![]() | Công bố đáp án Cuộc thi “Tìm hiểu về tiền Việt Nam” |
Được tiến hành từ ngày 20/4/2016 đến 20/5/2016, thời gian trọn vẹn một tháng không phải là dài với cuộc thi "Tìm hiểu về tiền Việt Nam" trên trang thông tin điện tử thoibaonganhang.vn. Song, với từng thành viên Ban tổ chức, đó là những ngày của dào dạt các cung bậc cảm xúc, vừa hồi hộp vừa ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mỗi lần nhấp nháy báo số lượng người dự thi.
Để rồi đến phút chót, mọi người đều thật sự vui mừng về thành công của cuộc thi. Không chỉ có số lượng người dự thi lớn, mà hơn cả là qua nội dung các bài thi cho thấy, người dân rất thông tỏ về đồng tiền Việt Nam, không chỉ là một thứ hàng hóa đặc biệt, mà nó còn mang trong mình bản sắc văn hóa truyền thống, lòng tự hào dân tộc và chủ quyền quốc gia.
![]() |
Như Phó thống đốc Đào Minh Tú đã nói “Để nâng cao giá trị của đồng tiền, không chỉ ổn định sức mua, nâng cao chất lượng của nó, các chính sách đảm bảo giá trị danh nghĩa, mà còn là văn hóa ứng xử với đồng tiền. Những cấu phần đó tạo nên một sức mạnh tổng hòa nâng cao giá trị đồng tiền của Việt Nam. Và đó là trách nhiệm của Chính phủ, của NHNN và mỗi người dân”.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2016), đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân, qua đó tôn vinh giá trị đồng tiền Việt Nam, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo NHNN, Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng Cục Phát hành - Kho quỹ (NHNN Việt Nam) tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về tiền Việt Nam" giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám thành công tới nay trên trang thông tin điện tử thoibaonganhang.vn.
Bà Nguyễn Lan Anh, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ, điều khó nhất đối với Ban tổ chức là phải xây dựng bộ câu hỏi và đáp án sao cho vừa ngắn gọn, vừa phải đảm bảo bao quát được cả quá trình hình thành và phát triển của đồng tiền Cách mạng Việt Nam; lại vừa góp phần giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về đồng tiền Việt Nam một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để hấp dẫn người dự thi.
“Với bộ câu hỏi và các phương án lựa chọn đều là những kiến thức phổ thông, không “đánh đố” bạn đọc, Ban tổ chức mong muốn qua cuộc thi này, mọi người sẽ có thêm những thông tin hữu ích trong quá trình sử dụng, gìn giữ và tôn vinh đồng tiền Việt Nam”, bà Nguyễn Lan Anh nhấn mạnh.
Sức hấp dẫn và hữu ích của cuộc thi đã lan toả và tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ xã hội. Theo thống kê của Ban tổ chức, mặc dù chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, song đã có hơn 46.500 lượt truy cập với 5.421 bài dự thi. Thí sinh tham dự cuộc thi thuộc mọi lứa tuổi và thành phần, đến từ mọi miền trên Tổ quốc, từ những xã huyện miền núi phía Bắc quanh năm sương mù bao phủ, cho tới các huyện đảo xa xôi đầy nắng gió...
Đó là những em học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường THPT, cao đẳng, đại học; là các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đang công tác tại nhiều cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… trên cả nước.
Càng đáng trân trọng hơn khi có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu, những người tuổi đã rất cao cũng nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều tổ chức, đơn vị đã phát động toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia. Nhiều chiến sĩ quân đội khi nghe tin về cuộc thi cũng nhiệt tình hưởng ứng. Đáng chú ý, có cả những thí sinh là người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước ngoài. Tất cả những điều đó đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của cuộc thi này.
Cụ Nguyễn Huệ - thí sinh cao tuổi nhất (sinh năm 1922, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) và là người đã từng tham gia đoàn quân Tây Tiến bày tỏ: “Là người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nên tôi rất thấu hiểu giá trị của độc lập tự do; giá trị và tính nhân văn sâu sắc của đồng tiền Việt Nam - đồng tiền Cụ Hồ. Bởi vậy, khi nghe con cháu nói về cuộc thi, tôi lập tức tham gia. Có thể nói đây là cuộc thi rất ý nghĩa”.
Còn đây là cháu Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh năm 2003, tại Trà Vinh). Mặc dù mới 13 tuổi, song cháu cũng đã ghi danh tham dự, mặc dù nếu xét về quy chế thì cháu không thuộc đối tượng tham gia.
Cuộc thi sẽ được trao giải sau một quá trình xét chấm nghiêm túc, công tâm của Ban giám khảo. Cái được lớn nhất sau cuộc thi là nâng cao thêm những hiểu biết của người dân về đồng tiền Việt Nam, để từ đó mỗi người thêm yêu quý, trân trọng đồng tiền như một biểu hiện của văn hóa, một nét đẹp tinh thần. Để rồi, cho đến mai sau nữa, mỗi đồng tiền đều vẫn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, chính trị - xã hội đương đại. Đó là một niềm kiêu hãnh, tự hào của mỗi người dân.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tien-viet-trong-long-nguoi-dan-viet-49564.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.