầu vay vốn, để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, thảm hoạ môi trường đã và đang gây ra những khó khăn cho ngành Ngân hàng cũng như nhiều khách hàng trên địa bàn Quảng Trị. Thế nhưng, điều đáng nói, trước những rủi ro ấy càng thể hiện trách nhiệm, sự gắn kết của ngân hàng với các khách hàng của mình. Những rủi ro đã không làm cho các TCTD trên địa bàn “nhát tay” hơn trong việc đầu tư cho kinh tế biển, mà ngược lại càng thêm quyết tâm để đầu tư, phát triển kinh tế biển ở một địa bàn còn nhiều khó khăn như Quảng Trị…

Ông Hoàng Minh Thông, khẳng định vượt qua những khó khăn, chi nhánh tiếp tục xác định đầu tư phát triển kinh tế biển vẫn là những ưu tiên hàng đầu. Bởi, đây vừa là nhiệm vụ kinh doanh vừa là trách nhiệm chính trị. Thực tế, doanh số cho vay lĩnh vực ngư nghiệp hàng năm từ 2010 trở lại của chi nhánh luôn tăng dần theo thời gian.

Nguồn vốn của chi nhánh, được tập trung cho đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp công suất tàu, mua, chế biến các mặt hàng hải sản… Đặc biệt, sau sự cố nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư kho lạnh, lò hấp cá để thu mua, chế biến các mặt hàng xuất khẩu, tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con ngư dân.

Ông Hồ Văn Thăng, chủ cơ sở chế biến hải sản ở thị trấn Cửa Việt cho biết, sau sự cố hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, ngoài việc được giảm lãi suất, mới đây cơ sở tiếp tục được “bơm” thêm vốn, khi Agribank Quảng Trị đã cho vay 200 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở thu mua hải sản cho bà con, ổn định đầu vào để đẩy mạnh việc xuất khẩu…

Thực tế, sau thảm hoạ môi trường, từ nguồn vốn ngân hàng nhiều ngư dân đã nâng cấp, cải hoán tàu cá chuyển từ đánh bắt ven bờ sang xa bờ, với mức thu nhập cao hơn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế biển ở địa phương…

Nỗ lực đồng hành với ngư dân, tiếp tục đầu tư cho kinh tế biển, sau sự cố môi trường việc thực hiện Nghị định 67 cũng đang được các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh. Đến nay, các chi nhánh NHTM đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đối với 59 chủ tàu.

Trong đó, đóng mới 1 tàu dịch vụ hậu cần, 18 tàu đóng mới đánh bắt và nâng cấp 40 tàu… đã giải ngân với số tiền gần 190 tỷ đồng. Ông Nguyễn Sỹ Hồng, cho biết thêm, trong số 16 khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 ở chi nhánh, có 9 tàu đang ra khơi đánh bắt.

Nhìn chung, hoạt động của “tàu sáu bảy” rất hiệu quả, năng suất đánh bắt tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Nhiều hộ ngư dân đã trả nợ trước hạn đối với các khoản vay. Doanh thu trung bình của “tàu sáu bảy” đạt 270 triệu đồng/chuyến, lợi nhuận cao nhất là 120 triệu đồng/chuyến.

Đặc biệt trong tháng 7/2016 vừa qua, doanh thu cao nhất đạt trên 1,2 tỷ đồng/tháng thuộc về chủ tàu Lê Văn Cường, với con tàu có số đăng ký QT-94466-TS, với công suất 410CV, làm nghề vây mạn…

Agribank Quảng Trị đã trao số tiền hỗ trợ cho UBND tỉnh Quảng Trị 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo từ đóng góp ngày lương của cán bộ viên chức Agribank toàn hệ thống nhằm chia sẻ khó khăn với người dân 16 xã, thị trấn vùng biển bị thiệt hại.

Ngoài ra, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị, cán bộ nhân viên Agribank Quảng Trị đã đóng góp tiền lương ủng hộ 30 triệu đồng cho bà con ngư dân. Những hành động thiết thực này thể hiện tính cộng đồng, ý thức trách nhiệm xã hội của cán bộ, nhân viên chi nhánh trong việc chia sẻ, đồng hành cùng địa phương, cùng ngư dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chia-lua-voi-ngu-dan-va-doanh-nghiep-52238.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.