Những bất ổn về một quỹ bình ổn

Sau xăng dầu, giờ đây điện lực cũng đang “rậm rịch” cho ra đời Quỹ bình ổn giá (QBO). Thông tin này trong ít ngày gần đây đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Những bất ổn về một quỹ bình ổn Quỹ bình ổn giá điện: Mở thì dễ, bỏ sợ khó

Trên thực tế, việc thành lập QBO giá điện đã được quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 19/11/2013 và có hiệu lực từ đầu năm 2014.

Tại Điều 3 Quyết định 69, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, có nêu: “Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng QBO giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”.

Những bất ổn về một quỹ bình ổn
Nhiều trường hợp hóa đơn hai tháng liền vênh lớn, người dân khó tin ở minh bạch giá điện

Tại Điều 4, Quyết định 69 cũng đã quy định chi tiết cách sử dụng QBO giá điện, tại Điều 6 về tổ chức thực hiện cũng đã quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính là: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng QBO giá điện”. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà trong vòng 2 năm 2014 và 2015, các quy định về triển khai QBO giá điện đã không được các cơ quan chức năng triển khai trên thực tế.

Sự việc chỉ gây “xao động” dư luận trở lại khi mới đây nhất, tại Dự thảo thay thế Quyết định 69 của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành hẳn một điều về QBO giá điện.

Tại Điều 8 Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 69 có quy định rằng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng QBO giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài Chính - Công Thương. Nguồn hình thành QBO giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Tuy nhiên cũng theo Dự thảo, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Nguyễn Thảo Ly (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, hiện còn quá nhiều tồn tại xung quanh vấn đề công khai và minh bạch giá điện, như cần làm rõ năng suất trong ngành điện, công khai các khoản đầu vào để tính toán chi phí…

“Không công khai, minh bạch giá hàng hóa độc quyền như đối với điện có thể dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng… dẫn tới gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Theo tôi, phải làm rõ những điều này rồi hẵng tính đến chuyện thêm quỹ này, buộc đóng quỹ nọ…”, chị Ly phân tích.

Quan điểm trên cũng được nhiều chuyên gia am tường chia sẻ, bởi trong khi giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản, bao gồm tất cả các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện… vẫn chưa được công bố rõ ràng, minh bạch thì khó trách người tiêu dùng kém tin tưởng vào sự hợp lý giá bán và khả năng hài hòa lợi ích các bên.

Vậy thì, quy định QBO giá điện được “trích từ giá bán điện” sẽ lại thêm một ẩn số cho khách hàng ngành điện. Câu hỏi đặt ra là nếu trích nộp QBO thì bao nhiêu là vừa? Trích như thế nào? Liệu có hợp lý hay không?...

Theo chiến lược phát triển ngành điện hiện nay, một trong những mục tiêu cải tổ ngành này theo hướng cạnh tranh là hoạt động hiệu quả và hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động… Người tiêu dùng rất mong muốn được mua điện theo giá thị trường, thay vì giá điện độc quyền “tù mù” không rõ yếu tố cung - cầu. Nếu đúng theo định hướng đó thì đâu phải thiết lập QBO!

Còn trong lúc mà hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình hai tháng liền nhau vẫn còn “vênh thốc tháo” rất khó lý giải, thì bậc thang giá điện chẳng bao giờ thuyết phục được ai. Các chuyên gia nhìn nhận, vấn đề minh bạch và công khai giá điện là điều mà ngành này cần làm nhất hiện nay.

Bởi nếu cứ tiếp tục để tính thị trường của điện lực chưa được rõ ràng, hoàn hảo, nói cách khác nó vẫn mang tính chất độc quyền; bao nhiêu năm qua người dân chỉ thấy giá điện tăng mà chưa bao giờ thấy giảm, thì đòi hỏi sự đồng thuận với các quyết định điều chỉnh giá của ngành điện là điều “xa xỉ”.

Điều người dân mong muốn nhất lúc này là một thị trường điện lực phải rõ ràng và minh bạch thông tin, giá điện phải phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, hơn là lập thêm một QBO mà trước mắt chỉ biết sẽ làm tăng giá điện còn tương lai không rõ có thể ổn định giá hay không…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-bat-on-ve-mot-quy-binh-on-47543.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.