Hiện thực giấc mơ phát triển kinh tế tư nhân

Đầu tư mạo hiểm đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng “không thể lớn” của DN Việt Nam.
Vốn cho khởi nghiệp: Quỹ đầu tư mạo hiểm-trợ thủ đắc lực
Cần cú huých từ vốn mạo hiểm
Làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam

Trái ngược với thực trạng DN Việt Nam từ khai sinh tới khai tử ngày càng chóng vánh, từ năm 2015 tới nay, số DN nhận được vốn đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) nước ngoài lại cao nhất từ trước tới nay. DN sau khi nhận được vốn góp từ các quỹ này đã phát triển hiệu quả và mở rộng quy mô. Trước thực tế đó, ĐTMH đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng “không thể lớn” của DN Việt Nam.

DN chết yểu vì đối mặt nhiều yếu tố mạo hiểm

Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do VCCI vừa công bố, tính chung giai đoạn 2007-2015, cả nước chỉ có trên một nửa số DN đăng ký thành lập là còn hoạt động, số còn lại hoặc đã ngừng hoạt động hoặc giải thể. So với thời điểm năm 2005 - 2007, số DN ngừng hoạt động chỉ chiếm khoảng 15 - 20% so với số đăng ký, thì thời gian gần đây tỷ lệ này đã tăng cao hơn. Từ năm 2011 số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể ngày càng có xu hướng tăng lên, và đặc biệt tăng cao trong năm 2015.

Riêng quý I/2016 đã có hơn 22.0000 DN đóng cửa. “Đây là con số cực kỳ cao so với các năm”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lo lắng. Thống kê này cho thấy, số DN gia nhập thị trường và sụp đổ đang ngày càng cân bằng, chứng tỏ tốc độ phát triển DN cũng ngày càng chậm lại.

Hiện thực giấc mơ phát triển kinh tế tư nhân
Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ hoá giải những vấn đề mạo hiểm của DN

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định, một trong những nguyên nhân khiến DN Việt Nam chậm lớn, thậm chí chết yểu là bởi hệ thống hỗ trợ DN hiện rất yếu và thiếu. Trong khi đó theo khảo sát của VCCI, cũng chỉ có khoảng 20-30% DN có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ này. Không chỉ thiếu vốn hoạt động, DN Việt Nam được nhìn nhận là yếu toàn diện khi không làm chủ được công nghệ, hệ thống quản trị kém, nhân lực yếu, thiếu thị trường hoạt động…

Tuy nhiên, điểm sáng nổi lên từ việc các quỹ ĐTMH liên tục rót vốn đã cho thấy triển vọng phát triển của DN Việt Nam là rất lớn. Theo đó, các quỹ ĐTMH không chỉ giải quyết nhu cầu vốn mà còn giúp lấp đầy các rủi ro của DN thông qua những hoạt động hỗ trợ toàn diện. Cụ thể, quỹ ĐTMH sử dụng kinh nghiệm, tri thức và mạng lưới thông tin tích lũy lâu năm của mình để hỗ trợ cho DN tiến hành kinh doanh tốt hơn. Họ trực tiếp giúp đỡ các DN mà mình đầu tư về quản lý, đổi mới công nghệ, tiếp thị, phát triển nhân lực và hoạch định chiến lược kinh doanh…

Ông Đào Việt Thắng, Giám đốc phát triển thị trường của Vexere, DN nhận được vốn 1 triệu USD từ 2 quỹ đầu tư Nhật và Singapore chia sẻ, ngay khi Vexere chạy dự án sau khi được 2 quỹ này rót vốn, DN đã được hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự, quy trình vận hành và quản trị chiến lược. Với sự đầu tư và hỗ trợ toàn diện của 2 quỹ ĐTMH này, DN khẳng định là tiền đề vững chắc để phát triển đi lên.

Ông Thắng cũng khẳng định, nguy cơ bị quỹ “nuốt trọn” là không thể có vì mục tiêu đầu tư của quỹ là phát triển DN đến một quy mô nhất định rồi thoái vốn và để cho DN tự lớn.

Tạo cơ chế linh hoạt cho quỹ

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ ĐTMH cho khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, hàng lang pháp lý cho hoạt động này đang dần được hoàn thiện. Đây cũng là bước hoàn thiện chính sách đáng chú ý bởi ĐTMH đang được kỳ vọng là yếu tố cốt lõi để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hiện thực hoá giấc mơ phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn các quy định, thủ tục thành lập, cơ chế hoạt động, cơ chế rút vốn, cũng như nghĩa vụ của các bên liên quan. Về cơ bản, các thủ tục khai sinh và đăng ký hoạt động kinh doanh của quỹ không khác với thủ tục thành lập DN. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng kỳ vọng sau khi lấy ý kiến đóng góp, mô hình hoạt động của quỹ sẽ được thiết kế một cách linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo được kiểm soát dòng tiền đúng mục tiêu.

Chẳng hạn, điều 4 trong dự thảo quy định “Nhà đầu tư và đối tượng khởi nghiệp sáng tạo tự thoả thuận về giá trị phần vốn góp, cổ phần, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần tại doanh nghiệp được hình thành hoặc tăng vốn từ hoạt động đầu tư”. Đây là quy định được mong đợi nhiều vì trước đây cơ quan quản lý đòi can thiệp cả vào hoạt động định giá ý tưởng sáng tạo, nên trong nhiều trường hợp khiến NĐT nản lòng do thủ tục quá phiền hà.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định “Quỹ này không phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán”.

Hiện tại, tổ soạn thảo cũng đang cân nhắc phương án có thể không cần thiết thành lập công ty như dự thảo, mà chỉ đăng ký tài khoản dùng để đầu tư theo nguyên tắc đã thống nhất đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Một số nội dung như có quy định vốn góp tối thiểu không; có quy định số thành viên góp vốn hay khống chế thời gian hoàn trả vốn góp cho các thành viên không… cũng đang được cân nhắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NĐT tham gia quỹ.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hien-thuc-giac-mo-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-47537.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.