Nhà văn Sơn Tùng: Cả đời cầm bút khắc họa Bác Hồ

Sơn Tùng – nhà văn quê xứ Nghệ vẫn được đồng nghiệp, bạn đọc cả nước biết đến là người có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc và thành công nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dường như nhà văn Sơn Tùng sinh ra để viết về Bác Hồ, từ lúc nhà văn này còn trẻ hay khi về già, lúc khỏe mạnh hay phải đương đầu với bệnh tật…
Nhà văn Sơn Tùng: Cả đời cầm bút khắc họa Bác Hồ
Nhà văn Sơn Tùng và tác phẩm vừa được xuất bản Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 16 tuổi, ông hăng hái tham gia cách mạng. Từ năm 20 tuổi, Sơn Tùng đã ấp ủ trong mình ý định tìm hiểu về thân thế và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc với những người thân của Người, nhà văn Sơn Tùng đã ghi chép được nhiều tư liệu quý báu.

Từ cuối năm 1962, ông là phóng viên của báo Tiền Phong, nhưng 5 năm sau, ông xung phong vào chiến trường miền Nam khốc liệt theo tiếng gọi của Tổ quốc. Dọc đường vào chiến trường, ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng liên quan đến đề tài về Bác Hồ.

Năm 1971, Sơn Tùng bị thương ở Chiến khu Đ và mang trên mình 14 vết thương, trong đó đến nay còn 3 mảnh đạn găm trong đầu. Tuy nhiên, nhà văn Sơn Tùng vẫn tiếp tục miệt mài xây dựng các tác phẩm văn học về Bác Hồ. Đến nay, Sơn Tùng đã có hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ trong sự nghiệp sáng tác.

Nhắc tới nhà văn Sơn Tùng là chúng ta nhớ tới cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh, tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, được xuất bản lần đầu năm 1982. Ngay từ khi mới xuất bản, cuốn sách đã bán ra được hơn 300.000 bản và trở thành một “hiện tượng” xuất bản của nền văn học nước nhà lúc bấy giờ.

Búp sen xanh được nhà văn thai nghén trong khoảng 40 năm, từ giai đoạn những năm 40, nhà văn Sơn Tùng đã gặp thân nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong đó có Bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm để thu thập các tư liệu về Bác. Búp sen xanh được nhà văn viết từ năm 1948 đến năm 1980 mới hoàn thành.

Trên 300 trang viết, nhà văn Sơn Tùng đã dựng lại chân thực một khoảng đời từ thuở ấu thơ đến khi Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Búp sen xanh đã giúp chúng ta hiểu hơn về lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời bằng những trang viết xúc động, đã lay động tận những tình cảm kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè năm châu.

Hiếm có một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam nào lại được tái bản đến 20 lần, với hơn 40 vạn bản in và được dịch ra song ngữ Việt - Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Búp sen xanh sau này đã được dựng thành kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” - một bộ phim lôi cuốn người xem trong cả nước.

Không khó để chỉ ra những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác, ngoài Búp sen xanh còn có Bông sen vàng, Từ làng Sen, Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng, Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh… Gần đây nhất, nhà xuất bản Kim Đồng đã ấn hành tác phẩm tiếp theo của nhà văn Sơn Tùng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cuốn truyện dài Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh.

Tác phẩm tái hiện một cách sinh động khoảng thời gian dài hơn 4 tháng từ tháng 10/1910 đến tháng 2/1911, Người đến dạy học ở trường Dục Thanh. Dõi theo câu chuyện của nhà văn Sơn Tùng, bạn đọc thấy hiện lên trong từng trang viết là hình ảnh chàng thanh niên hai mươi mốt tuổi Nguyễn Tất Thành thông minh, điềm đạm, lễ phép và giàu lòng yêu nước, quyết tâm một lòng ra đi tìm đường cứu nước.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã khơi dậy trong lòng những học trò của mình tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường. Theo nhà văn Sơn Tùng, tác phẩm này được hoàn thành năm 1989, nhưng vì nhiều lý do nên mãi dịp gần đây mới được xuất bản. Và tác phẩm đã đưa ra một tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần yêu Tổ quốc, dân tộc mang tên Nguyễn Tất Thành để mọi người học hỏi, noi gương.

Trở về từ những cuộc chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc, do vết thương tái phát, sức khỏe của nhà văn Sơn Tùng đến nay giảm sút rất nhiều. Tuy nhiên nhiều năm trước, ông vẫn cùng vợ vào trong các tỉnh phía Nam nơi Bác đã đi qua để thu thập các tư liệu về Người. Cơn tai biến vào cuối năm 2010 đã khiến nhà văn Sơn Tùng bị liệt hoàn toàn. Nhưng sâu thẳm trong con người đầy nghị lực ấy vẫn khát khao viết tiếp những tác phẩm về chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương Nghệ An.

Hàng ngày, con trai ông là Sơn Định vẫn giúp cha hoàn thành bản thảo. Nhà văn Sơn Tùng luôn nghĩ rằng, bom đạn kẻ thù có thể hủy hoại thân thể ông, nhưng không thể nào dập tắt ý chí mãnh liệt trong con người ông. Có lẽ, tình yêu dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc đã thôi thúc nhà văn sáng tác, dẫu chỉ còn một hơi thở nhỏ nhoi.

Và đối với ông, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không còn là một công việc hay một niềm đam mê, đây dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông.

Với những trang viết nổi tiếng, trong đó có những tác phẩm xuất sắc về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Và đây chính là phần thưởng xứng đáng, quý giá nhất cho sự lao động miệt mài, dành trọn cuộc đời của nhà văn Sơn Tùng với những trang viết về Người.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nha-van-son-tung-ca-doi-cam-but-khac-hoa-bac-ho-48756.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.