Càng sống càng thương con cháu
Gặp ông Nguyễn Tú Lâm ở tư gia tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), tôi thật sự thán phục trước tình cảm của ông dành cho con cháu và thế hệ sau. Tình cảm ấy, trước hết là ở trách nhiệm của một người cha vun đắp đủ đầy cho con cái nên người, thứ nữa ông đã dày công sưu tầm những vỏ quả bom còn lại từ thời chiến, chờ ngày “dự án bảo tàng” hoàn thành.
“Xưa quê tui cũng là túi bom. Gần địa đạo Củ Chi mà. Bình quân mỗi người phải gánh chịu hơn một tấn bom. Nhưng nếu cứ để vỏ bom bị cưa đi, biến thành những vật dụng khác thì không ổn. Sống trong thời bình, nhưng những giá trị, kỷ vật gợi lại công ơn người xưa thì phải được gìn giữ”, ông Lâm quan niệm.
![]() |
Ông Hiệp nâng niu kỷ vật xưa |
Nghĩ là làm, nên ngay từ năm 1981, ông Lâm đã sưu tầm vỏ những quả bom trong vùng. Quả nào còn thuốc mà người dân phát hiện, ông báo cơ quan chức năng để tìm cách phá gỡ. “Khi quả bom vô hại rồi, tui xin về lưu giữ để ai cũng có thể đến chiêm ngưỡng. Thấy sự nhiệt huyết của tui, cán bộ địa phương ủng hộ lắm. Đến nay, sau 36 năm tôi đã có cả một kho tàng để làm nhà truyền thống gồm hàng trăm quả bom và đạn pháo các loại”, ông Lâm bày tỏ.
Cựu chiến binh Nguyễn Tú Lâm còn cho biết thêm, quê hương ông là vùng “tam giác sắt” một thời, với nhiều chiến công oanh liệt, người dân dù gian khổ, bom dội trên đầu vẫn anh dũng chiến đấu. Song bài học và tinh thần ấy, ít nhiều dần phôi phai trong giới trẻ. “Càng sống thì càng thương. Giới trẻ nhiều người không hiểu cội rễ. Điều đó không chỉ do lỗi của các em, con cháu chúng ta. Tui nghĩ là mình đang làm đúng. Phải giáo dục các thế hệ trẻ bằng những kỷ vật cụ thể”.
Chung tâm sự ấy, thương binh 4/4 Bùi Đình Thu, người có hơn 20 năm sưu tầm kỷ vật chiến tranh, lập nhà truyền thống ở xã Chí Tiên (Thanh Ba, Phú Thọ) luôn cho rằng, thế hệ trước có trách nhiệm truyền trao cho thế hệ sau những thông điệp. Mà những thông điệp ấy, không gì gần gũi và cụ thể bằng các kỷ vật từ thời chiến.
Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có 15 bảo tàng và nhà truyền thống tư nhân lưu giữ kỷ vật chiến tranh, đa phần do các cựu chiến binh xây dựng. Cựu chiến binh Bùi Đình Thu là một trong số những người tâm huyết, bởi cuộc sống của vợ chồng ông chẳng khá giả gì, nhưng hai vợ chồng ông đã đặt chân đến nhiều vùng đất trên cả nước và sưu tầm được hơn 2000 hiện vật, kỷ vật với nhiều chủng loại của cả ta và địch, xây dựng thành công nhà truyền thống.
![]() |
Ông Bảng là người truyền lửa đặc biệt cho thế hệ trẻ |
“Đời người là một khúc quân hành”
Hơn một lần, chúng tôi hỏi ông Thu, rằng cuộc sống còn khó khăn, vết thương cũ thường tái phát, điều gì đã thôi thúc ông, cũng như những người lính đi tìm kỷ vật? Ông Thu xúc động, xòe đôi bàn tay chai sần của mình ra: “Tôi may mắn trở về, tôi phải sống thay phần đồng đội đã mất. Đó là động lực lớn giúp tôi vượt qua trở ngại đời thường. Lính mà. Những cựu chiến binh chúng tôi là nhân chứng sống của một thời hào hùng. Và tôi vinh dự hát tiếp khúc quân hành của người lính”.
Khi gặp cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, Giám đốc “Bảo tàng Chiến sĩ bị địch bắt tù đày”, tọa lạc tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội), được công nhận là bảo tàng tư nhân sớm nhất trong cả nước, tôi càng kính nể nghị lực và quyết tâm của những cựu chiến binh giữa đời thường.
Để có “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” khang trang, rộng và đẹp đồng thời được đông đảo người dân, học sinh, cựu chiến binh đến tham quan là cả một sự nỗ lực của ông Bảng. Mỗi kỷ vật là một sự kỳ công, một câu chuyện.
Ông Bảng cùng các đồng đội cũ - nhân chứng sống trong những năm tháng khói lửa đưa tôi trở về dòng hồi ức xưa. Năm 1968 ông bị địch bắt đày ra Phú Quốc và bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng vẫn vững vàng ý chí cách mạng.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Bảng trở về quê hương làm trong ngành giao thông. Năm 1982, một lần tình cờ cơ quan ông đào được quả bom còn nguyên vẹn, đã cùng nhiều người tháo thuốc, đưa về cơ quan, xây một cái bệ và đặt quả bom lên, có ghi dòng chữ: “Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ”.
Để ý thì thấy mọi người rất quan tâm đến quả bom ấy. Từ đó ý tưởng của ông được hình thành và liên lạc với các đồng đội cũ để trình bày, mong họ chung sức đóng góp cho ý tưởng lưu giữ những kỷ vật của thời chiến. Các cựu chiến binh nhiệt liệt ủng hộ và hăng hái xắn tay vào việc.
Ban đầu, ông Bảng chỉ muốn xây dựng phòng truyền thống riêng của gia đình. Song đến năm 2006 do nhu cầu tham quan của du khách tăng cao nên quyết định xin phép xây dựng một bảo tàng tư nhân. Nhà có năm anh em trai, mảnh đất 1600m2 là bố mẹ để lại cho, các anh nhường cả cho ông. Bảo tàng chia thành tám phòng riêng, sắp xếp trình tự, khoa học với những hình ảnh sống động.
Phòng đầu tiên trên tầng hai là phòng quan trọng nhất, lưu giữ những kỷ vật của Bác Hồ: Từ chiếc gậy Trường Sơn, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đôi dép cao su đến những bài thơ chúc Tết. Gian lớn nhất trưng bày những hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, có một lá cờ nhỏ.
Dường như, kể từ năm 1990 không ít cựu chiến binh nghe tiếng ông Bảng và cũng bị những kỷ vật thôi thúc lên đường sưu tầm. Theo chiều dài thời gian lại có thêm các bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống ra đời, như “Bảo tàng Ký ức chiến tranh” của ông Vũ Đình Lưu ở phố Đặng Việt Châu (TP. Nam Định); “Bảo tàng Chứng tích chiến tranh” của ông Nguyễn Mạnh Hiệp ở đường An Dương Vương, phường Quảng An (Hà Nội);
Nhà truyền thống của ông Nguyễn Huy Thuận ở đường Trương Định (TP. Đông Hà, Quảng Trị); nhà truyền thống của ông Phạm Chí Thiện ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương); nhà truyền thống của ông Nguyễn Văn Đổng ở xã Lý Nhân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)… Những tâm huyết của những cựu binh xưa, đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có nhiều bài học quý báu.
Phải chăng, tinh thần bất khuất, anh dũng của người lính năm xưa tiếp tục được bồi đắp thêm trong cuộc sống thời bình, nên các ông luôn có cách để vươn lên, và thực hiện những ước vọng cao cả?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-vat-cho-doi-sau-48046.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.