Phía trước gian nan của tân Tổng thống Philippines
08:52 | 16/05/2016
Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua ở Philippines, ông Rodrigo Duterte sẽ trở thành chủ nhân mới của Điện Malacanang với nhiệm kỳ sáu năm, bắt đầu từ tháng Sáu tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước Philippines đang trải qua giai đoạn nhiều biến động, vị tân Tổng thống chắc sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ cả về kinh tế lẫn chính trị.
Thách thức lớn sau ánh hào quang
Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, song với cương lĩnh tranh cử táo bạo và lập trường cứng rắn, ông Duterte đã thu hút cử tri bằng hình ảnh một vị lãnh đạo dân túy, dám nghĩ dám làm, dù có những phát ngôn gây sốc.
Bước chân vào Điện Malacanang, vị tân Tổng thống sẽ phải tiếp quản những vấn đề rất căng thẳng mang tính “thâm căn cố đế” của nền kinh tế Philippines như bất bình đẳng xã hội, tỷ lệ tội phạm cao, hệ thống pháp lý yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan và cơ sở hạ tầng xuống cấp…
![]() |
Người dân xếp hàng bỏ phiếu ở ngoại ô Manila |
Hiện Philippines là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất ở châu Á. Tuy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức khá cao (5,8% năm 2015), nhưng các thành quả của tăng trưởng kinh tế chưa được lan rộng tới các khu vực nông thôn: có tới 5% dân số sống dưới mức nghèo khổ, 15% chỉ vừa đủ nhu yếu phẩm, gạo là nguồn thực phẩm chính nhưng giá liên tục tăng, tỷ lệ lao động tạm bợ và thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 25%.
Nền kinh tế quốc gia này chủ yếu dựa vào nguồn ngoại tệ được gửi về từ lực lượng lao động xuất khẩu đang làm ở các nước. Philippines cũng là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai như bão lụt, động đất…, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế.
Ở nhiệm kỳ trước, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino, Philippines đã xóa được tiếng xấu là “nước yếu ở châu Á”, thậm chí còn được coi là một trong số ít những “điểm sáng” về kinh tế với những thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiềm chế thâm hụt ngân sách, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, cải thiện đời sống của tầng lớp trung lưu…
Vì thế, nhiệm vụ của tân Tổng thống Philippines lần này là nỗ lực duy trì các thành tích tăng trưởng kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 nhờ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, song để những thành tựu đó lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo ở các vùng nông thôn khó khăn hay hẻo lánh, xa xôi, là nhiệm vụ không dễ dàng.
Ngoài ra, trong cương lĩnh tranh cử, ông Duterte cũng cam kết xóa sạch tình trạng tội phạm trên toàn quốc trong vòng sáu tháng bằng “bàn tay sắt” nhằm giải tỏa những lo ngại của người dân về vấn đề an ninh. Bên cạnh đó, nhiều khả năng thời gian tới, ông Duterte sẽ tập trung vào việc duy trì các chính sách kinh tế trung dung, có thiên hướng ủng hộ đầu tư của Chính quyền Tổng thống Aquino.
Chưa hết những hoài nghi
Bên cạnh những kỳ vọng rằng vị tân Tổng thống mới đắc cử sẽ có thể “thổi một làn gió mới” vào nền kinh tế vốn còn nhiều bất ổn của Philippines thì vẫn còn đó những ý kiến nghi ngờ về chiến thắng của ông Duterte.
Đánh giá về cuộc bầu cử Tổng thống tại Philippines, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, ông Joshua Kurlantzisk thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), ngày 11/5 cho rằng việc ứng cử viên Rodrigo Duterte giành chiến thắng đang khiến các nhà đầu tư trong và ngoài Philippines lo ngại.
Chuyên gia Kurlantzisk nhận định Tổng thống mới đắc cử Duterte không có kinh nghiệm chính sách ở cấp độ quốc gia. Các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte – người được xem như là "Donald Trump của châu Á" - cũng không đưa ra những chính sách cụ thể.
Xuất hiện trước nhóm doanh nghiệp nổi bật nhất của Manila trước thềm bầu cử, ông Duterte chỉ đưa ra một chút chi tiết về các đề xuất kinh tế và chỉ nhắc lại lời hứa vốn vẫn được đưa ra thường xuyên trong chiến dịch tranh cử là sẽ xử tử tất cả các tên tội phạm mà không cần phải xét xử.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng sự nổi lên của ông Duterte cũng như chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử vừa qua là một dấu hiệu bất an đối với chính trường Philippines nói riêng và nền dân chủ tại Đông Nam Á nói chung. Dưới một số góc độ, ông Duterte giống như các nhân vật chuyên quyền khác đã được bầu chọn ở khu vực, chẳng hạn như Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.
Trong cuộc chạy đua vừa qua, ông Duterte không đưa ra một tín hiệu nào cho thấy ông sẽ dung hòa các lời hứa phi dân chủ của mình, chẳng hạn như tiêu diệt tội phạm không cần xét xử hay thông qua các chính sách mà không cần hợp tác với cơ quan lập pháp.
Ngay cả khi ông Duterte trở thành một nhân vật ôn hòa về kinh tế, việc lựa chọn ông đã làm gia tăng khả năng những thành công trong làn sóng dân chủ toàn cầu thứ ba cuối cùng sẽ "trượt dốc" trở lại sự độc tài.
Là người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, nên việc Philippines sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Năm 2017, Philippines sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội, và ông Duterte sẽ phải tận dụng vai trò này để củng cố, thúc đẩy sự đoàn kết nội khối, góp phần phát triển Cộng đồng ASEAN, qua đó khẳng định uy tín và vị thế của Philippines.
Có thể nói việc hiện thực hóa những cam kết tranh cử một cách hiệu quả nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Philippines, giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của Manila trong khu vực và trên trường quốc tế là những nhiệm vụ đầy khó khăn đối với tân Tổng thống Duterte.
Có lẽ khi tới Cung điện Malacanang, ông Duterte sẽ hạ bớt giọng điệu của mình và bắt đầu lắng nghe những lời khuyên về cách điều hành quốc đảo 100 triệu dân từng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á trong những năm vừa qua dưới thời chính quyền tiền nhiệm Aquino.
PN