Thất thoát, lãng phí: Sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí.
Tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng
Phải xem tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đơn vị
Ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thẩm tra sơ bộ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết: trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì quản lý, sử dụng NSNN có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Công tác quản lý thu NSNN còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành NSNN. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN lớn (67,7%).

“Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí NSNN. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng cũng còn hạn chế: sử dụng NSNN sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Năm 2015, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 32.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 29 tỷ đồng”, ông Hải dẫn chứng.

Thất thoát, lãng phí: Sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu
Rất nhiều công trình lãng phí khi sử dụng vốn nhà nước (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều lãng phí, thất thoát và chậm được khắc phục. Việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn hoặc chưa thực sự cần thiết và cấp bách; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.

Một số công trình đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn thấp hoặc không thể đưa vào sử dụng. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí NSNN.

“Qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí NSNN lãng phí, hiệu quả kém như: Đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, an toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...”, ông Hải điểm danh.

Nhìn về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN, ông Hải cho biết có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Quá trình tái cơ cấu, tiến độ thực hiện cổ phần hoá DNNN còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN của các cơ quan chức năng, người đại diện theo pháp luật ở một số nơi còn buông lỏng đã dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Trong thời gian qua, vụ cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đã làm dấy lên dư luận về công tác quản lý chất thải của các cơ quan chức năng đối với các khu công nghiệp tại Việt Nam…

Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng thất thoát lãng phí, theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiêu chí để đánh giá thế nào là không tiết kiệm, thế nào là lãng phí thì có cái có thể tính được, có cái không tính được.

“Vừa rồi dư luận rất bức xúc tình trạng thất thoát, lãng phí tại các nhà máy: Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình, Xăng sinh học ethanol ở miền Bắc... Quốc hội cần yêu cầu báo cáo cụ thể về mấy dự án này và nói rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như người đứng đầu”, bà Nga đề nghị.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì đặt hàng loạt dấu hỏi về thất thoát, lãng phí quản lý tài sản công, trong đó có xe công. Bởi báo cáo rà soát có 700 xe công dôi ra ở các cơ quan, vậy sắp tới có điều chuyển cho những nơi chưa đủ hoặc bán đấu giá để đưa vào NSNN hay không?

Liên quan đến thất thoát, lãng phí trong chi thường xuyên, ông Hiền cho rằng đây là vấn đề quan trọng được đông đảo người dân và cử tri hết sức quan tâm. “Chưa biết tiết kiệm thế nào, nhưng báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quyết toán NSNN 2014 nêu rõ, có 50 tỉnh thành được kiểm toán thì 40 tỉnh thành chi vượt dự toán, trong đó 6 tỉnh vượt trên 30%, có tỉnh thành vượt 85% thì rõ ràng cần rà soát thêm”, ông Hiền đề nghị.

Để nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề xuất Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất.

Cùng với đó, ông cũng đề nghị Chính phủ hàng loạt giải pháp, trong đó quan trọng nhất là đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/that-thoat-lang-phi-se-xu-ly-nghiem-nguoi-dung-dau-49915.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.