![]() | Sẽ siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, cho vay BĐS |
Trong những tuần gần đây, việc NHNN lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được giới đầu tư tài chính đặc biệt chú ý.
Ngoài những điểm sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản (như: giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn và tăng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản) thì điểm sửa đổi liên quan đến thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng được giới chuyên môn quan tâm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bởi nếu dự thảo được thông qua, các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam sẽ được tăng gấp đôi tỷ lệ vốn ngắn hạn được quyền mua hoặc đầu tư trái phiếu. Từ đó, thị trường trái phiếu sẽ có thêm cơ hội mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài và sức cạnh tranh sẽ trở nên tốt hơn so với thời gian qua.
Nhìn vào điểm sửa đổi của dự thảo nói trên có thể thấy ngay, việc NHNN nâng tỷ lệ mua, đầu tư TPCP cho nhóm chi nhánh NH nước ngoài lên bằng với mức quy định của khối NHTMCP và NH liên doanh (35% vốn ngắn hạn) chính là động thái đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bởi trước đó, trong các năm 2014-2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã kiến nghị nâng tỷ lệ giới hạn này cho khối chi nhánh NH nước ngoài để đảm bảo tính công bằng so với các TCTD khác trong cùng hệ thống và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, việc sửa đổi các giới hạn vốn đầu tư trái phiếu lần này của NHNN không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu thị trường của một nhóm nhà đầu tư ngoại mà ở đây có một sự “nhượng bộ” đáng kể của chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho chính sách tài khóa hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2016.
Bởi tính đến thời điểm này, mặc dù thị trường TPCP đã thu hút được khá đa dạng các nhà đầu tư đến từ khối DN bảo hiểm và các quỹ đầu tư tài chính, tuy nhiên khối NHTM vẫn là khối nhà đầu tư chủ đạo.
Do đó, việc NHNN cho phép các chi nhánh NH nước ngoài được nâng giới hạn vốn đầu tư trái phiếu lên 35% tổng vốn ngắn hạn, đồng thời cho phép NH Hợp tác xã Việt Nam được cộng gộp tổng tiền gửi của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân vào nguồn vốn ngắn hạn của mình chứng tỏ rằng chủ trương của NHNN là vẫn “mở cửa” để hệ thống NHTM có nguồn vốn dư dả đầu tư vào kênh trái phiếu, hỗ trợ tình trạng căng thẳng ngân sách khi kênh huy động từ trái phiếu bị chững lại.
Thực tế cho thấy, trong năm 2015, mặc dù có khoảng gần 200.000 tỷ đồng TPCP được huy động thành công, tuy nhiên cầu TPCP được giới chuyên môn đánh giá là khá yếu so với các năm trước. Đặc biệt là ở các kỳ hạn dài do tăng trưởng tín dụng năm 2016 được dự báo ở mức khá cao nên lượng tiền phân bổ cho đầu tư trái phiếu giảm mạnh.
Điều này cũng cho thấy rằng, trong năm 2016 nếu các NHTM không được nới room để có tiền dành cho đầu tư trái phiếu thì khả năng huy động vốn từ TPCP sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái căng thẳng. Bởi trong năm nay dự kiến những rủi ro về tỷ giá và làn sóng rút vốn của khối ngoại khỏi các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) vẫn tiếp tục tiếp diễn và TPCP các kỳ hạn dài trên 5 năm vẫn sẽ kém hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó cả năm 2016, tổng vay của ngân sách trung ương sẽ đạt khoảng 409.100 tỷ đồng với khoảng 205.000 –245.500 tỷ đồng kỳ vọng đến từ nguồn phát hành TPCP tức là tương đương với tổng mức phát hành của năm ngoái vốn chỉ huy động được 80%.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mo-room-cai-thien-cau-cho-trai-phieu-45451.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.