![]() |
Ảnh minh họa |
Vùng đất Ninh Thuận được biết đến như là “sa mạc Sahara” của Việt Nam. Tại một số địa phương của tỉnh này, nhiều năm không có mưa, khiến đất sản xuất nông nghiệp trở nên hoang hóa. Tuy nhiên, trong cái khó, người nông dân lại ló cái khôn, và đã chuyển đổi một số loại cây trồng phù hợp, bằng cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính điều này đã mang lại lợi nhuận cho người nông dân trên chính vùng đất “chết”.
Đơn cử, cây thanh long ruột đỏ đã được nông dân tại xã Nhị Hà, Thuận Nam và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng thử nghiệm. So với một số giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có trọng lượng, chất lượng và giá cả cao hơn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn cao cấp và trong các hệ thống siêu thị cả nước. Chính vì thế mà giá trị của loại cây trồng này được nâng lên rõ rệt.
Với cái nắng như lửa đốt, chúng tôi đến thăm và được thưởng thức quả thanh long ruột đỏ do chính tay lão nông Sằn A Lộc, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng. Thật ngọt và thanh mát. Qua tìm hiểu được biết, anh Lộc đã đi nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận để khảo sát cây thanh long ruột đỏ nhưng không vừa ý.
Tiếp tục, anh lặn lội vào Tiền Giang để học tập quy trình trồng cây thanh long ruột đỏ. Trở về, anh Lộc cải tạo lại vườn đất đồi và vay mượn 125 triệu đồng để mua giống về trồng. Vừa trồng vừa tìm hiểu thêm qua các trang mạng để nắm bắt kỹ thuật áp dụng cho vườn thanh long của mình. Sự cần cù, chịu khó đã giúp anh Lộc gặt hái thành công.
Anh Sằn A Lộc cho biết, năm 2011 gia đình anh chỉ trồng 3ha, thấy cây thanh long phát triển tốt, cho ra hoa nhiều, quả có vị ngọt, năng suất cao, mỗi quả có trọng lượng từ 0,5 – 0,9kg. Điều khác biệt là thanh long ruột đỏ trồng tại Ninh Thuận có mùi thơm đặc biệt được nhiều người ưa chuộng, do đó anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng đầu tư nhân rộng diện tích trồng thêm 3ha.
Đến nay, toàn bộ 6ha thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch, bình quân 1ha cho 40 tấn quả, với giá bán quả loại 1 trên 35.000 đồng/kg, loại 2 là 15.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thì 1ha lãi từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Với doanh thu này, ước tính với 6ha mỗi năm gia đình anh Lộc lãi tròn trèm 1 tỷ đồng. Vườn thanh long của anh Lộc cho thu hoạch mỗi tháng 1 lần, được các thương lái bao tiêu sản phẩm ngay tại vườn.
Không dừng lại ở đó, có được nguồn vốn từ trồng thanh long, anh Lộc đã mở rộng trồng thêm 5ha mía và 1ha cây đu đủ, hiện 2 loại cây này đang phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Để có nguồn nước tưới cho mùa hạn hán, anh Lộc đã thuê đào 6ha ao để trữ nước cho mùa khô.
Theo Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, cây thanh long là loại cây không ưa nước, phù hợp với thời tiết nắng nóng của địa phương. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ có đặc tính vượt trội, sản lượng ổn định, chất lượng cao, vỏ dày nên vận chuyển được đi xa. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân của địa phương, Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện cho các nông dân tham quan học tập kinh nghiệm. Đây là loại cây hứa hẹn sẽ giúp xóa nghèo cho bà con nơi đây.
Có thể nói, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học mà người nông dân đã từng bước chuyển đổi cây trồng để phù hợp với điều kiện cực đoan của thời tiết. Đây là hướng đi mới, các cấp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp nên khuyến khích để người dân mạnh dạn tiếp cận, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chuyen-doi-cay-trong-thu-tien-ty-47425.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.