Khai thác trái phép cây dược liệu

Quảng Nam địa phương có nhiều dược liệu, cây thuốc quý không những có giá trị về y học mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. 

Khai thác tận diệt

Tuy nhiên, vì thiếu quy hoạch bảo tồn, đặc biệt vấn nạn khai thác trái phép đã và đang khiến một số loài dược liệu đang trên đà tuyệt chủng. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng, khi có sự tham gia mua bán trái phép của các thương lái đến từ nước ngoài…

Khai thác trái phép cây dược liệu
Sâm Ngọc Linh đang được Quảng Nam chú trọng bảo tồn

Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam, trên địa bàn có hơn 832 loại dược liệu thuộc 593 chi, 190 họ thực vật. Đặc biệt, trong đó có 36 loại cây thuốc hiện nằm trong “Sách Đỏ Việt Nam”. Có thể kể đến nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao như, sâm Ngọc Linh, Ba kích, Hoàng liên ô rô, Ngân đằng… Trong đó, phần lớn mọc tự nhiên trong các quần xã rừng, đồi, nương...

Tuy có nhiều loài dược liệu quý hiếm, nhưng việc bảo tồn phát triển các loài dược liệu này ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có nhiều nguyên nhân nhưng nổi lên là việc khai thác trái phép, khai thác theo kiểu tận diệt. Đơn cử như việc khai thác trái ươi, đây là loài có giá trị dược liệu rất cao, chữa nhiều loại bệnh như thoái hóa xương cột sống, đau lưng…

Trái ươi hiện có giá trị kinh tế cao trên thị trường, khi giá bán hạt ươi sang Trung Quốc đang tăng cao, mỗi kg dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng loại ươi còn tươi, giá hạt ươi khô khoảng 350 nghìn đồng, thậm chí có thời điểm lên đến 500 nghìn đồng/kg.

Do có giá trị cao nên người dân ồ ạt kéo vào rừng hạ sát cây để lấy luôn cả trái non. Có thời điểm như cuối năm 2015, người dân đổ xô về các huyện vùng cao Nam Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Phước Sơn… ồ ạt khai thác hạt ươi. Có nhiều cây ươi đường kính từ 20 - 40cm, trước đây không bị lâm tặc chặt phá vì gỗ ít có giá trị, tuy nhiên gần đây cũng bị chặt phá, đốn ngả không thương tiếc để khai thác hạt ươi.

Trước tình trạng khai thác trái phép này, lực lượng chức năng ở Quảng Nam đã vào cuộc tăng cường đẩy đuổi, hạn chế người dân tiếp tục vào rừng khai thác hạt ươi. Nhưng, việc ngăn chặn cũng gặp không ít khó khăn.

Tương tự, ở Quảng Nam người dân địa phương cũng đã đổ xô về các huyện miền núi như Phước Sơn hay Nam Giang để đào bới gốc rễ cây mật nhân, một loài dược liệu có nhiều giá trị kinh tế, đây cũng là loại rễ được người dân đồn tai nhau là trị bách bệnh... Do vậy, trên thị trường, mật nhân dạng cây, rễ còn tươi được bán với giá khoảng 100 - 150 nghìn đồng/kg, loại cắt lát phơi khô thì đắt hơn khoảng trên dưới 250 nghìn đồng/kg...

Do có giá trị lại dễ bán nên người dân các huyện miền núi Quảng Nam như Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... đổ xô vào rừng để đào gốc cây mật nhân đem bán. Thậm chí, trong các khu rừng phòng hộ, vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh… ngoài việc xuất hiện các đối tượng khai thác gỗ trái phép, còn xuất hiện nhiều cá nhân vào rừng để khai thác rễ mật nhân.

Tìm phương án bảo tồn

Ngoài những dược liệu kể trên, tại Quảng Nam người dân còn săn lùng các loài cây thuốc quý như cà dưa leo, chùm bành, lá vằng… rồi bán lại cho các tiểu thương Trung Quốc. Mặc dù, cơ quan chức năng ở Quảng Nam đã ra sức khuyến cáo người dân cảnh giác trước những chiêu dụ mua gom của thương lái. Song vì lợi nhuận nhiều vẫn bất chấp, khai thác trái phép các loài dược liệu ở địa phương...

Bên cạnh việc khai thác trái phép, khai thác theo kiểu tận diệt, nhiều loài dược liệu quý hiếm ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt còn do việc sử dụng rừng và đất canh tác không hợp lý, việc bảo tồn giống còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt là việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, loài dược liệu quý hiếm nhất ở Quảng Nam. Việc khai thác, mua bán tràn lan chưa có quy hoạch phát triển khiến vùng sâm tự nhiên dần cạn kiệt, kéo theo hàng nghìn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề...

Để bảo tồn những loài dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm khai thác và buôn bán.

Bên cạnh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, nhằm bảo tồn chủ động gen, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu, đưa một số loài dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt, xây dựng một số loài thành cây hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng cao.

Theo đó, địa phương sẽ tập trung quy hoạch bảo tồn và phát triển 3 loại cây dược liệu quý như, đảng sâm, sa nhân và ba kích tím. Đến năm 2020, diện tích phát triển cây ba kích 405 ha, sa nhân 210 ha và đảng sâm khoảng 400 ha. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát triển cây sâm.

Từ năm 2014, CTCP Thương mại dược sâm Ngọc Linh đã thâm canh nuôi trồng 21 nghìn cây sâm giống tại huyện Tây Giang. Hiện, loài sâm quý hiếm này đã được nhân dân trồng thành công dưới tán rừng tại các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang (Nam Trà My) từ độ cao từ 1.500 m trở lên, thời gian đầu cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, có thể nhân rộng trên thực tế trong vùng.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác tại Quảng Nam nói chung vẫn đang gặp khó khăn. Bởi, quy mô hiện vẫn còn nhỏ, số lượng ít, chưa hình thành được vùng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu ngay tại địa phương.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khai-thac-trai-phep-cay-duoc-lieu-52081.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.