Với Trịnh Lữ, việc dịch và giới thiệu văn học đương đại Mỹ tới công chúng Việt Nam, cũng như giới thiệu văn học Việt Nam sang đất Mỹ dường như là một sứ mệnh và cũng là niềm đam mê giúp ông gặt hái nhiều thành công. Nhưng Trịnh Lữ không chỉ có thế.
![]() |
Trịnh Lữ - nghệ sĩ tài hoa |
Ở Việt Nam, ít ai biết đến Trịnh Lữ với vai trò của một nhà sáng tạo nghệ thuật. Sinh ra trong gia đình với cha và mẹ là Trịnh Hữu Ngọc -Nguyễn Thị Khang, hai người đã dạy vẽ cho Trịnh Lữ từ nhỏ. Ngay từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, ông đã vẽ phong cảnh về Hà Nội. Trịnh Lữ từng có 2 triển lãm cá nhân tại New York (Mỹ) từ năm 1992 - 1993.
Sau này, ông cũng từng thử sức với việc vẽ tranh phong cảnh Hà Nội nhưng chưa được chú ý nhiều. Song tài năng hội họa của ông được mài dũa trong những năm tháng sống trên đất Mỹ. Và dấu ấn trong hội họa chính là việc thời gian qua Trịnh Lữ đã có phòng tranh “Đi vẽ phong cảnh Mỹ” tại phố Hàng Đồng (Hà Nội) được nhiều người chú ý.
Phòng tranh của Trịnh Lữ giới thiệu 67 bức trực họa sơn dầu vẽ cảnh thiên nhiên vùng tiểu bang Wisconsin là thành quả cho hành trình hơn 100 ngày “đạp xe đi và vẽ” của người họa sĩ già.
Với ông, đi tìm cảnh vẽ trong một vùng thiên nhiên phong phú chừng hơn trăm cây số, phần nhiều là đường nhỏ, lối mòn thì không gì bằng xe đạp. Khi đạp xe có cảm giác đang vận hành chứ không phải ỉ lại chờ máy móc lôi đi, rồi cảm nhận rất gần với đường đất dưới chân, với thiên nhiên cảnh vật tạo nên hứng cảm cho người họa sĩ.
Sự ảnh hưởng của Tây Âu trong phong cách vẽ tranh của Trịnh Lữ là điều không thể phủ nhận. Ban đầu, ông chịu sự chi phối của trường phái Ấn tượng nhưng dần dà, Trịnh Lữ thoát dần ra khỏi tầm ảnh hưởng và chạy theo mối giao hòa giữa tác giả và thiên nhiên. Ông để mặc cảm xúc dẫn đường cho những đường nét và màu sắc.
![]() |
Một bức sơn dầu của Trịnh Lữ |
“Cảnh chọn mình chứ mình chả chọn được cảnh”, vậy nên cứ đạp xe đi và ngắm nhìn, bắt gặp cảnh đẹp là Trịnh Lữ vẽ. Mỗi bức tranh như một sáng tác bất chợt của người họa sĩ trên những chặng đường rong ruổi. Chỉ với khổ giấy nhỏ cùng những chất liệu sơn dầu khác nhau, phong cảnh nước Mỹ đã được tái hiện một cách rõ ràng và xinh đẹp.
Mỗi cảnh - mỗi lúc - mỗi mùa mỗi khác, không có công thức hay nguyên tắc nào trong cách vẽ của ông. Là vẽ trực họa nên yếu tố quan trọng nhất chính là sự chân thật - chân thực từ cảnh vật, màu sắc cho đến những giao cảm với thiên nhiên trong tranh của Trịnh Lữ. Tại phòng tranh của Trịnh Lữ, lúc nào cũng đầy những người yêu nghệ thuật, đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi nhưng cùng chung niềm yêu mến và cảm phục trước tài năng của người đàn ông này.
“Những việc tôi làm đều chỉ là tự phát, do đòi hỏi của cuộc sống và sở thích cá nhân, chứ không ai giao nhiệm vụ cho mình cả” – dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ. Trịnh Lữ vì thế không chỉ là một cây bút đáng tin cậy của các tác phẩm dịch. Giỏi tiếng anh và hiểu biết rộng, Trịnh Lữ từng có hơn 10 năm làm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên hợp quốc.
Thời chiến, ông là một phát thanh viên vận động lính Mỹ phản chiến. Trịnh Lữ sau này từng hợp tác với Thông tấn xã Việt Nam xuất bản tờ Viet Nam Opportunities (Cơ hội Việt Nam) - cầu nối thông tin đầu tiên giữa hai nước Việt – Mỹ.
Ông trở thành một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ của hai nước và đặc biệt về lĩnh vực giáo dục đại học và y tế. Nhiều công trình ý nghĩa như xây dựng trường Đại học quốc tế Rmit và những trung tâm học liệu tiên tiến nhất ở cả ba miền nước ta đều có dấu ấn và sự đóng góp tâm sức của dịch giả họ Trịnh.
Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội), từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam. 15 năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, ông là phóng viên từng đi tác nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó chuyển sang làm biên tập các bản tin quốc tế.
Năm 1987, Trịnh Lữ và gia đình chuyển sang Mỹ sinh sống khi ông nhận làm việc cho Quỹ dân số của Liên hợp quốc. Năm 1990, ông được học bổng theo học chuyên ngành truyền thông tại Trường Đại học Cornell. Năm 2002, sau 15 năm bôn ba ở xứ người, Trịnh Lữ và vợ quyết định trở về Hà Nội sống.
Đời sống nghệ thuật và những cống hiến của Trịnh Lữ đã được tất cả mọi người công nhận. Đó là họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York, là một nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản, một nghệ sĩ piano nghiệp dư, một nhà văn với những truyện ngắn đậm chất hoài cổ và mang một chút hơi hướng thiền... Dịch giả Dương Tường từng nhận xét ngắn gọn về Trịnh Lữ “đấy là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/net-cham-pha-trinh-lu-50672.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.