Những ngày hoa ban nở

Sau những lần gặp gỡ Mường Thanh, gặp gỡ Điện Biên càng thấy đằm thắm, mặn mòi và sâu lắng hơn với vùng đất lịch sử, xứ sở của áo cóm khăn piêu, của múa sạp múa xòe, mỗi độ xuân về hoa ban lại nở trắng rừng như bản tình ca Tây Bắc không bao giờ mất.

Tôi thường nghĩ, nếu như không có hoa ban, mùa xuân Tây Bắc sẽ chỉ còn một nửa. Biết là Tây Bắc còn rung rinh đào mận, những loài hoa cũng có vẻ đẹp nghiêng núi, nghiêng rừng nhưng cớ chi tôi vẫn cứ nhớ ban, mong ban như hằng nhớ, hằng mong ai đó. Tây Bắc rập rờn hoa ban trắng. Trên những triền núi xa xa. Bên cạnh đường quốc lộ 6. Nơi lồng lộng gió Pha Đin. Ở giữa lòng Điện Biên. Bên cọn nước. Cạnh nhà sàn. Như các cô gái Thái áo cóm trắng thơm. Ban nở.

Những ngày hoa ban nở
Tây Bắc rập rờn hoa ban trắng

Hai lần trước, năm 1999 và năm 2009 tôi lên Điện Biên không đúng dịp ban nở hoa. Mùa hè, gió Tây Trang thổi hôi hổi, chỉ có phượng đỏ rực trên cành. Tây Trang, không xa lòng chảo Mường Thanh mấy, cũng nổi tiếng lắm mà, ruồi vàng bọ chó gió Tây Trang. Hai lần trước, tôi muộn mùa ban nở. Lỡ hẹn cùng ban. Lần này thì đúng dịp, ban nở nhiều thế kia, đồi Độc Lập, đồi A1, đồi Him Lam... Con đường chính của thành phố Điện Biên mang tên vị Đại tướng huyền thoại, nhạc trưởng của bản anh hùng ca lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu cũng rộn rực hoa ban.

Sự tích các loài hoa nói chung là buồn. Hoa ban cũng vậy thôi. Chàng Khum, vừa giỏi làm nương vừa có tài săn bắn đem lòng yêu nàng Ban khéo tay dệt vải lại có giọng hát mượt mà. Thế nhưng, cha nàng Ban vì quá ham giàu đã đem gả con gái xinh đẹp của mình cho con trai nhà tạo mường vốn là một kẻ lười nhác lại gù lưng. Mặc cho Ban hết lời nài nỉ van xin, cha nàng vẫn nhất quyết không từ bỏ ý định và ông đã bàn bạc với nhà tạo mường sửa soạn lễ cưới linh đình cho hai người.

Trong bước đường cùng, Ban đã trốn chạy sang bản của Khum, tìm cách cầu cứu. Không may, người yêu của nàng đã theo cha đi công chuyện ở nơi xa. Gạt nước mắt, nàng Ban lấy khăn piêu buộc vào chân cầu thang nhà Khum rồi chạy đi tìm chàng. Nàng chạy, chạy mãi, từ núi này qua lũng kia, từ khi mặt trời mọc đến lúc trăng lặn, chạy tới lúc kiệt sức rồi chết trong rừng.

Nơi nàng Ban nằm xuống mọc lên một loài cây có hoa trắng, hương thơm dịu, nhụy ngọt như mật. Dân làng gọi tên cây là ban. Chàng Khum trở về, thấy chiếc khăn piêu của Ban buộc ở cầu thang, biết chuyện chẳng lành đã xảy ra cũng chạy vào rừng tìm nàng. Chạy hết núi gần đến rừng xa, gọi mãi, gọi mãi vẫn không thấy người yêu của mình, Khum kiệt sức ngã xuống và biến thành con chim lẻ loi có tiếng kêu thống thiết...

Gắn với sự tích của loài hoa đẹp này là lễ hội Hoa ban thường được tổ chức vào ngày 5/2 âm lịch. Đây là một lễ hội mang tính tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Thái, người ta thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía đôi trai gái yêu nhau qua sự tích hoa ban để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên lành.

Cùng với hoa ban, thung lũng Mường Thanh mang lại cho ta nhiều cảm xúc. Một người tôi quen ở bản Xam Mứn nói rằng, cánh đồng Mường Thanh chỉ đúng với danh tiếng Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc của nó sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Trước đây, rừng núi rậm rạp bao quanh những thửa ruộng trồng lúa bên cạnh nhiều ao hồ tù đọng. Đất Mường Thanh màu mỡ mà cây lúa không đủ gạo nuôi người. Đói cơm. Đói muối. Người Mường Thanh phải vào rừng đào củ mài, củ nâu để ăn. Củ nâu mài ra cho vào rọ ngâm xuống suối cho hết chát rồi trộn với sắn làm món ăn. Tháng Hai, tháng Ba hoa ban nở trắng rừng. Không có cái ăn, dân bản chặt cây ban xuống lấy hoa đồ lên chấm với quả nhót chín ăn chóng đói.

Đường về xuôi dằng dặc, chất ngất đèo cao núi hiểm. Nhiều người dân Mường Thanh thời ấy không hề biết tới vị mặn mòi của hạt muối biển. Chỉ được ăn muối mỏ đổi được từ bên Lào đem về. Người ta đem vải lanh, chỉ thêu đổi lấy muối mỏ. Cục muối đổi về được gói trong lá dong đặt trên gác bếp, đến bữa ăn cạo ra từng tí một để dùng. Muối và vàng quý như nhau.

Điện Biên giải phóng năm 1954, anh tròn mười tuổi. Cánh đồng, núi đồi quê anh lở loét vì bom đạn. Đứng trên núi cao nhìn xuống lòng chảo thấy giao thông hào của bộ đội ta giăng bủa như những con trăn xám, con trăn lớn đẻ ra nhiều con trăn nhỏ vây lấy các cứ điểm địch và cả Mường Thanh sặc sỡ trăm nghìn chiếc dù hoa của Pháp...

Đấy là chứng tích của chiến thuật đánh chắc thắng chắc thay cho chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh do vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đề ra trong trận chiến lịch sử này. Biết bao máu xương binh sĩ đã được “tiết kiệm” nhờ chiến thuật sáng suốt của Đại tướng và cái đáng nói nhất là chúng ta đã chiến thắng, toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Sau chiến tranh, mấy trung đoàn lính chiến của ta theo lệnh của Đại tướng bám trụ Điện Biên làm kinh tế, xây dựng văn hóa. Lúa, lạc, mía phát triển trên đất Mường Thanh. Một loạt công trình thủy nông theo nhau ra đời như Huổi Phả, Nậm Rốm, Ba Khoang... và gần đây có thêm Pe Luông, Hông Xạ...

Gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng từ Bắc vào Nam, người miền xuôi, người Hà Nội vẫn thường hỏi thăm mua về dùng, dân nước bạn Lào ở Phong Sa Lỳ, Phó Kẹo cũng thích gạo Mường Thanh...

Cánh đồng Mường Thanh dài chừng 15 cây số, rộng khoảng 7 đến 8 cây số tính ra có hơn 5.000 ha đất canh tác, trong đó phần lớn đã được tưới tiêu. Năm 1999, khi tôi lên đây đã được các anh ở UBND tỉnh Lai Châu (lúc ấy chưa tách tỉnh) cho biết, trước đây mỗi năm tỉnh phải xin Trung ương chi viện 3.000-4.000 tấn gạo nhưng giờ đây không chỉ đảm bảo được lương thực tại chỗ mà còn xuất khẩu được sang nước bạn Lào mấy trăm tấn.

Bây giờ, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Không còn độc canh lúa nữa. Nông nghiệp Điện Biên có thêm cao su, rau màu, hoa, nấm... cùng những vật nuôi có giá trị kinh tế cao khác.

Chúng tôi đến thăm một điểm sáng của Điện Biên trong phong trào xây dựng nông thôn mới là xã Thanh Hưng. Xuất phát của Thanh Hưng trước khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới khá thấp. Xã độc canh lúa. Hộ nghèo chiếm đến 19%. Thanh Hưng quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào đồng ruộng của mình những giống lúa mới có năng suất chất lượng và giá trị hàng hóa cao như Bắc Thơm 7, IR64.

Ngoài ra, người nông dân còn trồng rau màu, hoa tươi gối vụ. Chủ tịch xã, anh Nguyễn Ngọc Ngấn cười khà khà khoe với chúng tôi: “Một ha lúa giống mới có thể thu hoạch 140 triệu đồng mỗi năm, còn rau màu thì cũng cho ngót nghét 300 triệu đồng mỗi năm trên ha đấy các nhà báo ạ!”. Có lẽ nhờ thế, mà Thanh Hưng đang dần dà khá lên, hiện nay hộ nghèo chỉ còn 5,4%.

Cũng hơi lạ, khi biết rằng cây cao su đang được trồng theo hình thức đại điền khá nhiều ở Điện Biên. Cây cao su đã cắm rễ trên mảnh đất lịch sử nổi tiếng này với gần 3.500 ha ở huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo. Riêng Mường Chà chiếm tới 1.125 ha trồng ở Mường Mươn, Sa Lông, Na Sang... Vẫn còn là một tỉnh nghèo nhưng với những gì Điện Biên đang làm, sẽ làm, hy vọng vùng đất lịch sử này sẽ dần dần khấm khá lên, giàu đẹp như mong ước của nhân dân muôn đời nay.

Sau những lần lên Điện Biên, có lẽ ấn tượng đọng lại với tôi, trong tôi nhiều nhất, sâu nhất vẫn là ám ảnh lịch sử. Biết bao trầm tích ẩn chứa trong vùng đất cổ được những người Lự ở lòng chảo rậm rịt hoang vu này khai phá từ thế kỷ 9-10. Đến thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái Đen) từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) để rồi từ đây những cư dân sơn cước này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... và cuối cùng làm chủ cả một vùng mênh mông có tên gọi Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường La (Sơn La) và Mường Thanh (Điện Biên).

Cũng phải nhắc điều này như một minh chứng hùng hồn về ý thức chủ quyền của ông cha ta. Triều đại nào, quốc chủ nào, chế độ nào cũng phải thấm nhuần tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, cũng phải đặt vấn đề toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Tên gọi Điện Biên được Vua Thiệu Trị (Nhà Nguyễn) đặt từ năm 1841. Trước đó, vùng này được gọi là châu Ninh Biên. Điện Biên. Đấy là một khát vọng, một quyết tâm. Điện là vững chãi; Biên là biên ải, biên giới. Biên ải, biên giới vững chãi, giản dị và thiêng liêng như thế đó.

Hội tụ nhiều văn hóa độc đáo của các dân tộc cùng với di tích lịch sử đặc biệt Điện Biên Phủ là cơ sở để tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tôi đã đến hầu hết các di tích lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ như Bảo tàng, đồi A1, đồi Độc Lập, đồi Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy của De Castries, Sở chỉ huy của Quân đội ta ở Mường Phăng...

Dư âm của những trận quyết chiến khốc liệt hình như vẫn còn đây; dấu chân người lính xung kích chưa tan mờ trong cỏ cây đất đai lòng chảo, tiếng xẻng cục kịch đào hào đêm đêm, tiếng mưa tan trên mũ nan, trên vai áo trấn thủ, tiếng người ngã xuống sau làn đạn xối xả của địch...

Những nấm mộ có tên và không tên trong nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Điện Biên. Tất cả những dấu tích lịch sử này nếu biết khai thác sẽ làm cho ngành công nghiệp không khói của Điện Biên có cơ hội cất cánh bay cao bay xa.

Trong đêm trăng bên hồ Pe Luông thơ mộng tôi đã được nghe một cô gái Thái hát những câu dân ca trữ tình: Ăn cơm chung nguồn muối. Xuống suối chung thuyền chèo. Anh với em chung thủy đừng phai. Yêu thương ngàn năm đừng quên...

Tôi lặng nhìn cô gái Điện Biên. Áo cóm trắng màu hoa ban. Chao ôi, tới bao giờ tôi mới thấu hiểu cái nguồn muối của trập trùng Tây Bắc, cái nguồn muối nuôi dưỡng tình yêu muôn đời nơi lòng chảo Mường Thanh, của hoa ban. Xa biển nhưng cái nguồn muối ấy đã thành dân ca cho em hát, mặn vào máu thịt cuộc đời và truyền lưu mãi mãi. Những người lính Cụ Hồ chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Điện Biên này cũng là để góp phần gìn giữ cho nguồn muối ấy không bị phai nhạt.

Cũng để cho tôi, sau những lần gặp gỡ Mường Thanh, gặp gỡ Điện Biên càng thấy đằm thắm, mặn mòi và sâu lắng hơn với vùng đất lịch sử, xứ sở của áo cóm khăn piêu, của múa sạp múa xòe, mỗi độ xuân về hoa ban lại nở trắng rừng như bản tình ca Tây Bắc không bao giờ mất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-ngay-hoa-ban-no-48226.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.