![]() | Đài Loan có thể buộc Uber rời thị trường này |
![]() | Siết chặt quản lý Uber, Grab |
![]() | Mã giảm giá Uber và Gbabtaxi 3/2016 |
![]() |
Ảnh minh họa |
“Bán mình” vì thua lỗ?
Sự kiện Uber sẽ bán công ty của mình tại Trung Quốc cho Didi Chuxing, đối thủ cạnh tranh chính của Uber tại Trung Quốc với giá 35 tỷ USD đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đại diện của Didi Chuxing nói rằng Uber Trung Quốc sẽ giữ lại thương hiệu của mình và Uber toàn cầu sẽ nhận được 5,9% cổ phần của công ty mới sát nhập này. Ngoài ra Didi cũng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Uber.
Mặc dù trong bức tâm thư gửi uber Trung Quốc, ông Travis Kalanick - đồng sáng lập kiêm CEO của Uber cho rằng, “thương vụ sáp nhập này đã mở đường cho đội ngũ của chúng ta và của Didi với một sứ mệnh vĩ đại, và nó cũng giải phóng một nguồn lực đáng kể cho những sáng kiến táo bạo hướng tới tương lai của những thành phố – từ công nghệ xe tự lái cho tới tương lai của đồ ăn và hậu cần”.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên tờ Tech in Asia, tác giả C.Custer cho rằng, quyết định “bán mình” của Uber có thể là một quyết định bị ép buộc bởi những nhà đầu tư đã chán ngấy việc nhìn Uber đổ tiền vào Trung Quốc mà không giành được thị phần từ Didi.
Trên thực tế, dù đã tiêu tốn tới 2 tỷ USD trong 2 năm để gây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động của công ty tại Trung Quốc (bao gồm có máy chủ riêng tại Trung Quốc, hợp tác với Baidu để sử dụng hệ thống bản đồ riêng cho Trung Quốc, hợp tác với Alipay để có hệ thống thanh toán trực tuyến riêng cho người dùng tại Trung Quốc), cũng như việc lôi kéo người dùng và lái xe tại các thành phố, Uber vẫn thất bại trong việc giành giật thị phần từ đối thủ Didi Chuxing.
Số liệu hiện tại cho thấy Didi Chuxing chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc, so với con số 8% của Uber. Thất vọng vì bị Didi bỏ xa trong cuộc đua giành thị trường, các nhà đầu tư của Uber từng nhiều lần kêu gọi công ty bán tháo tất cả số tài sản tại Trung Quốc.
“Uber đã mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để phủ nhận Uber đã thua tại Trung Quốc. Một năm về trước Didi kiểm soát thị phần lớn nhất của thị trường gọi xe qua ứng dụng của Trung Quốc nhưng chỉ hai tháng trước, với số liệu không khác đáng kể, Phó Chủ tịch chiến lược của Uber Trung Quốc vẫn phát biểu công khai rằng Uber sẽ đánh bại Didi chỉ trong một năm tới”, C.Custer nêu ra.
Trong khi đó, lý giải về thất bại của Uber, Giáo sư William Kirby của trường Kinh doanh, Đại học Harvard cho rằng, Uber không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi mà do các quy định đối với công ty đặt xe sắp được ban hành.
Cụ thể như lái xe của dịch vụ đặt xe qua ứng dụng phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lái xe và không có tiền án, tiền sự; Các công ty cũng không được phá giá để chèn ép đối thủ hay thống lĩnh thị trường; Các công ty đặt xe qua ứng dụng chịu trách nhiệm đóng thuế và mua bảo hiểm cho khách…
Các công ty địa phương hoàn toàn có thể thắng
Uber sau khi “bị đá” khỏi thị trường Trung Quốc liệu có chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam đang là vấn đề được không ít người quan tâm.
Trong tâm thư ngày 3/8/2016 gửi tới đội ngũ Grab trên toàn Đông Nam Á, ông Anthony Tan - CEO của Grab cảnh báo: “Với thương vụ tại Trung Quốc, chúng ta đều thấy rằng Uber sẽ chuyển hướng chú ý và nguồn lực tới khu vực của chúng ta".
Trên thực tế dù đã bước chân vào Việt Nam từ đầu năm 2014, cho đến nay, Uber vẫn đang duy trì mức hỗ trợ đáng kể cho lái xe (lên đến 50% doanh thu), và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người sử dụng mới. Tuy nhiên, nhìn vào sự thất bại của Uber Trung Quốc liệu việc hỗ trợ nêu trên không phải là một chiến lược kinh doanh bền vững?
Trong bức tâm thư của mình, Anthony Tan - CEO của Grab cũng viết: "Thành công của Didi đã củng cố những gì mà chúng ta luôn luôn tin tưởng. Rằng chúng ta sống trong một thế giới đa dạng và sẽ không thể có một giải pháp phù hợp với tất cả. Những giải pháp mang tính khu vực luôn giải quyết tốt nhất những vấn đề của khu vực" và "khi nhà vô địch chủ nhà đứng vững với lòng tin và thế mạnh của mình, họ sẽ thắng thế. Chúng ta đã chứng kiến sự thực này ở Trung Quốc, và ở đây cũng vậy. Họ đã thua một lần, và chúng ta sẽ hạ gục họ một lần nữa".
Trong khi đó tại Việt Nam, Uber gặp khá nhiều rào cản, bị Bộ Giao thông vận tải trả lại Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị Uber sửa lại Đề án nhưng được biết cho tới nay, Uber vẫn chưa có động thái nào khác và chỉ có Vinasun và Grab là hai công ty được phép triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Một điểm đáng lưu ý khác, Uber dù đã hoạt động tại Việt Nam từ 2014 đến nay nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể thu được một đồng thuế nào từ Uber.
Xem ra con đường kinh doanh của Uber tại Việt Nam cũng sẽ gặp không ít chông gai.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/uber-trung-quoc-phai-ban-minh-vi-thua-lo-52019.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.