Vẻ đẹp… “chui”

Người có vẻ đẹp hình thức bên ngoài thì có quyền tự hào, được nhiều người ngưỡng vọng. Thậm chí có nhiều người “trồng cây si”, ao ước và có quyền đi tham dự các cuộc thi nhan sắc. Hiển nhiên thôi, cứ đủ điều kiện cuộc thi nào thì đăng ký, chấp hành đúng nội quy, đúng tiêu chuẩn, chẳng có gì phải ồn ào.
Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 có gì đặc biệt?
Nghĩ về cái đẹp!
Vẻ đẹp… “chui”
Rất ít thí sinh hội đủ tài năng và nhan sắc

Nhưng lạ là, từ nhiều năm qua thi nhan sắc đã trở thành chuyện quá nhàm, ồn ào bởi sau khi các người đẹp được vinh danh rồi mới… lộ chuyện. Có cuộc thí sinh chưa tốt nghiệp cấp III cũng được trao giải, có cuộc thí sinh thi “chui”, tức là chưa xin phép và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Có cuộc người đẹp được vinh danh, liền kéo theo nhiều nghi án nào là mua giải, nào “ăn dơ” với nhà tổ chức, nào là sử dụng dao kéo - phẫu thuật...

Đó là chưa kể đến trình độ, cách ứng xử của thí sinh kém đến mức tệ hại. Nhiều người đã phải thốt lên về một trào lưu rầm rộ các cuộc thi đồng thời rầm rộ bất cập, trong đó sự tham gia của tư nhân vào tổ chức và thu lợi nhuận. Ai cũng có thể tổ chức thi miễn là có tiền đầu tư. Sự nhiễu loạn của thi thố kéo theo sự nhiễu loạn của chất lượng. Nhưng xót xa hơn, như nhiều nhà văn hóa chia sẻ là chất lượng tỷ lệ nghịch với số lượng cuộc thi, dù người con gái Việt Nam ngày càng đẹp.

Nhưng đồng nghĩa với đó, chứng tỏ thí sinh ở ta tuy có nhan sắc nhưng chưa hoàn thiện nhân cách, trình độ học vấn và cả kiến thức xã hội cũng như lòng tự trọng. Dù ở bất cứ lý do gì, thì đó cũng là sự gượng ép để được đi thi. Chung quy lại là bất chấp để đạt được mục đích. Đều là “chui” cả, là lách vào kẽ hở, lách các quy định để hướng tới danh hiệu cao quý là cái đẹp.

Đúng lý ra, cái đẹp thiêng liêng, là một giá trị. Con người được tôn bồi bằng nhiều yếu tố, thì thành ra rẻ rúng. Hay con người có vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn, có thể đường đường chính chính được tôn vinh, ca ngợi và chủ thể nhan sắc trọn vẹn niềm hạnh phúc, tự hào.

Ngược lại khi sự thật được phơi bày ra ánh sáng thì chủ thể ấy chịu sự bẽ bàng. Sao mà phải khổ thế. Sao nhan sắc cũng phải đi đường vòng, đi bằng cửa sau để đến bục vinh quang? Chúng ta còn tin ở giá trị nào, còn lấy đâu là thước đo cho một vẻ đẹp tuyệt diệu mà thượng đế đã hào phóng ban cho loài người.

Ông cha ta xưa vẫn lấy chuẩn mực của người phụ nữ là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Ở thời hiện đại, theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì điều đó vẫn đúng. Thời nay tuy còn có thể bổ sung một vài yếu tố khác, nhưng mấy cuộc thi còn giữ được những tiêu chí cốt lõi ấy.

Các tiêu chí, chuẩn mực đã bị làm méo mó và được đưa lên bàn cân, để những người cầm cân nảy mực đánh tráo, từ đẹp thành không, từ yếu thành đẹp. Nhan sắc không còn giá trị. Họ đã biến các cuộc thi thành sân chơi của một số người, thành chỗ thỏa thuận, mua bán và ngã giá. Khiến cho phía sau sự tỏa sáng lung linh là sự nhếch nhác, kệch cỡm, tầm thường.

Theo dõi và tìm hiểu, chúng ta đã thấy những vẻ đẹp “chui” nở ra như nấm sau mưa. Thậm chí có quá nhiều chuyện dở khóc dở cười như ở ngoài chợ nhưng xuất hiện trên các đấu trường nhan sắc. Một chuyện nực cười, là có cuộc thi chưa đến 10 thí sinh tham dự và đã trao giải cho 8 người.

Gần đây cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt 2016” khi chưa được cấp phép đã thi thố và trao giải cho tới 33 thí sinh. Là người đẹp của cuộc thi nào đó, có tầm cỡ và uy tín, thì đa phần được coi như những gương mặt đại diện của nhan sắc Việt.

Nhưng thi thố như thời gian qua, đã khiến cho nhiều nhan sắc tài năng thật sự chạnh lòng không muốn đi thi. Ngược lại, kích thích cho sự dễ dãi và nở tràn những nhan sắc muốn vẻ đẹp của mình được tôn vinh bằng mọi giá.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ve-dep-chui-50723.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.