![]() | Tiềm năng dịch vụ bao thanh toán là rất lớn |
![]() | VietinBank được tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán bên mua |
![]() | Thêm 2 chi nhánh NH nước ngoài được triển khai nghiệp vụ Bao thanh toán trong nước |
Doanh thu từ bao thanh toán thấp
Tại buổi Tọa đàm về Thực trạng và giải pháp phát triển nghiệp vụ bao thanh toán (BTT) ở Việt Nam do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) tổ chức ngày 28/4, các diễn giả đến từ các vụ, cục của NHNN và các NHTM đã đưa ra kiến nghị để nghiệp vụ này phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho nghiệp vụ này mở rộng tại các NHTM.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho thấy, hiện nay đã có cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động BTT ở Việt Nam bao gồm cả Luật và các văn bản dưới Luật như: Điều 4 Luật Các TCTD 2010; Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN về Quy chế BTT của TCTD; Thông tư số 24/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 (bãi bỏ các nội dung liên quan đến hồ sơ xin chấp thuận, trình tự và thủ tục chấp thuận hoạt động BTT của các TCTD).
![]() |
Để đẩy mạnh dịch vụ BTT thì rất cần các cơ quan chức năng “luật hóa” nghiệp vụ này |
Theo ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, BTT là dịch vụ tài chính hữu hiệu, nhất là với DN xuất nhập khẩu. Dịch vụ này hỗ trợ về vốn cho DN, bán hàng trả chậm, giúp DN quay vòng vốn trong sản xuất kinh doanh, tránh lãng phí vốn do được thanh toán chậm. Tuy nhiên, nhiều DN chưa ý thức được ý nghĩa của BTT.
Còn với TCTD, trước sức ép cạnh tranh hội nhập, phát triển thương mại đa phương khiến họ cũng phải đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ngày càng tăng thì dịch vụ BTT được xem như mảnh đất vàng của NH trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế hiện BTT vẫn chưa phát triển. Theo các diễn giả tại Tọa đàm thì trên 50,6% số lượng đơn vị BTT có ít hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiệp vụ này. Và BTT theo hạn mức là hình thức phổ biến nhất, chiếm khoảng 62,9% tổng số giao dịch. Hiện cũng chỉ có khoảng 14% đơn vị BTT có mối liên hệ hoặc là thành viên của các Hiệp hội BTT quốc tế.
Ths. Nguyễn Thị Thanh Hằng – Đại diện Nhóm nghiên cứu về nghiệp vụ BTT của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, thực tế BTT chưa phải là hình thức cấp tín dụng phổ biến được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, khi mới chỉ có 18/31 TCTD phát sinh nghiệp vụ này (2 NHTMNN, 6 NHTMCP, 3 NH 100% vốn nước ngoài; 7 Chi nhánh NHNNg).
Doanh số BTT cũng không có sự tăng trưởng ổn định. Năm 2009 doanh số BTT đạt 95 triệu EUR, năm 2012 giảm chỉ còn 61 triệu EUR, nhưng sau đó từ 2013 trở lại đây tăng trở lại bình quân 100 triệu EUR. Con số trên so với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Sẽ luật hóa thêm nhiều nghiệp vụ
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh – Phó trưởng Phòng chính sách và sản phẩm của Vietcombank cho biết, Vietcombank là ngân hàng tiên phong trong nhiều dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ BTT. Tuy nhiên, với bất kỳ sản phẩm nào thì cũng khó tránh được sự bỡ ngỡ thời gian đầu. Năm 2008 Vietcombank đã ban hành quy trình cho toàn hệ thống về BTT, tuy nhiên khi NH triển khai dịch vụ này, thậm chí DN không biết BTT là gì nên cán bộ NH phải tham gia cả công việc “đào tạo” khách hàng.
Không chỉ Vietcombank, các NH cung cấp dịch vụ BTT đã gặp những vướng mắc. Thứ nhất, theo thông lệ quốc tế, BTT là tối thiểu một trong 4 dịch vụ: quản lý khoản thu; thu nợ; bảo đảm rủi ro tín dụng bên mua hàng; tài trợ khoản phải thu. Trong khi đó chúng ta chỉ cho rằng BTT là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng và mua hàng (theo Luật Các TCTD năm 2010).
Đại diện của Ngân hàng HSBC chia sẻ, hiện ngân hàng này có hai nghiệp vụ là BTT khoản phải thu và BTT khoản phải trả. BTT khoản phải thu là quan tâm tới người bán, đánh giá kỹ người bán, tất nhiên người bán cũng quan tâm nhưng quyền thu đòi là “nhắm” tới người bán.
BTT các khoản phải trả là sau khi hàng hóa được giao và chứng từ được gửi đến trực tiếp cho người mua. Người mua gửi yêu cầu thanh toán sớm cho ngân hàng. Sau đó ngân hàng thực hiện việc thanh toán sớm cho nhà cung cấp đối với các hóa đơn đã được chấp nhận thanh toán bởi người mua. Tuy vậy, người mua là những công ty đa quốc gia, có tiềm lực tài chính, am hiểu về nghiệp vụ nên không có khó khăn gì với NH.
Và trong bối cảnh này, các khoản phải trả khá phổ biến tại HSBC và ngày càng được khách hàng lắng nghe vì ngày nay người bán khó khăn khi tiếp cận vốn NH, nên người mua thông qua thế mạnh của mình để hỗ trợ cho người bán, chi phí kinh doanh thấp hơn. Đó là ưu điểm của dịch vụ BTT.
Theo đại diện của Ngân hàng HSBC, trong bối cảnh điện tử hóa các thủ tục NH, HSBC phát triển hệ thống tải dữ liệu từ người mua trong dịch vụ BTT lên hệ thống điện tử giúp cho xử lý thông tin nhanh, thay vì chờ khách hàng đưa chứng từ lên.
Nhưng khó khăn đối với các NH triển khai BTT hiện nay là chưa có cơ sở pháp lý chứng từ qua mạng điện tử, vì theo Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN về Quy chế BTT của TCTD thì NH vẫn đòi chứng từ giấy, để kiểm chứng thông tin khách hàng.
“Chúng tôi vẫn chấp nhận chứng từ điện tử nhưng hàng tháng, hàng quý phải có thông tin giấy tờ, chứ không phải kiểm tra 100%” - đại diện HSBC cho biết. Do đó, các diễn giả tại tọa đàm cho rằng, để giúp cho các NH đẩy mạnh dịch vụ BTT thì rất cần các cơ quan chức năng “luật hóa” các nghiệp vụ này.
Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, trong ngắn hạn những ý kiến tại tọa đàm này sẽ được tập hợp để bổ sung vào dự thảo Ban hành thông tư thay thế Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN về Quy chế BTT.
Trong đó, sẽ hướng dẫn vấn đề “bảo lưu quyền truy đòi”, nghiệp vụ BTT bên mua; bổ sung quy định về BTT qua mạng điện tử; đẩy nhanh quá trình cấp đổi Giấy phép để cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động BTT.
Đồng thời, NHNN sẽ đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp giới thiệu rộng rãi hoạt động BTT đến DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/choi-bao-thanh-toan-dn-duoc-loi-nhieu-48105.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.